Dọn dẹp cho người quá cố - nghề “ăn theo” hiện tượng “chết cô đơn”

Dọn dẹp cho người chết cô đơn được xem là nghề mới nổi ở Nhật.
Dọn dẹp cho người chết cô đơn được xem là nghề mới nổi ở Nhật.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở Nhật Bản, ngày càng nhiều người sống độc thân và chết đi trong cô độc, và nghề dọn đồ cho người quá cố cũng vì thế mà ngày càng trở nên cần thiết.

Hiện tượng chết trong cô độc 

Hiện tượng Kodokushi (chết cô đơn) đang phủ bóng đen lên nước Nhật, khi mà ở đây có đến 27,7% dân số Nhật Bản trên 65 tuổi và phần nhiều trong số họ chọn sống cô đơn thay vì tìm kiếm bạn đời ở tuổi trung niên.

Câu chuyện một người đàn ông 69 tuổi chết trên nền nhà ở khu dân cư Tokiwadaira, ngoại ô Tokyo trong suốt 3 năm mà không ai hay biết có lẽ đánh dấu sự ra đi trong cô đơn đầu tiên tại Nhật Bản. Sau khi người này qua đời, tiền thuê nhà hàng tháng và các khoản chi trả sinh hoạt hàng ngày vẫn được trừ tự động từ tài khoản ngân hàng. Cuối cùng, sau khi các tài khoản tiết kiệm của ông hết sạch tiền vào năm 2000, giới chức mới đến căn hộ và phát hiện người thuê chỉ còn là bộ xương khô nằm gần bếp, cách các nhà hàng xóm xung quanh chừng vài mét.

Quốc gia nào cũng có những trường hợp người già qua đời trong cô đơn, nhưng không ở đâu số lượng lại nhiều như Nhật Bản, quốc gia có tốc độ dân số già đi nhanh nhất thế giới. Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu NLI có trụ sở ở Tokyo, hàng năm có khoảng 30.000 người Nhật Bản chết trong cảnh cô đơn một mình.

Xu thế chết trong cô đơn là hậu quả một xã hội dân số già và những thay đổi trong cấu trúc gia đình. Suy nghĩ đơn điệu, chỉ tập trung vào phát triển kinh tế sau một thế hệ dài bị trì trệ, đã làm tan rã cấu trúc và ý nghĩa về gia đình, cộng đồng, khiến thế hệ về sau của Nhật mắc kẹt giữa tình trạng tuổi ngày càng tăng và tỷ lệ sinh giảm.

 

Những hộ gia đình 3 thế hệ không còn nhiều như trước. Hiện nay, hầu hết người Nhật thích sống một mình, số lượng cặp đôi kết hôn rất thấp và nếu có thì cũng ít người sinh con. Theo cô Masaki Ichinose, đến từ Trung tâm Nghiên cứu sự sống và cái chết tại Đại học Tokyo, đàn ông Nhật Bản lớn tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương vì danh dự và ngại ngần nhờ cậy sự giúp đỡ. Họ về hưu sau một vài công việc gắn bó cả đời và mất đi cộng đồng duy nhất. Nếu những người này góa vợ, ly hôn hoặc không kết hôn, họ sẽ rơi vào cảnh cô đơn đến cuối đời - cô Kumiko Kanno, tác giả một cuốn sách về sự qua đời trong cô đơn chia sẻ.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng, thế hệ trẻ quá tập trung vào sự nghiệp và không có con cái đẩy họ đến cảnh sống cô đơn khi về già. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, một số người Nhật nghĩ, họ hoàn toàn có thể sống tốt và không cần phải có thêm bạn mới. Cứ như vậy, sự cô đơn tuyệt đối của người già Nhật Bản trở thành điều hoàn toàn bình thường.

Ông Takumi Nakazawa, 83 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Cư dân tại khu nhà Tokiwadaira trong suốt 32 năm cho biết: “Cách chúng tôi chết phản chiếu cách chúng tôi sống”. Có thể thấy, sự phát triển kinh tế và dịch chuyển xã hội đã làm xói mòn mối quan hệ gia đình tại Nhật Bản. Thực tế này cũng đã để lại hậu quả lớn đó là sản sinh ra một thế hệ người Nhật Bản buộc phải sống và chết trong sự cô đơn. 

Số lượng những cái chết cô đơn gia tăng kéo theo sự ra đời và phổ biến của dịch vụ thu dọn thi thể người chết. Thêm vào đó, các công ty bảo hiểm bán ra những gói hỗ trợ cho chủ đất. Trong trường hợp, người thuê cơ sở vật chất của họ tử vong, các công ty sẽ có dịch vụ dọn dẹp và đền bù khoản chi phí mà chủ đất không được nhận trong vài tháng kể từ khi người thuê nhà qua đời. Một vài gói thậm chí còn chi trả cho dịch vụ cúng bái tâm linh cho người chết sau khi dọn dẹp xong.

Ngành công nghiệp “ăn theo” hiện tượng chết cô độc

Một người đàn ông 54 tuổi tên Hiroaki thuê nhà đã vài tháng nay không trả tiền nhà. Vì thế, đại diện công ty quản lý bất động sản tìm đến căn hộ xem chuyện gì xảy ra.

Mở cửa căn hộ, người này phát hiện ông Hiroaki nằm chết trên tấm đệm. Xác chết đã ở đây được khoảng 4 tháng, cơ thể khô quắt lại. Dù giòi và ruồi bám đầy các ngóc ngách trong căn phòng, mùi hôi thối vẫn không đủ để khiến những người hàng xóm hay cửa hàng tiện lợi ở ngay phía dưới chú ý tới.

Sau khi xác chết được đưa đi, công ty quản lý bất động sản đã gọi cho Next. Đội xử lý gồm 4 người do ông Fujita dẫn đầu lập tức có mặt với một chiếc xe tải và mặc đầy đủ đồ bảo hộ, từ chân đến đầu.

Thứ đầu tiên họ di chuyển là tấm đệm nơi ông Hiroaki nằm chết. Họ bỏ nó vào một túi nhựa, hút chân không rồi đưa lên xe tải. Đội xử lý xác chết làm việc một cách bình thản, không nhăn mũi hay bình luận bất cứ điều gì, chỉ tập trung vào công việc.

 

Căn hộ rộng hơn 18m2 cho thấy dấu hiệu của một cuộc sống cô đơn: Mỳ ăn liền, nước uống có gas, cà phê, đầu mẩu thuốc lá trong gạt tàn đã lâu chưa đổ, vài cây nến, báo cũ, quần áo chất thành chồng lớn. Hết túi rác này tới túi rác khác chất kín căn phòng. Hóa đơn cùng những giấy tờ khác dính chặt xuống sàn nhà bởi dịch cơ thể đã khô lại. Đội xử lý phải dùng đến xẻng sắt để cậy chúng lên. 

Nhà vệ sinh trong căn hộ, từ tường, bồn rửa mặt đến toilet đều phủ kín rêu mốc đen kịt. Những vết bẩn không rõ là gì bám đầy các cánh cửa, bồn rửa bát, buộc đội xử lý phải dùng dung dịch tẩy rửa công nghiệp để làm sạch tận gốc. Sau khi dời tất cả đồ đạc của người đã khuất, cả đội sau đó tiếp tục lột bỏ giấy dán tường và xác định xem nên tháo dỡ bao nhiêu tấm gỗ lát sàn. 

Giấy tờ cho thấy ông Hiroaki 54 tuổi và đã ly dị. Ông từng làm kỹ sư hệ thống cho nhiều công ty lớn như Nissan hay Fujitsu trong 20 năm. Tuy nhiên, ông chỉ là nhân viên hợp đồng nên không có bất kỳ phúc lợi nào. Người ta tìm thấy vài album ảnh nhưng không cái nào lưu giữ hình của ông Hiroaki. Đội dọn dẹp không rõ vì sao ông Hiroaki lại qua đời khi mới chỉ ngoài 50 như vậy.

Sau khi bỏ đi tất cả đồ đạc của người đã khuất, xé hết giấy dán tường, kiểm tra sàn nhà, cọ rửa, lau chùi mọi ngóc ngách, ông Fujita và đội ngũ của mình đặt một chiếc máy khử mùi trong phòng, để nó hoạt động khoảng vài ngày. Họ kết thúc công việc và lặng lẽ rời đi. Từ đây, có lẽ sẽ không còn ai biết rằng trong căn hộ này, từng có một người đàn ông tên Hiroaki đã sống và chết trong cô độc. Không ai tổ chức đám tang cho những cụ già cô độc sau khi họ qua đời. Các tổ chức từ thiện sẽ xử lý hài cốt của họ.

Tương tự như vậy, cô Jeongja Han đổ ngăn kéo chứa đầy bút và bật lửa vào chiếc túi nhựa đựng rác trong khi khách hàng của cô, một góa phụ ngoài 50 tuổi ngồi trên chiếc ghế và theo dõi. Chồng của người phụ nữ này qua đời trong một vụ tai nạn ôtô cách đây vài tuần, để lại cho bà căn hộ 2 phòng ngủ rộng rãi cần dọn dẹp. Họ đã sống ở đây trong suốt 30 năm qua. Không có con cái để giữ những món đồ vật làm kỷ niệm, Han đã khuyên khách hàng vứt bỏ mọi thứ.

 

Han là giám đốc của Tail Project, một công ty được thành lập từ 6 năm trước ở Tokyo chuyên trách việc xử lý tài sản được tích cóp lúc sinh thời bởi những người quá cố. Dân số Nhật Bản ngày càng già nua và ít đi khiến những công ty như của Han làm không hết việc.

Công việc hôm nay của Han tương đối đơn giản. Buổi sáng, cô và đội của mình khởi hành lúc 9h. Họ dùng một chiếc xe tải nhỏ để đi tới nhà khách hàng và kết thúc công việc lúc 13h chiều. Trong quãng thời gian dọn dẹp, Han và đội của cô sẽ lọc ra những vật dụng họ có thể bán lại, gói chúng và đóng vào container để xuất khẩu cho những người mua ở nước khác. 

Các công ty như Tail Project đang ngày một trở nên cần thiết ở Nhật Bản, quốc gia mà mỗi năm lại có nhiều người chết trong cô độc hơn. Năm 2017, Nhật chỉ có 946.060 trẻ em được sinh ra nhưng lại có 1.340.433 trường hợp tử vong. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Nhật Bản rơi vào tình cảnh suy giảm dân số.

Theo một số ước tính, dân số Nhật Bản có thể giảm 1/3 trong vòng năm 50 năm tới. Có rất ít cơ hội để có thể đảo ngược xu thế này. Nguồn gốc của vấn đề được cho là xuất phát từ sau Thế chiến II, khiến mức sống ở Nhật Bản trở nên vô cùng đắt đỏ. Bùng nổ bong bóng tài sản đầu những năm 1990 khiến vấn đề càng trở nên tồi tệ. 

Han năm nay 50 tuổi nhưng nhìn rất trẻ bởi mặt tròn, tóc ngắn. Gốc gác là người Hàn Quốc nhưng cô sống ở Nhật cả đời. Han từng làm tiếp viên cho hãng hàng không Japan Airlines. Cô luôn tay dọn dẹp, vừa khuyên nhủ góa phụ chớ đau buồn quá. Năng lực tương tác là một yếu tố quan trọng trong nghề này, bởi cạnh tranh rất gay gắt. Người biết trò chuyện và dọn dẹp sạch sẽ thường nhận được nhiều hợp đồng hơn. Những lúc không phải dọn dẹp hay đi bán đồ cũ, Han thường du lịch vòng quanh Nhật Bản để đấu thầu thêm hợp đồng. 

Vừa gói đồ thủy tinh bằng báo, Han vừa giải thích cô nhận ra nhu cầu loại hình kinh doanh này khi mẹ qua đời. Khi đó, cô vẫn làm tiếp viên, cảm thấy không thể nhờ cậy vào người nhà để dọn dẹp đồ của mẹ. Cô muốn thuê một người vừa biết dọn dẹp, vừa biết an ủi để giúp đỡ gia đình.

Vài năm sau, một người bạn của Han tâm sự muốn tìm kiếm một ngành nghề mới sau trận động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011. Đó là người sáng lập Active - Techno, công ty sản xuất tấm sơn kim loại thuộc tập đoàn Toyota. Ông này nói với Han rằng gần đây vừa đọc một bài báo về nghề dọn dẹp. “Ông ấy nói: ‘Có lẽ tôi sẽ làm nghề này’. Tôi bảo: ‘Ôi không. Tôi mới là người làm việc đó’”, Han nhớ lại.

Theo ông Hideto Kone, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dọn dẹp Chuyên nghiệp cho hay, tỷ lệ chết cô độc chiếm 30% thị trường làm sạch. “Nhà ma” - nơi người lớn tuổi qua đời một mình không ai hay và xác bị thối rữa, chiếm 20%. Phần còn lại là công việc dọn dẹp do người thân thuê mướn. Từ năm 2007 đến 2016, hơn 100.000 công ty Nhật Bản đã được cấp giấy phép kinh doanh hàng hóa đã qua sử dụng. Người ta trả cho Han và các công ty làm sạch khác khoảng 2.200 - 3.200 USD cho một ngày công, nhưng chi phí có thể lên tới hàng chục nghìn USD tùy vào quy mô công việc và thời gian.

Phí xử lý rác thải ở Nhật Bản rất cao, vì thế thị trường mua bán hàng hóa cũ rất sôi động. Trong năm 2016, ngành công nghiệp này kiếm được 16 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2015 và 30% so với năm 2012, chiếm khoảng 4,1% thị trường bán lẻ Nhật Bản. Nó cũng truyền cảm hứng cho sự bùng nổ các cửa hiệu cầm đồ và tái chế. 

Lời nhắn nhủ cho những gia đình

Tại một gara để xe nằm trên con đường bận rộn ở quận Itabashi, phía Bắc Tokyo, Nhật Bản, Miyu Kojima vừa kết thúc một ngày làm việc. Đó là một đêm tháng 2 trời lạnh. Các dụng cụ dọn dẹp được đặt gọn gàng ở một góc gara, đồ đạc còn sót lại của người đã khuất được cho vào hộp giấy chất vào chiếc xe đẩy màu xanh lá phía trên có dòng chữ “ToDo-Company”. Đó là những vật dụng thuộc về chủ nhân của căn nhà mà Miyu và đồng nghiệp vừa dọn dẹp. Chúng sẽ được tái chế hoặc đem đi bán.

Miyu - cô gái 24 tuổi làm việc cho công ty ToDo, nơi cung cấp dịch vụ dọn dẹp nhà cửa cho người đã khuất và thường là người chết trong cô độc, thường được gọi là kodokushi. “Tôi thường đảm nhận nhiệm vụ dọn dẹp các căn nhà cho thuê, căn hộ, nhà nơi người ta chết trong cô độc và giúp sắp xếp những món đồ mà người đã khuất để lại”, Miyu chia sẻ. 

Thông thường, những người mà Miyu giúp dọn dẹp nhà cửa qua đời 1-2 tháng trước khi được phát hiện nhưng lâu nhất là 8 tháng. Thỉnh thoảng, họ lau dọn nhà cửa cho người mất ở bệnh viện, hoặc chết vì bị giết, tự tử.

Sau khi thi thể được đưa đi, Miyu và đồng nghiệp bắt đầu công tác quét dọn nhà cửa và sắp xếp những món đồ còn lại của người đã khuất. Miyu là một cô gái hay cười và dưới chân là đôi giày thể thao còn dính thuốc tẩy. Cô bắt đầu công việc này sau khi bố cô đột ngột qua đời. Trước đó, 2 bố con Miyu có một mối quan hệ khá là căng thẳng. “Tôi nghĩ tôi hiểu được những gì mà người ở lại cảm nhận. Tôi muốn giúp đỡ họ một tay”, Miyu chia sẻ.

Thế là sau đó, Miyu bắt đầu tìm các công ty chuyên cung cấp dịch vụ dọn nhà cho người chết. Sau một thời gian, Miyu nhìn thấy quảng cáo tuyển dụng của công ty ToDo. Hirotsugu Masuda, tầm tuổi 40, là người sáng lập ra ToDo và ông cho rằng đây là công việc mà “một ai đó phải làm”.

Miyu cho biết một ngày làm việc bình thường của cô bắt đầu bằng một cuộc họp vào buổi sáng, phân công công việc rõ ràng để mọi người có thể thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nhanh chóng. Tiếp đến, họ di chuyển đến ngôi nhà cần dọn dẹp với một nhóm khoảng 6 người và hoàn thành công việc vào lúc 15h chiều. Giá cho dịch vụ này rơi vào khoảng 3.000-5.000 USD (70-115 triệu đồng).

“Tôi làm mọi việc từ đầu đến cuối. Tôi lái xe tải, dọn dẹp và nói chuyện với gia đình của người chết” - Miyu nói. Trước khi bước vào căn nhà, Miyu sẽ cầu nguyện: “Xin hãy yên nghỉ”. Ban đầu, Miyu cảm thấy công việc này thật khó khăn và đôi khi khung cảnh nhà cửa của người chết có phần đáng sợ. Dù thi thể đã được đưa đi nhưng không tránh khỏi trường hợp lông tóc hay dung dịch rỉ ra từ thi thể còn sót lại. Công việc này cũng đòi hỏi một sức khỏe dẻo dai nhưng điều khó khăn nhất với Miyu là nói chuyện với gia đình của người đã khuất: “Tôi không biết mình nên nói đến đâu và hỏi han thế nào”.

Khi một người chết trong cô độc thì khung cảnh bên trong nhà vẫn vương lại không khí của một cuộc sống đơn độc. Thật khó để dọn dẹp một căn nhà nơi một người bị giết hoặc tự kết liễu đời mình bởi vì mỗi lần như vậy, Miyu thấy mọi thứ rất nặng nề. Miyu thường bận rộn hơn trong mùa hè, bởi vì lúc này, thi thể thường dễ bốc mùi hôi thối nếu không được phát hiện kịp thời. 

Tại nhà mà Miyu vừa mới dọn dẹp, một người đã chết ngay trước bồn cầu vệ sinh. Miyu đã đặt một bông hoa trên nắp bồn cầu để thể hiện sự tôn kính. “Trong lúc dọn dẹp, tôi thường nghĩ về người đã từng sống tại đó, họ đã có cuộc đời thế nào, họ đã làm công việc gì và họ là thế nào trong mắt người nhà”, Miyu chia sẻ.

Sau khi kết thúc công việc dọn dẹp, Miyu và đồng nghiệp sẽ thực hiện một nghi thức cuối cùng là dâng hoa, thắp nhang và cầu nguyện. Miyu cho biết đó là lời từ biệt cuối cùng dành cho người đã khuất. Miyu sẽ gửi lại đồ đạc của người đã khuất cho gia đình họ. Nếu gia đình từ chối nhận, công ty ToDo sẽ gửi chúng vào chùa để thực hiện một nghi lễ trước khi đem chúng đi thiêu.

Miyu cho biết trong nhiều trường hợp, những cái chết cô độc thường xảy ra với những người có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với gia đình và họ chẳng thể gọi cho ai mỗi khi cần sự giúp đỡ. Miyu tin rằng một bộ phận không nhỏ người trong xã hội cũng kỳ thị những người chết một mình bởi ý nghĩ người chết không có một ai bên cạnh cũng phản ánh phần nào con người của họ.

Đối với Miyu, những cái chết này tiết lộ mối quan hệ gia đình thì đúng hơn. “Nếu một người ra đi mãi mãi, bạn chẳng thể làm gì được nữa và đó cũng là lúc bạn nhận ra tầm quan trọng của người đó. Nếu vẫn còn thời gian, xin hãy tận dụng cơ hội để trò chuyện, kết nối với gia đình và những người xung quanh, đừng để mọi thứ tan vào hư không rồi mới hối hận thì đã muộn màng”, Miyu nói.

Tin cùng chuyên mục

Nhiều người dân Singapore lựa chọn vắc-xin Sinopharm, Sinovac để tiêm tăng cường vì một lợi ích không ngờ

Nhiều người dân Singapore lựa chọn vắc-xin Sinopharm, Sinovac để tiêm tăng cường vì một lợi ích không ngờ

(PLVN) -  Một số phòng khám tư nhân ở Singapore đã ghi nhận nhu cầu tăng vọt đối với vắc-xin (vaccine) Sinovac và Sinopharm khi người dân tiêm mũi tăng cường - phần lớn do lo ngại tác dụng phụ từ liều thứ 3 của vắc-xin loại mRNA. Các loại vắc-xin như Sinovac và Sinopharm sử dụng virus bất hoạt để dạy hệ miễn dịch con người tạo ra kháng thể chống SARS-CoV-2.

Đọc thêm

Bí ẩn ngọn núi hùng vĩ “nuốt chửng người”

Dãy núi Eastern Highlands tại Zimbabwe.
(PLVN) - Nằm trong vùng hoang sơ tuyệt đẹp phía bắc của dãy núi Eastern Highlands (Cao nguyên phía Đông) tại Zimbabwe, với độ cao 2.592m, ngọn núi hùng vĩ Nyangani là nơi gắn liền với những truyền thuyết kỳ bí trong nhiều thế kỷ. Đặc biệt là những vụ mất tích tương tự như vùng Tam giác quỷ Bermuda.

Choáng ngợp với khách sạn 7 sao xa xỉ nhất thế giới

Một nhà hàng khổng lồ thiết kế ngầm dưới nước với hành lang có mái vòm bằng vàng.
(PLVN) - Khách sạn Burj Al Arab của Dubai nổi tiếng bởi độ xa xỉ, tráng lệ bởi phòng khách bát ngát rộng tới gần 800m2 với nội thất dát vàng và cẩm thạch, những ly cà phê phủ vàng 24K khiến du khách được trải nghiệm cảm giác họ thực sự là thượng đế, là ông hoàng, bà chúa... 

Nấm Chaga - Thần dược quý hiếm trị “bách bệnh”

Thần dược nấm Chaga.
(PLVN) - Khi nghe nấm Chaga được xem như “thần dược” chữa bách bệnh như ung thư, ngừa lão hóa, người ta sẽ dễ tưởng tượng hình dung ra loại nấm này trông trống như đá quý hay kim loại quý treo trên cây, nhưng trên thực tế, loại nấm này lại có vẻ ngoài xù xì, đen đúa, không khác gì cục tro cháy sém.

Ốc sên Escargot – đệ nhất ẩm thực Pháp

Món đặc sản từ ốc sên Escargot.
(PLVN) - Nếu như ở Việt Nam, “ốc sên” không được định danh là món ăn thì ở Pháp những món ăn chế biến từ “ốc sên” lại được coi là đệ nhất ẩm thực, thậm chí chỉ dành cho giới thượng lưu sang chảnh.

Cuộc sống xa hoa của các Vương gia triều Thanh

Họa hình những bữa ăn xa hoa của các Vương gia triều Thanh.
(PLVN) - Bên trong Tử Cấm Thành ngoài những câu chuyện về Hoàng thượng, Hoàng hậu và các phi tần thì sự giàu sang của các bậc Vương gia nhà Thanh cũng khiến người đời không khỏi kinh ngạc, không ít thú vui, hưởng lạc xa xỉ tới mức điên loạn...

Độc đáo món Char Kway Teow của Malaysia

Chế biến món Char Kway Teow nổi tiếng của Malaysia.
(PLVN) - Char Kway Teow thơm nức, cay xè không chỉ là món ăn đặc sản của Malaysia mà còn là một trong những món dễ ăn bậc nhất cho những người không quen với các món có cà ri.

Món lẩu phô mai “quốc hồn quốc túy” của Thụy Sĩ

Món lẩu Phô mai đặc trưng của văn hóa ẩm thực Thụy Sĩ.
(PLVN) - Nói đến Thụy Sĩ nhiều người sẽ nhớ tới đất nước của đồng hồ, dãy núi Alps, cùng những loại phô mai độc đáo, ngon lành. Từ một nguyên liệu phổ biến, người Thụy Sĩ đã sáng tạo ra món lẩu phô mai “độc nhất vô nhị” béo ngậy và đầy hấp dẫn.