Ngày 20/9, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam men theo con đường liên xã chạy dọc sông Đồng Nai thuộc địa phận xã Đắc Lua, huyện Tân Phú (Đồng Nai) nằm đối diện huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng). Đây là khu vực có trữ lượng cát sông lớn, được nhiều đơn vị đăng ký khai thác.
Dễ dàng điểm danh hàng chục xã nơi con sông chảy qua 3 tỉnh nơi khai thác cát hoành hành, gồm các xã Núi Tượng, Tà Lài, Đắc Lua (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) các huyện Đạ Tẻh, Phước Cát 1 – 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) và các xã Đăng Hà, Thống Nhất (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).
Tiếp xúc với phóng viên, một người dân tại xã Đắc Lua cho hay, khu vực trên do Công ty Cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai đang tiến hành khai thác. Được biết, nhiều năm trước Công ty đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép khai thác khoáng sản cát trên sông Đồng Nai. Do không có đường vận chuyển thuận tiện nên công ty này đã mượn đất ở huyện Cát Tiên để làm bãi chứa và giao dịch. Hiện công ty đang tiến hành song song việc khai thác đồng thời triển khai trình UBND tỉnh xin phép thành lập bến thủy nội địa.
Bãi cát khổng lồ nằm ngay đường liên xã, đe dọa nghiêm trọng hạ tầng giao thông ở xã nông thôn mới Đắc Lua. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Đắc Lua cho biết, ngoài Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai đang khai thác tại đây, một vấn đề nhức nhối hiện nay là chính những người dân có đất ven sông Đồng Nai đua nhau bán cát cho các đầu nậu bơm hút. “Khi hút xong, đất đai lở lói, thì chính họ lại kêu than với chính quyền”, ông Hải bức xúc.
Rộng hơn, trên đoạn sông Đồng Nai đi qua huyện Tân Phú, các điểm khai thác cát lậu đếm trên mười đầu ngón tay không đủ, nhưng dường như chính quyền địa phương cũng không biết.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai có hàng chục điểm bơm hút cát (cả có phép lẫn không phép) thi nhau bức tử dòng sông Đồng Nai. Trong khi tài nguyên thất thoát, đất đai canh tác của người dân đang trôi tuột theo dòng nước dữ thì báo cáo, xử lý của chính cơ quan chuyên môn ở địa phương này như “ném đá ao bèo”.
Hoạt động khai thác cát tràn lan trên nhiều dòng sông đã được cảnh báo từ lâu. Lượng cát bị hút quá nhiều tại một vị trí sẽ khiến mực nước tại đó và thượng nguồn bị giảm, làm gia tăng độ dốc đáy sông và mặt nước cũng như vận tốc dòng chảy, gây xói lở đáy và làm lộ ra các chỗ nông khác ở khu vực thượng nguồn.
Do dòng sông bị xói sâu ở một điểm, lượng cát từ thượng nguồn về sẽ đọng lại ở đây mà không chuyển được về cho hạ du. Lúc này dòng chảy sẽ lấy cát từ chỗ khác của lòng sông để bổ sung và gây xói lở. Khi lũ lớn, hiện tượng sạt lở càng nghiêm trọng, có thể đe dọa hệ thống đê điều.
Lòng sông bị hạ thấp còn dẫn đến mực nước ngầm hai bên bờ sông bị hạ, gia tăng tác động xấu của hạn hán; một số cây trồng ở hai bên có thể bị chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái. Hạ thấp mực nước ngầm còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của dân cư.
Ngoài ra, dòng sông bị tụt khiến chân công trình bị lộ và nhanh chóng hư hỏng, mà ảnh hưởng lớn nhất ở đây chính là các công trình nhà dân và cơ sở hạ tầng đường sá, đê điều xung quanh sông Đồng Nai.
Chính những người dân sinh sống ven sông vì hám lợi đã vô tình tiếp tay cho cát tặc xô ruộng, vườn của chính mình xuống dòng sông. |
Đối với tình trạng đáng báo động này, dư luận đang trông chờ một giải pháp mạnh tay từ chính quyền trong việc sớm thức tỉnh, vào cuộc xác minh, nghiêm khắc xử lý những đối tượng khai thác cát lậu, trả lại sự yên bình cho lòng sông cũng như niềm tin cho người dân, tránh làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng nên đề ra các biện phạm hài hoà nhằm đảm bảo cho cơ sở hạ tầng xung quanh khu vực khai thác.