Tạo phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường là mục tiêu chính của chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”, sự kiện môi trường được tổ chức thường niên vào ngày 19-9. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực thực hiện chủ đề năm “Bảo vệ môi trường-2010” của thành phố. Tuy nhiên, làm thế nào nâng cao nhận thức về trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường còn nhiều băn khoăn.
Nhiều bề nổi, ít gắn kết
Đó là điều dễ nhận thấy trong hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường thời gian qua. Hiện các tổ chức với rất nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia. Các hoạt động thường thấy là tổ chức ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu vực công cộng định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý; ký cam kết, phát tờ rơi, tổ chức các lớp tập huấn…Ngoài ra, vào các dịp Tết trồng cây, ngày Môi trường thế giới 5-6 hay Tuần lễ vệ sinh môi trường nước sạch. Từ 29-4 đến 6-5, các địa phương, đoàn thể cũng đều tổ chức mít-tinh kỷ niệm, tuyên truyền, cổ động trên đường phố…Các nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các chương trình hoạt động khác chẳng hạn. Mặt trận Tổ quốc có chương trình lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với việc bảo vệ môi trường,…
Rừng ngập mặn ven biển xã Xuân Đám (Cát Hải). Ảnh: Phương Duy |
Thực tế cho thấy, các hoạt động tuyên truyền, vận động của hệ thống các tổ chức đoàn thể xã hội chưa thực sự có tác dụng lôi kéo người dân cùng tham gia. Những nỗ lực cổ động trực quan, những đợt ra quân chưa tạo được sự thay đổi lớn về nhận thức. Trong khi đó, chưa có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đặc biệt là đối với doanh nghiệp. Tâm lý “nhờn” các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đang diễn ra ở bộ phận không nhỏ người dân.
Sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường có nhiều lợi ích, không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, mà còn là lực lượng giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp các cơ quan quản lý môi trường giải quyết kịp thời sự cố ô nhiễm môi trường ngay từ khi mới xuất hiện. Nhưng cần làm gì để có thể khai thác, sử dụng những lợi ích này?
Đồng quản lý, đồng khai thác
Đó là cách tổ chức huy động cộng đồng tham gia bảo vệ rừng ngập mặn ven biển ở huyện Cát Hải. Đây là địa phương có diện tích rừng ngập mặn tốt nhất khu vực Đông Bắc Bộ với diện tích hơn 7.000 ha, gồm 32 loài cây. Trước đây do không ý thức được tầm quan trọng và chạy theo lợi nhuận trước mắt, một bộ phận dân cư chặt phá rừng ngập mặn lấy diện tích nuôi trồng thuỷ sản, phá vỡ hệ sinh thái. Để khôi phục, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn, huyện giao khoán rừng ngập mặn cho dân. Theo đó, mỗi ha rừng, người dân được trả tiền trông coi từ 50.000 -100.000 đồng/năm, tùy theo từng loại rừng trồng hay rừng tự nhiên. Ngoài ra, người trông coi, bảo vệ rừng được kết hợp nuôi trồng thuỷ sản trên diện tích được giao. Kết quả, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ việc nhận bảo vệ hàng chục ha kết hợp nuôi tôm, cua quảng canh. Với 56 hộ dân tham gia trông coi và trồng mới khoảng 700ha, xã Phù Long (Cát Hải) là đơn vị điển hình trong công tác này. Ông Lê Văn Thành (xã Phù Long) chia sẻ: tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, người dân chúng tôi hiểu rừng ngập mặn là nơi cư trú tốt của các loài động vật thủy sinh như: cá, tôm, loài nhuyễn thể động vật hai mảnh như trai, ốc, vẹm… Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cung cấp chất hữu cơ để tăng năng suất nuôi trồng, phát triển kinh tế vùng ven biển. Hệ rễ của các loài cây rừng ngập mặn góp phần giảm tốc độ dòng chảy của thủy triều, lắng đọng bùn, các vật chất lơ lửng. Bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn tốt mang lại những lợi ích thiết thực. Mặt khác, ngoài số tiền trông coi hằng năm; rừng ngập mặn bảo vệ các đê bao của đầm, hồ nuôi thủy sản vững chắc; nhiều giống tôm, cá, ốc trú ngụ, sinh sản. Lý giải về sự thay đổi nhận thức, hành động của người dân, bà Bùi Thị Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Long cho biết: Lợi ích từ việc bảo vệ rừng là điều kiện quan trọng để thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng vào việc trồng mới rừng ngập mặn. Trước đây, việc bảo vệ quản lý rừng chỉ tập trung vào giao khoán, cấm khai thác, cấm vào rừng với mọi hình thức. Với cách quản lý này, rừng vẫn bị tàn phá, đời sống người dân ven biển vẫn bấp bênh. Điều này cho thấy, để nhân dân tự nguyện trồng, bảo vệ rừng và các loài động vật hoang dã cần có biện pháp nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp đỡ họ sử dụng hợp lý, khôn ngoan tài nguyên thiên nhiên. Bài học từ cách làm này rất cần được triển khai ở các lĩnh vực bảo vệ môi trường khác.
Để người dân thấy mình vừa có quyền lợi và cả trách nhiệm trong việc tham gia nhiệm vụ chung là cách gây dựng phong trào, thu hút cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Chình vì vậy, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng dự thảo “Chương trình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”. Dự thảo cũng đề xuất cơ cơ sở pháp lý sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động môi trường; bình đẳng pháp luật trong tiếp cận môi trường. Cộng đồng sẽ được tham gia vào việc xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật; được tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc; đồng thời được tiếp nhận định kỳ thông tin báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, địa phương; thông tin không định kỳ về các hoạt động chất thải, công nghệ xử lý, thông số tiêu chuẩn về chất thải....Sự công khai, dân chủ trong thông tin quản lý môi trường là cơ sở để cộng đồng hiểu và có trách nhiệm hơn với việc bảo vệ môi trường chung.
Nguyên Mai