Họ là những phụ nữ nông thôn ít chữ, chân lấm tay bùn, suốt đời chỉ biết hy sinh cho chồng con. Nhưng đến một ngày, bao nhiêu công sức của họ lại bị chính những người thân đổ sông đổ biển.
Chỉ vì không đăng ký kết hôn
Hơn ba mươi năm trước, chị Hương về sống với anh Minh, được ông bà nội anh mang trầu cau đến rước về. Dù vậy, mẹ anh Minh vẫn không chấp nhận chị. Trước sự phản đối của mẹ chồng, chị Hương được bà nội đưa về sống với ông bà tại xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Khi hai cậu con trai kháu khỉnh ra đời, mẹ chồng chị Hương không còn khắt khe như trước nữa, thỉnh thoảng vẫn sang nhà chơi đùa với các cháu. Từ ngày ông bà nội anh Minh mất, tình cảm hai gia đình càng gắn bó hơn. Nhưng, mối quan hệ đó đã quay sang một hướng khác từ sau khi anh Minh không may bạo bệnh qua đời.
Mẹ chồng chị Hương và hai cô con gái đã quay lưng đuổi ba mẹ con chị ra khỏi nhà. Chị Hương không chịu đi, họ cho xe ủi đến phá nát vườn cây trái đang mùa thu hoạch, cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình, được vợ chồng chị Hương chăm sóc bao năm.
Để có được vườn cây trái đó, vợ chồng chị Hương đã phải thế chấp giấy tờ nhà đất lấy tiền mua giống, bón phân. Ngày anh Minh mất, lúc gia đình đang rối ren việc ma chay, mẹ chồng chị đã tự ý làm giấy chứng tử cho con kèm theo giấy ủy quyền của anh Minh cho bà. Sau đó, bà đã dùng những giấy tờ này chuộc lại giấy tờ nhà đất vợ chồng anh đang thế chấp, đem về cất giấu.
Hai cô em chồng thì viện cớ ngôi nhà là tài sản của ông bà nội để lại cho mẹ mình, cương quyết đuổi ba mẹ con chị đi. Họ mắng nhiếc chị Hương chỉ là loại “mèo mả gà đồng” với anh họ, không phải dâu con trong nhà.
Trước tòa, chị khóc nức nở vì không có một bằng chứng pháp lý nào chứng minh chị là vợ anh Minh. Hơn ba mươi năm chung sống, chị và anh không đăng ký kết hôn. Ở cái vùng quê heo hút đó, mấy ai quan tâm đến việc chuyện đăng ký kết hôn. Chỉ có duy nhất tờ giấy khai sinh của hai con có tên anh Minh là cha, nên tòa chỉ công nhận và chia một phần tài sản cho hai con của chị Hương. Mất tài sản chị không tiếc, chỉ uất ức vì không được xã hội công nhận là vợ hợp pháp của anh.
Đã ba năm trôi qua, mẹ con chị vẫn cầm trên tay lá đơn đi đòi lại tài sản của người chồng đã mất. Chị đòi không phải để được tài sản mà để được công nhận quyền làm vợ cho mình.
Trắng tay ra đi
Ngày vợ chồng anh Lâm và chị Thu ra ở riêng, ba mẹ anh Lâm cho hai vợ chồng miếng đất hơn 10.000m2 tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để làm kế sinh nhai. Từ mảnh đất trồng tràm còn hoang hóa, vợ chồng chị Thu đã cải tạo lại để trồng lúa, rồi chuyển sang trồng cây ăn trái. Đất đai cằn cỗi, mùa được mùa mất nên dù tảo tần khuya sớm anh chị vẫn thiếu trước hụt sau.
Cuộc sống của vợ chồng chị bắt đầu thay đổi từ khi huyện Nhơn Trạch được quy hoạch thành cụm công nghiệp, đất đai vùn vụt tăng giá. Một con đường lớn được phóng ngang qua khu đất của vợ chồng chị, biến mảnh đất cằn cỗi thành mặt tiền đường, giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Hơn mười năm chung sống nhưng chị Thu cũng chưa sinh được mụn con nào nên chị dự tính sẽ bán một ít đất, cùng chồng đi khám bệnh để sinh con. Dự tính của chị chưa kịp thực hiện thì mâu thuẫn gia đình phát sinh. Chị kể: Gia đình anh Lâm cương quyết buộc hai người phải ly hôn vì cho rằng Thu không có khả năng sinh con. Trước sự nặng nhẹ của gia đình, anh Lâm, không lên tiếng bảo vệ vợ cũng không chịu cùng vợ đi khám bệnh. Chị khóc lóc van xin, anh vẫn thờ ơ, vô cảm. Buồn và giận trước thái độ của anh, chị đã ký vào đơn thuận tình ly hôn do anh soạn sẵn.
Khi lá đơn ly hôn còn chưa đến được tòa án, mẹ anh Lâm đã khởi kiện vợ chồng chị để đòi lại miếng đất vợ chồng chị đang canh tác. Tại tòa, bà cho rằng đất đó là của bà cho vợ chồng anh mượn canh tác, nay bà có nhu cầu sử dụng nên lấy lại.
Trên giấy chủ quyền thửa đất vẫn còn tên mẹ chồng, vợ chồng chị không có gì chứng minh phần đất đó là tài sản của mình. Bao nhiều năm cuốc cày mưa nắng trên mảnh đất đó, chị Thu chưa bao giờ nghĩ đến việc yêu cầu mẹ chồng tách thửa sang tên cho vợ chồng mình, cứ ngỡ đã là mẹ con với nhau thì đâu ai nỡ... Nước mắt và những tiếng nấc nghẹn ngào của chị trước tòa không thể nào thay đổi được bản án.
Hơn mười năm làm vợ, cũng là chừng ấy năm canh tác trên mảnh đất ấy, giờ chị phải ra đi với hai bàn tay trắng. Nỗi đau khiến chị ngẩn ngơ như người mất hồn. Chị không biết mai này mình sẽ đi về đâu.
Theo Phụ Nữ