Doanh nghiệp chuyển mình, nỗ lực “gỡ khó”
Theo đánh giá của Cục Thống kê Đồng Nai, tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp bị sụt giảm, tình trạng thiếu việc làm diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có số lượng lớn người lao động.
Cũng theo Cục Thống kê Đồng Nai, tình trạng khó khăn sẽ còn tiếp diễn. Điều này buộc các doanh nghiệp vừa phải đi tìm đơn hàng và thị trường mới, vừa phải linh hoạt trong quản trị nhân lực khi áp dụng các biện pháp giãn tiến độ sản xuất. Ngoài ra, áp dụng giải pháp cho người lao động làm việc luân phiên hoặc sử dụng khung thời gian trống để đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Đối với các lĩnh vực thâm dụng lao động như gỗ, da giày, điện tử... nhiều doanh nghiệp đang áp dụng các giải pháp linh hoạt để giữ việc làm cho nhân viên bởi phần lớn lao động đều là những người có tay nghề, kỹ năng và gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn chấp nhận thực hiện những đơn hàng giá thấp, hòa vốn để có việc làm.
Công ty TNHH Changshin Việt Nam (KCN Thạnh Phú, H. Vĩnh Cửu) là doanh nghiệp có vốn FDI quy mô lớn với hơn 40 ngàn nhân viên. Theo Chủ tịch Công đoàn Đặng Tuấn Tú, để duy trì việc làm cho người lao động, doanh nghiệp đã tính toán các phương án sản xuất phù hợp và cho nghỉ 2 ngày thứ bảy trong tháng hưởng lương tối thiểu vùng. Dù khó khăn nhưng doanh nghiệp cũng không cắt giảm nhân sự để duy trì sản xuất và giữ chân nguồn nhân lực. Ngoài ra, công ty và Công đoàn thực hiện nhiều hoạt động phúc lợi để chăm lo cho người lao động.
Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ưu tiên cao nhất hiện nay của đa số là duy trì hoạt động được rồi mới mới tính đến các vấn đề khác. Theo ông Trần Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kim Tuấn Thịnh (TP. Biên Hòa), các ngành nghề sản xuất công nghiệp hỗ trợ hiện đang phải gồng mình để tìm kiếm khách hàng. Đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, hồi phục sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực công nghiệp đang là mong mỏi lớn nhất, bởi chỉ có như vậy mới kéo theo các ngành nghề khác cùng vượt khó.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Các DN Việt Nam-Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác tại một chương trình kết nối giao thương do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức. |
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, chính quyền địa phương, các ngành ở Đồng Nai cũng thực hiện các giải pháp hỗ trợ. Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã phối hợp, tham mưu cho tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Nhiều vấn đề liên quan đã được doanh nghiệp chia sẻ như khó khăn về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo hạ tầng giao thông, chính sách lưu trú cho lao động người nước ngoài...cũng đã được đề cấp và UBND tỉnh giáo các đơn vị nắm bắt, xử lý.
Theo Phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Phạm Văn Cường, đơn vị sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp đối với các vấn đề liên quan. Đồng thời, những khó khăn, vướng mắc cũng thường xuyên được cập nhật, báo cáo tỉnh tìm phương hướng xử lý.
Trong lĩnh vực lao động, việc làm, theo Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai, đến hết tháng 5 các huyện, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cho 448 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động với số tiền hỗ trợ là 672 triệu đồng và 8.655 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với số tiền gần 13 tỷ đồng. Nhờ chính sách trên, nhiều lao động đã vượt qua khó khăn trước mắt.
Bên cạnh đó, năm 2023, Đồng Nai dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 80 ngàn lao động. Trong quý II-2023, ngoài tăng cường tuyên truyền thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để người lao động biết, tìm được việc làm phù hợp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai sẽ đẩy mạnh tổ chức các sàn giao dịch việc làm để kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và NLĐ, nhất là lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tương tự, Liên đoàn lao động tỉnh cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ công nhân, người lao động. Theo bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai thì đơn vị chỉ đạo các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh kịp thời theo dõi tình hình lao động, việc làm; phối hợp với các ngành chức năng làm việc với các doanh nghiệp. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng đều tiến hành khảo sát, dự báo sớm tình hình và quan hệ lao động để tham mưu kịp thời và thực hiện công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Đồng hành cùng doanh nghiệp là quan điểm xuyên suốt của Đồng Nai, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tại Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh vào tháng 4 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh sự tồn tại, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp cũng chính là sự phát triển của địa phương.
Đồng Nai đang chuyển đổi mô hình kinh tế nên luôn mong muốn cộng đồng doanh nghiệp có các kiến nghị, đề xuất phù hợp với chủ trương của tỉnh, hướng tới sự bền vững, từ đó xây dựng cơ chế chính sách đúng đắn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển.