Khiếu nại là việc công dân… đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong số các quyết định hành chính, hành vi hành chính ấy, thực tế đã có không ít một quyết định, một hành vi tác động đến nhiều người cho nên đã có những ý kiến trái chiều về “đơn khiếu nại tập thể”.
Quan điểm về “đơn khiếu nại tập thể” sẽ không được thụ lý giải quyết cho rằng pháp luật về khiếu nại không quy định vấn đề khiếu nại tập thể, mặc dù cùng khiếu nại một quyết định. Vậy nên, mỗi người phải viết đơn riêng, từng người phải thực hiện quyền khiếu nại của mình bởi vì: mỗi người đều có lợi ích riêng, có những yêu cầu khác nhau và được giải quyết khác nhau; hơn nữa việc giải quyết khiếu nại có thể qua nhiều lần, có người sẽ đồng ý với việc giải quyết của cấp này và chấm dứt khiếu nại, nhưng người khác lại không đồng ý với quyết định giải quyết và khiếu nại tiếp.
Trái ngược với quan điểm trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật lại đồng tình với việc “đơn khiếu nại tập thể” (nhiều người), nó cũng tương tự như đơn tố giác, đơn kiến nghị khởi tố, đơn khởi kiện trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và tố tụng hình sự, họ hoàn toàn có quyền một người hay nhiều người cùng đứng đơn, miễn là không xung đột về lợi ích và cùng một vấn đề yêu cầu giải quyết.
Về vấn đề này, ThS.Bùi Đức Độ - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang nêu căn cứ để thụ lý giải quyết “đơn khiếu nại tập thể” như sau: Nghị định số 124/2020/NĐ-CP cho phép “Khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại”. Việc cử người đại diện phải bằng văn bản trong số nhiều người cùng khiếu nại đó. Trường hợp có từ 05 đến 10 người khiếu nại thì cử không quá 02 người đại diện; có từ 11 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 05 người đại diện (Điều 6).
Cũng tại Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại thì người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại (Điều 5).
Cụ thể hơn, theo Điều 6 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh thì đơn đủ điều kiện xử lý là đơn dùng chữ viết là tiếng Việt. Trường hợp đơn được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch được công chứng; Đơn được ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ của người viết đơn; có chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn; Đơn khiếu nại ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại. Đơn không đủ điều kiện xử lý là đơn không đáp ứng yêu cầu xử lý; Đơn rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được; Đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,…
Từ những viện dẫn nêu trên về “cử người đại diện để trình bày”, “đơn đủ điều kiện xử lý”, “đơn không đủ điều kiện xử lý” cộng với việc “Phân loại đơn theo số lượng người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh” được quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 05/2021/TT-TTCP “Đơn có họ, tên, chữ ký của một người; Đơn có họ, tên, chữ ký của 02 người trở lên” thì cho thấy: nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung của quyết định hành chính, hành vi hành chính thì họ hoàn toàn có quyền viết và ký tên trong cùng một đơn khiếu nại hay còn gọi là “khiếu nại tập thể”.