Đơn thuốc chữa bệnh è cổ “cõng” thực phẩm chức năng

Đơn thuốc chữa bệnh è cổ “cõng” thực phẩm chức năng
(PLO) - Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 05/2016 quy định tuyệt đối không kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc nhưng trên thực tế, loại thực phẩm này vẫn xuất hiện trong các đơn thuốc chữa bệnh với tần suất không hề ít.

Nhầm lẫn thực phẩm chức năng với thuốc

Thực phẩm chức năng (TPCN) có lẽ đã không còn xa lạ với hầu hết người tiêu dùng. Đó là các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các chất “chức năng”. Cũng như thực phẩm thuốc, TPCN nằm ở nơi giao thoa giữa thực phẩm và thuốc, người ta cũng gọi TPCN là thuốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã khẳng định rằng TPCN không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh như thuốc và không thể thay thế thuốc chữa bệnh.

Điều này cũng được ghi rõ trên mỗi sản phẩm TPCN để thông báo cho người sử dụng hiểu và nhận thức đúng về sản phẩm. Hiện nay, có khá nhiều người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng TPCN thường xuyên nhưng ngược lại cũng có những người cho rằng họ sẽ không bao giờ sử dụng TPCN vì không tin tưởng vào công dụng của nó như quảng cáo.

Tại Việt Nam, hầu hết khi đi khám chữa bệnh, các bệnh nhân đều không biết rõ các loại thuốc bác sĩ kê trong đơn là những loại thuốc gì, có tác dụng ra sao và sử dụng như thế nào cho tới khi đi mua thuốc hoặc mang thuốc về nhà.

Thậm chí, có những bệnh nhân không cần quan tâm tìm hiểu những loại thuốc bác sĩ kê đơn, chỉ biết bác sĩ “kê sao uống vậy”. Đây là một việc làm thể hiện việc thiếu kiến thức và nhận thức của một số người bệnh vì có thể chẳng may có một sai sót nào đó trong quá trình khám chữa bệnh mà bác sĩ kê một loại thuốc không chính xác hay kê một loại TPCN, thuốc bổ không nhất thiết sử dụng cho người bệnh.

Phải minh bạch kê đơn thực phẩm chức năng và thuốc

Trước lo ngại của nhiều người, nếu cho phép kê đơn TPCN thì liệu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp “cầm tay chỉ việc” cho bác sĩ kê đơn. Năm 2008, Bộ Y tế đã có quyết định về việc ban hành quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Mới đây, tại Thông tư 05/2016, có hiệu lực từ ngày 1/5 tới, Bộ Y tế tiếp tục quy định rất rõ không kê TPCN vào đơn thuốc.

Theo một chuyên gia y tế, quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay bởi thị trường TPCN tại Việt Nam đang như một “ma trận”. Nhiều sản phẩm bị quảng cáo thổi phồng khiến người mua còn lầm tưởng có tác dụng tốt hơn cả thuốc chữa bệnh. Hơn nữa, thực tế nhiều thầy thuốc cũng chưa rõ về sản phẩm họ tư vấn cho người bệnh, điều này là vì thiếu kiến thức và rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện quy định đó vẫn chưa thật sự đồng bộ, mặc dù tình trạng TPCN không được kê trong đơn thuốc có giảm nhưng trên thực tế vẫn còn những đơn thuốc xuất hiện kèm theo một vài loại TPCN.

Theo Dược sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân (chủ một quầy thuốc tại Hà Đông, Hà Nội), TPCN trước đây được kê nhan nhản trong đơn thuốc, thời gian gần đây có giảm hơn nhưng các loại vitamin tổng hợp, viên bổ não, sản phẩm hỗ trợ đường tiêu hóa, xương khớp, tim mạch, các loại sirô tăng sức đề kháng cho trẻ nhỏ,... vẫn thấy có trong đơn thuốc. 

Một nhân viên quầy thuốc trên đường Giải Phóng (gần Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, trước đây, đơn thuốc kê TPCN nhiều vô kể, giờ cũng giảm bớt. Nhiều đơn thuốc có TPCN được các bác sĩ ghi đơn bằng tay ở ngoài chứ không để trong đơn thuốc đánh máy, nhưng bên cạnh đó vẫn có những đơn ghi chung 1 đến 2 loại TPCN lẫn trong đơn thuốc. Với những bệnh nhân có kinh tế thì không ảnh hưởng nhiều, còn những người nông dân kinh tế khó khăn, đơn thuốc tốn nhiều tiền mà phải mua kèm nhiều loại TPCN thì tốn kém cho họ. 

Về thực trạng này, TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Người kê đơn phải là người hiểu biết về sản phẩm, hiểu biết tổng thể về thể trạng bệnh nhân chứ không phải ai cũng giống ai. Các bác sĩ phải minh bạch trong việc kê đơn thuốc và TPCN, phải hướng dẫn cụ thể cho họ. Bác sĩ có tâm luôn biết cái nào là chính, cái nào là phụ, thuốc là thuốc và TPCN là TPCN, không thể đánh đồng”./.

Đọc thêm

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.