Đau đáu với nỗi đau của doanh nghiệp
Hơn 25 năm qua, TS.LS Châu Huy Quang và các cộng sự của mình đã đạt được rất nhiều giải thưởng quốc tế từ các định chế quốc tế uy tín, trong đó có Thomson Reuters, Asia Legal Business (ALB), IFLR 1000, Legal 500, Chambers & Partners xếp hạng, bình chọn. Điển hình là “Luật sư điều hành xuất sắc khu vực” của ALB năm 2018; “Top 50 luật sư tranh tụng châu Á” năm 2021 do ALB bình chọn; Nhiều năm liền thuộc Top 3 luật sư tranh tụng thương mại do Legal 500 bình chọn…
TS.LS Châu Huy Quang - Giám đốc điều hành công ty Luật Rajah & Tann LCT Việt Nam.
Chia sẻ về kinh nghiệm, kiến thức pháp lý giúp các doanh nhân, doanh nghiệp - DN Việt Nam tham gia đầu tư thương mại quốc tế một cách hiệu quả, tránh rủi do pháp lý, TS.LS Châu Huy Quang cho hay: Khi cách mạng công nghệ bùng nổ, nền kinh tế số và thương mại điện tử phát triển, DN phải cảnh giác trước nguy cơ bị lừa đảo thông qua công nghệ cao, tranh chấp pháp lý hoặc kiện tụng phức tạp với giá trị tranh chấp lớn. Khi này, vai trò của các Hiệp hội, cộng đồng DN có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối, chia sẻ thông tin thương mại giữa cộng đồng DN, giúp kịp thời phát hiện, khuyến cáo những nguy cơ lừa đảo thương mại, các rủi ro pháp lý. Qua đó, từng DN có một bức tranh toàn cảnh và dự phòng trước những nguy cơ về thương mại lẫn pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của mình, nếu không muốn phải trả giá đắt.
Theo TS.LS Châu Huy Quang, DN nên “phòng bệnh” và “chữa bệnh” một cách thận trọng khi giao kết hợp đồng với những đối tác chưa xác định danh tính rõ ràng, lựa chọn những đối tác có uy tín. Trong quá trình đàm phán, giao kết hợp đồng, DN cần có sự tham vấn từ LS, đội ngũ chuyên gia tư vấn, tránh các “bẫy” thương mại pháp lý, các điều khoản rủi ro, bất lợi... Thực tế, việc chọn đúng đối tác là chưa đủ, DN cần tạo lập được một hợp đồng tốt từ ban đầu, không có các điều khoản bất lợi tiềm ẩn. Chẳng hạn, ngay khi nhận biết nguy cơ xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp cần phản ứng nhanh với sự trợ giúp của đội ngũ chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm.
Đối với các tranh chấp thương mại quốc tế, việc lựa chọn các LS thương mại có chuyên môn, kinh nghiệm sẽ mang lại kết quả khác biệt. Trong nhiều trường hợp, DN Việt Nam là bên bị kiện nhưng chỉ đối phó mang tính hình thức, thậm chí sớm từ bỏ vụ kiện, nhất là khi vụ việc tranh chấp bị đưa ra trước các tòa án, trọng tài nước ngoài. Điều này dẫn đến những hệ quả pháp lý khó lường và phía DN có thể phải gánh chịu những khoản bồi thường lớn theo nội dung phán quyết của trọng tài quốc tế hoặc bản án của tòa án nước ngoài.
Vì vậy, DN nên chủ động chỉ định LS tham gia vụ việc tranh chấp ngay từ đầu và xuyên suốt quá trình tố tụng, dù là trong những vụ việc mà DN mình bị đối phương vô tình hoặc cố ý liên can vào các vụ kiện. Trong trường hợp bản án của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài quốc tế đó được yêu cầu công nhận và thi hành tại Việt Nam hoặc phán quyết trọng tài Việt Nam thực thi ở nước ngoài, vai trò của LS rất cần thiết, giúp cho DN tận dụng những phán quyết lợi thế, cũng như tránh phải thi hành những bản án, phán quyết có bất lợi về pháp lý.
Vì một cộng đồng doanh nhân lấy pháp quyền làm trọng!
Để tránh những tranh chấp, rủi ro pháp lý không đáng có cho DN, TS.LS Châu Huy Quang đã mất rất nhiều thời gian và công sức, tìm hướng khắc phục, cải thiện, vì một cộng đồng doanh nhân lấy pháp quyền làm trọng.
Theo TS.LS Châu Huy Quang, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã gần 20 năm, và hiện là quốc gia thành viên của hơn 65 hiệp định khuyến khích thương mại, bảo hộ đầu tư song và đa phương. Các hiệp định này đặt ra các cam kết cao về bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài tại quốc gia tiếp nhận đầu tư. Thực tế, chủ yếu chỉ có các nhà đầu tư FDI khai thác cơ chế bảo hộ của các hiệp định này để tiến hành các vụ kiện với phía Việt Nam, chưa có những vụ việc theo chiều ngược lại. Do vậy, chủ động tận dụng các cơ chế, diễn đàn pháp lý khác nhau như cách hành xử của nhà đầu tư FDI là việc các DN Việt Nam có thể tham khảo khi tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài hoặc ngay trên đất nước mình.
Cũng theo TS.LS Châu Huy Quang, các DN ngày càng có xu hướng ưa chuộng việc lựa chọn giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư bằng trọng tài quốc tế thay vì tòa án quốc gia. Việt Nam cũng là quốc gia thành viên sớm từ năm 1995 của Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tham gia vào “Công ước Hague năm 2005 về thỏa thuận lựa chọn tòa án” dù hầu hết các quốc gia, đối tác quan trọng đã tham gia Công ước này. Điều này dẫn đến thực trạng là số lượng vụ việc được công nhận và việc thi hành các bản án của tòa án nước ngoài tại Việt Nam còn khá hạn chế do phụ thuộc chủ yếu vào sự tương trợ tư pháp trên nguyên tắc “có đi - có lại”. Các bên tham gia vào quan hệ thương mại quốc tế có xu hướng ít lựa chọn cơ quan tòa án quốc gia do quan ngại về thời gian kéo dài, tính độc lập, khách quan, không có khả năng để được công nhận và cho thi hành phán quyết tại các quốc gia khác. Trong khi đó, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có thể cũng cạnh tranh được với các Trung tâm TTTM trong khu vực ASEAN.
Theo đó, việc đưa cơ chế giải quyết bằng trọng tài VIAC vào các hợp đồng thương mại cũng là cách các DN Việt Nam tận dụng thế mạnh trên “sân nhà”. Lựa chọn này giúp DN Việt Nam giảm thiểu thách thức khi phải đối diện với các phương thức phân xử truyền thống, mặt khác tiếp cận được các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại hiện đại, hiệu quả. Không chỉ vậy, các DN Việt Nam nói riêng các nhà đầu tư quốc tế nói chung có xu hướng tiếp cận, sử dụng linh hoạt quy trình liên thông gồm “trọng tài - hòa giải – trọng tài”, là cơ chế đặc thù hỗ trợ DN trong hòa giải và thực thi kết quả giải quyết tranh chấp.
TS.LS Châu Huy Quang là luật sư điều hành tại Công ty luật Rajah & Tann LCT, thuộc Rajah & Tann Asia, Liên minh luật lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Ông cũng là thành viên của Tòa Trọng tài Quốc tế (ICC) tại Việt Nam, một định chế TTTM quốc tế lớn và lâu năm nhất trên thế giới, và là trọng tài viên uy tín của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC).