Nguyên nhân chủ yếu do các nước Đông Âu lo ngại nguy cơ bất ổn xã hội và việc tiếp nhận lao động trình độ thấp làm chậm tiến trình thu hẹp khoảng cách thu nhập của người dân giữa các nước trong khu vực với các nước Tây Âu.
Dân số giảm vì... di cư
Theo ông Wood, các nước khu vực Đông Âu đang phải đối mặt với vấn đề di cư của người dân. Kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ 27 năm trước, dân số các quốc gia hậu Xô-viết từ khu vực Baltic tới khu vực Balkan đã giảm khoảng 15 triệu người, tương đương 13% tổng dân số, chủ yếu là do người dân, nhất là những người trẻ tuổi và có trình độ, di cư sang các nước Tây Âu để tìm kiếm cơ hội việc làm có thu nhập cao hơn và cuộc sống tốt hơn. Tại một số quốc gia trong khu vực, thực trạng này rất đáng báo động. Chẳng hạn ở Lithuania, dân số đã giảm khoảng 25%, trong khi Romania giảm 17% dân số. Theo báo cáo của Ủy ban Châu Âu năm 2016, Lithuania có mức giảm dân số lớn nhất trong EU, tiếp đến là Latvia, Bulgaria và Hy Lạp.
Đa số người dân di cư từ các nước Đông Âu chọn điểm đến là nước Anh, tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi trong tương lai sau khi Anh rời khỏi EU vào năm 2019. Theo thống kê, hiện có khoảng 831.000 người Ba Lan đang sinh sống, làm việc tại Anh, hình thành cộng đồng người nước ngoài lớn nhất ở nước này; trong khi đó, có khoảng 160.000 người Latvia đăng ký làm việc tại Anh kể từ năm 2004 đến nay. Anh là điểm đến hàng đầu bởi lao động có trình độ di cư từ các nước Đông Âu có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, là nước lớn duy nhất trong EU mở cửa hoàn toàn thị trường lao động đối với các nước Đông Âu ngay khi các nước này gia nhập EU năm 2004. Các nước lớn khác như Đức và Pháp mãi đến năm 2011 mới áp dụng chính sách tương tự.
Chậm thu hẹp khoảng cách thu nhập
Bất chấp thực trạng dân số suy giảm mạnh, các nước Đông Âu phản đối mạnh mẽ việc tiếp nhận người nhập cư theo hạn ngạch phân bổ của EU. Theo kết quả thăm dò của hãng Gallup tháng 5/2017, có tới 70% người dân Hungary phản đối việc tiếp nhận người nhập cư. Đa số người dân tại các nước khác như Macedonia, Slovakia, Latvia, Bulgaria và CH Czech cũng có quan điểm tương tự.
Còn giới chính trị gia tại các quốc gia Đông Âu thì thất vọng với tiến triển chậm chạp trong việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập của người dân trong khu vực với các nước Tây Âu. Hành động biểu tình đòi tăng lương hồi tháng 6 vừa qua của công nhân nhà máy sản xuất ô tô Volkswagen tại Slovakia nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Robert Fico. Ông Fico cho rằng, các công nhân Slovakia chỉ được trả mức lương bằng 1/3 so với công nhân nhà máy Volkswagen tại Đức. Một bằng chứng khác của sự chênh lệch thu nhập là các nhân viên kế toán và giáo viên từ Ba Lan di cư sang Anh lại lựa chọn các công việc lao động chân tay. Theo ước tính của chi nhánh Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu tại London, mức thu nhập của người dân các nước Trung Âu và Baltic hiện bằng khoảng 60% so với các nước Tây Âu. Mặc dù vậy, phải đến năm 2035, CH Czech, Slovakia và các nước Baltic mới nâng thu nhập bình quân lên được mức 80% so với các nước Tây Âu.
Đông Âu là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong châu Âu những năm gần đây, trung bình gấp khoảng hai lần so với các nước Tây Âu. Kinh tế tăng trưởng tích cực khiến các nước Đông Âu đã và đang phải đối mặt với thực trạng thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ. Việc thiếu hụt lao động và cơ cấu kinh tế thiếu linh hoạt làm chậm mức tăng trưởng kinh tế trong khu vực khoảng 0,5% mỗi năm. CH Czech và một số nước Đông Âu đã triển khai các biện pháp thu hút lao động nước ngoài, chẳng hạn như từ Ukraine, nhằm bù đắp sự thiếu hụt này.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là cho dù các nước Đông Âu cởi mở hơn đối với người nước ngoài thì họ cũng ít khả năng thu hút được lao động có trình độ bởi những lao động này có xu hướng lựa chọn các thị trường như Đức. Do đó, việc tiếp nhận người lao động trình độ thấp sẽ chỉ làm chậm thêm quá trình thu hẹp khoảng cách thu nhập của người dân các nước Đông Âu với khu vực Tây Âu, tác động tiêu cực tới nỗ lực của chính phủ các nước trong khu vực.
Rõ ràng, không chỉ các nguyên nhân về văn hóa, tôn giáo mà các vấn đề liên quan đến thị trường lao động cũng là lý do khiến chính phủ các nước Đông và Trung Âu phản đối việc chia sẻ gánh nặng người nhập cư với EU...