'Dòng sông máu' ở Nga không phải là điềm báo từ chúa Trời

Nước sông Daldykan chuyển màu đỏ rực
Nước sông Daldykan chuyển màu đỏ rực
(PLO) -Hoàn toàn không phải là một điềm báo từ Chúa trời, cũng chẳng phải là do một thế lực siêu nhiên nào đó gây ra, hiện tượng nước ở một con sông ở Nga bỗng nhiên chuyển màu đỏ như máu hồi tuần trước vừa được xác định là do nước thải từ một nhà máy luyện kim ở gần đó gây ra.

Hiện tượng kỳ lạ

Hôm 6/9 vừa qua, người sử dụng mạng xã hội tại Nga bắt đầu chia sẻ những hình ảnh nước sông Daldykan thuộc thành phố Norilsk của Nga đột ngột chuyển sang màu đỏ sẫm.

Những hình ảnh này ngay sau khi được đăng tải đã thu hút sự chú ý của không chỉ người dân địa phương mà còn cả dư luận thế giới, đặc biệt là khi nước sông bình thường không hề có màu quá khác lạ so với những con sông khác. 

Hiện tượng lạ này đã dấy lên sự hoang mang trong cộng đồng dân cư ở địa phương. Một số người sử dụng các trang mạng xã hội ở Nga cho rằng việc dòng sông bỗng nhiên trở thành “dòng sông máu” chính là dấu hiệu mà Chúa gửi xuống để báo hiệu về một cuộc chiến tranh xảy ra.

Trong khi đó, nhiều người tỏ ra thực tế hơn. Họ cho rằng việc dòng sông đột ngột đổi màu như vậy hoàn toàn không phải là tự nhiên hay do một thế lực siêu nhiên nào mà là kết quả của sự tác động từ bên ngoài. Trong luồng ý kiến này có những người cho rằng quặng sắt ở trong lòng đất đã khiến nước sông đổi màu. 

Bên cạnh đó, một số người khác bày tỏ lo ngại về khả năng đường ống dẫn nước thải của nhà máy Nadezhda - một nhà máy trực thuộc Công ty Norilsk Nikel, công ty sản xuất nikel và palladium lớn nhất thế giới - đã bị vỡ, khiến nước thải chảy trực tiếp vào sông Daldykan. 

“Nước từ nhà máy bị rò rỉ ra sông Nadezhda. Thật đáng sợ khi chứng kiến cảnh tượng này. Và người dân ở đây thì vẫn lấy nấm và dâu ở gần sông” – một người dân sinh sống tại Norilsk tên Yekaterina Basalyga chú thích dưới 2 bức ảnh được cô đăng tải trên tài khoản Instagram.

Nghi vấn từ nhà máy luyện kim

Nhận định sau cùng về nguyên nhân khiến nước sông Daldykan chuyển màu đỏ được nêu ở trên được đưa ra dựa trên việc con sông này nằm ngay cạnh nhà máy luyện kim Nadezhda. Đây chính là nhà máy đã tuyển dụng đến hơn 1/4 trong tổng dân số 210.000 người của thành phố Norilsk. 

Ông David Chambers – Chủ tịch Trung tâm khoa học và tham gia công cộng và là một chuyên gia về khai thác mỏ - cho biết ông đã nghiên cứu kỹ về những bức hình và khẳng định màu nước sông là màu sắc rất đặc trưng của chất thải trong khai thác mỏ. Ông cho rằng màu đỏ đó có thể là do sắt ô xy hóa trong quá trình sản xuất công nghiệp. 

Cùng chung nhận định trên, ông Denis Koshevoi, một nghiên cứu sinh tại Viện hóa địa chất và phân tích hóa học Vernadsky, hiện đang thực hiện đề tài nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực cho biết qua tìm hiểu, ông nhận thấy Norilsk Nickel vẫn thường bơm các dung dịch hóa học từ nhà máy luyện kim Nadezhda tới một đập chứa chất thải ở gần đó thông qua các đường ống. Bên cạnh đó, công ty cũng tiến hành bơm tinh quặng kim loại từ các nhà máy quặng tới Nadezhda. 

“Thi thoảng vẫn có những sự cố xảy ra như đường ống bị vỡ, chất thải bị tràn ra và ngấm vào sông Daldykan. Đó là lý do tại sao con sông đổi màu” – khẳng định.

Theo nhiều nguồn tin địa phương, đây không phải là lần đầu tiên nước sông đổi máu kỳ lạ như vậy. Tờ The Guardian dẫn lời một số người cho biết hiện tượng này cũng đã xảy ra hồi tháng 6 vừa qua. Đặc biệt, trong đợt nước sông chuyển màu hồi tuần trước, một người từng là việc trong nhà máy Nadezhda cho biết hồ chứa chất thải của nhà máy ở gần đó cũng có màu tương tự. 

Những lo ngại từ người dân đã khiến Bộ Tài nguyên thiên nhiên và môi trường Nga phải mở một cuộc điều tra về các khiếu nại ô nhiễm hóa chất, có thể là do vỡ đường ống của nhà máy Norilsk Nickel liên quan đến việc đổi màu của sông.

Tuy nhiên, Norilsk Nickel đã ngay lập tức bác bỏ việc gây thiệt hại tới môi trường xung quanh khu vực nhà máy. “Tính đến thời điểm ngày 7/9, nhà máy ở khu vực cực bắc thuộc Công ty Norilsk Nickel không hề làm rò rỉ hay vô tình xả chất thải công nghiệp vào sông Daldykan, ảnh hưởng đến tình trạng của sông” - Norilsk Nickel khi đó khẳng định. 

Đặc biệt, bộ phận báo chí đã cung cấp cho các cơ quan truyền thông một bức hình cho thấy nước sông vẫn bình thường. Công ty này cũng ngăn chặn việc tiếp cận khu vực xử lý chất thải của nhà máy, khiến cho việc điều tra trở nên khó khăn hơn.

Một người phát ngôn của nhà máy nhấn mạnh: “Việc giám sát môi trường xung quanh sông và các cơ sở sản xuất liền kề của công ty vẫn đang được thực hiện, trong đó có việc triển khai các máy bay trực thăng đi kiểm tra”.

Dù vậy nhưng công ty này tuyên bố sẽ tăng cường giám sát môi trường ở khu vực xung quanh cơ sở luyện kim và quanh sông, tiến hành lấy mẫu nước sông để thực hiện kiểm tra, đồng thời sẽ tạm thời giảm sản lượng sản xuất của nhà máy để theo dõi tình hình.

Hình ảnh thanh bình của con sông khi bình thường.
Hình ảnh thanh bình của con sông khi bình thường.

Buộc phải thừa nhận

Bí ẩn về màu đỏ kỳ lạ của dòng sông cuối cũng đã được giải đáp vào hôm 13/9 vừa qua, khi Norilsk Nickel đã ra tuyên bố thừa nhận việc nước sông Daldykan hồi tuần trước chuyển màu đỏ quạch là do nước thải từ một lò luyện kim của công ty gây ra. Tuy nhiên, công ty này cho rằng vụ việc vừa xảy ra chỉ là sự cố.

Cụ thể, Norilsk Nickel trong một tuyên bố được phát đi cuối ngày 12/9 cho biết bờ kè tại một bể chứa chất thải của công ty ở nhà máy Nadezhda hôm 5/9 đã bị tràn do khu vực này đã xảy ra mưa lớn kéo dài. Việc nước sông Daldykan chuyển sang màu đỏ, theo lý giải của công ty này, là do các muối sắt. 

Tuyên bố của Norilsk Nickel cũng khẳng định việc tràn chất thải như vậy không gây nguy hiểm tới người dân hay động vật sống ở trong khu vực. Song, công ty này cũng nhấn mạnh sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn trong tương lai.

Dù vậy nhưng các nhà khoa học vẫn khuyến cáo rằng nước sông có thể rất độc hại, là một mối đe dọa tới người dân địa phương và không an toàn khi uống hay sử dụng vào việc tưới tiêu.

“Vẫn còn quá sớm để nói rằng đây không phải là một vấn đề lớn, rằng việc thải bị xả vào con sông sẽ không ảnh hưởng gì đến con người và vật nuôi ở xung quanh” – ông Alexei Kiselyov, một chuyên gia về môi trường, cho hay.

Nằm ở cực bắc của Siberia, Norilsk là một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên với nhiệt độ thường xuyên ở mức thấp. Khu vực này cũng ở gần những mỏ nickel, copper và palladium lớn nhất thế giới. Do đó, nơi đây thu hút rất nhiều các công ty hoạt động trong ngành khai thác. Norilsk cũng nổi tiếng là thành phố bị ô nhiễm nặng, thường được cho là nặng nề nhất ở Nga.

Theo tạp chí Time, hàng năm những nhà máy khai thác và chế biến kim loại ở đây giải phóng ra khoảng 4 tấn cadmium, đồng, chì nickel, arsen, selen và kẽm vào bầu khí quyển. Tỉ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến hô hấp của người dân sống ở thành phố này cũng cao hơn nhiều so với trung bình của người Nga. 

Ông Vladmir Chouprov – người đứng đầu chương trình năng lượng thuộc tổ chức Hòa bình Xanh Nga – trong một tuyên bố cho biết những vụ việc như ô nhiễm nguồn nước ở sông Daldykan thường xuyên xảy ra ở khu vực cực bắc của Nga là do thái độ vô trách nhiệm của giới quản lý trong vấn đề áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường. 

“Hệ sinh thái ở Bắc cực cực kỳ dễ bị tổn thương, những tác động do con người gây ra có thể sẽ phải mất đến nhiều thế kỷ mới có thể thay đổi được” – ông nói.

Hồi tháng 7/2014, một dòng sông ở Thương Nam, Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc cũng đã đột ngột chuyển thành màu đỏ.

Giới chức thuộc Cục bảo vệ môi trường địa phương sau đó đã không xác định được nguyên nhân của việc đổi màu nhưng một số nguồn tin sau đó vụ việc có thể là do hiện tượng xả chất thải bất hợp pháp ra sông.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.