Kể từ khi ra đời và được sử dụng, đồng tiền có được vai trò và uy thế rất to lớn. Chính vì thế mà ở nhiều nước, thời nào cũng có chuyện đồng tiền đóng vai trò chính trị và được công cụ hoá phục vụ cho mục đích chính trị. Ví dụ và bằng chứng mới nhất có thể thấy qua một vụ việc ở Mỹ.
Chuyện như thế này: Một ngân hàng thuộc sở hữu của Ngân hàng Mỹ trong thời gian từ 2004 đến 2008 đã cấp phát tín dụng cho người da màu ở Mỹ với những điều kiện không được thuận lợi như dành cho khách hàng là người da trắng hoặc gốc Châu Âu. Phân biệt chủng tộc là lý do và mục đích của chính sách kinh doanh này.
Phân biệt chủng tộc vốn từng là mốt thời thượng trong quá khứ lịch sử nước Mỹ mà hay ít dở nhiều nên cho tới ngày nay vẫn là chuyện rất nhạy cảm về chính trị xã hội nội bộ ở nước Mỹ. Sang thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn biểu hiện phân biệt đối xử rõ nét đến như thế ở nước Mỹ thì cũng thật hiếm thấy. Cho nên một khi chuyện này bị đưa ra xét xử trước toà thì kết quả cuối cùng không thể khác ngoài việc kẻ chủ mưu và thực hiện phân biệt đối xử sẽ bị xử phạt thích đáng.
Bên bị lại là một trong những ngân hàng lừng danh nhất nước Mỹ. Cái tên Ngân hàng Mỹ không thôi cũng đã đủ để được coi là một trong những đại diện và biểu tượng cho nước Mỹ. Vì thế, Bộ Tư pháp Mỹ đã tìm mọi cách để có được thoả thuận ngoài toà án, bằng cánh đó tránh đưa vụ việc ra xét xử trước toà. Suy tính của cơ quan chính phủ này có lý do của nó vì chẳng nhẽ lại tự vạch áo cho người xem lưng à. Mới rồi, ngân hàng nói trên chấp nhận bồi hoàn cho những khách hàng da màu bị phân biệt đối xử 335 triệu USD. Đây cũng còn là mức bồi hoàn lớn nhất ở nước Mỹ từ trước đến nay về phân biệt đối xử.
Đồng tiền được sử dụng làm chính trị như thế đấy. Ngân hàng Mỹ vì quan điểm chính trị mà thể hiện chính sách phân biệt chủng tộc trong cấp phát tín dụng cho khách hàng. Lẽ thường, ngân hàng kinh doanh tiền tệ và màu da của khách hàng đâu có phải là sự đảm bảo quyết định cho độ tin cậy của khách hàng. Chẳng lẽ người da màu không đáng tin cậy về khả năng thanh toán tín dụng hay sao.
Cả Bộ Tư pháp Mỹ cũng dùng tiền bồi hoàn của Ngân hàng Mỹ làm chính trị. Đồng tiền trong trường hợp này không chỉ bồi thường thiệt hại cho người bị phân biệt chủng tộc, mà còn gỡ gạc thể diện cho cả nước Mỹ.
Mạc Thày