QTV - Trên địa bàn huyện Đông Triều, phong trào trồng cây vải được bắt đầu từ năm 1992. Trong nhiều năm, vải đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện và đã giúp cho nhiều bà con nông dân thoát nghèo. Thế nhưng sau nhiều năm, giờ đây người ta lại nhắc đến cây vải thiều như một câu chuyện buồn.
Người dân đang chặt cây vải để thay thế bằng những loại cây có hiệu quả |
Do trồng vải theo phong trào nên các yếu tố kế hoạch phát triển, khả năng tiêu thụ, công nghệ chế biến đã không được tính toán và dự báo. Chính vì thế mà mấy năm gần đây, mặc dù vải được mùa nhưng người trồng vải ở Đông Triều vẫn thất thu.
Trước thực trạng như vậy, huyện Đông Triều chủ trương chuyển đổi gần 1.800 ha diện trồng cây ăn quả kém hiệu quả sang trồng các loại cây lâm nghiệp, cây nông - lâm kết hợp khác có hiệu quả hơn, trong đó chủ yếu là cây na dai và cây keo. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án này là khoảng 19 tỷ, trong đó tỉnh Quảng Ninh và huyện Đông Triều chi gần 4 tỷ đồng, số còn lại do người dân tự đầu tư.
Chỉ tính riêng tại xã An Sinh, việc phá bỏ hơn 300 ha vải, người dân nơi đây đã thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Như vậy, để thay thế 1800 ha diện tích cây vải hiện có, ước tính người dân trên toàn huyện Đông Triều sẽ phải mất 600 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ đối với một địa phương dựa nhiều vào kinh tế nông nghiệp như Đông Triều.
Tuy nhiên, để chuyển đổi thành công, thiệt hại kinh tế không phải điều duy nhất mà người nông dân phải lo lắng. Hiện nay, mức hỗ trợ của cả tỉnh và huyện cho 1ha chuyển đổi là 2,5 triệu đồng. Với mức hỗ trợ như vậy, có lẽ nhiều hộ gia đình muốn chuyển đổi sang loại cây trồng khác hiệu quả hơn cũng khó có thể thực hiện được.
Sau khi hoàn thành dự án, toàn Đông Triều vẫn còn tới hơn 1400ha vải, và huyện cũng chưa có giải pháp cụ thể nào để nâng cao hiệu quả kinh tế của diện tích còn lại này.
Ông: Lê Văn Chước - Phó phòng nông nghiệp huyện Đông Triều: Hiện nay huyện đang chỉ đạo việc thay thế các loài cây kém hiệu quả sang trồng cây keo. Ngoài cây keo ra huyện cũng giao cho phòng NN v&PTNT nghiên cứu một số loài cây khác có hiệu quả hơn ví dụ như: mít Thái Lan, dẻ quả to .. tuy nhiên những loài cây này thì hiệu quả của nó chưa được khẳng định, chúng tôi đang nghiên cứu và trồng thử nghiệm các loại cây này trên diện rộng.
Mặc dù việc thay thế một phần diện tích vải là việc làm cần thiết trong thời điểm này, nhưng nhu cầu đối với những cây trồng được đưa vào thay thế cây vải là cây na dai và keo cũng đang có dấu hiệu chững lại. Giá na dai và keo trong vài năm trở lại đây đều giảm theo từng năm. Để những cây trồng mới này không lặp lại bài học như cây vải, có lẽ huyện Đông Triều cần phải xây dựng được quy hoạch phát triển dài hơi hơn trong những năm tới.
Minh Toàn