Thủ tướng mới phê duyệt Khung kế hoạch triển khai Nghị quyết số 80/NQ-CP, ban hành Quyết định số 1489/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2015 với tổng kinh phí là 27.509 tỷ đồng. Con số này liệu có thể làm đòn bẩy giúp giảm nghèo bền vững?.
|
Hình minh họa |
Còn hơn 3 triệu hộ nghèo
Giảm nghèo bền vững là một trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Việc ban hành Nghị quyết 80 thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ trong công tác xóa đói giảm nghèo, nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.
4 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2015: - Dự án 1: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo với tổng nhu cầu vốn là 11.080 tỷ đồng; - Dự án 2: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn với tổng nhu cầu vốn là 12.392 tỷ đồng; - Dự án 3: Nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng nhu cầu vốn thực hiện là 2.850 tỷ đồng; - Dự án 4: Hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình với tổng nhu cầu vốn thực hiện là 1.187 tỷ đồng. |
Nghị quyết 80 hướng đến đối tượng là người nghèo, hộ nghèo trên cả nước đang sinh sống ở huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Mục tiêu giảm nghèo được đặt ra là trong 10 năm tới, thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng 3,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm (riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm) theo chuẩn nghèo từng giai đoạn.
Phê duyệt Khung kế hoạch triển khai Nghị quyết 80, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho mỗi bộ, ngành. Bộ LĐ-TB&XH sẽ chủ trì xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, giám sát công tác giảm nghèo quốc gia. Đối với Ủy ban dân tộc, Thủ tướng giao nhiệm vụ xây dựng các chính sách đặc thù để hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2012 - 2015 theo hướng ưu tiên các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách sản xuất, kinh doanh, tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn. Bộ Xây dựng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo có thu nhập thấp, hộ nghèo ở đô thị…
Tăng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo lên gấp 1,6 lần
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm: Cần giúp người dân tiếp cận chính sách tốt hơn - Hiện nay, việc giảm nghèo được xác định ưu tiên khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ cao so với mặt bằng chung cả nước. Còn về lâu dài, định hướng giảm nghèo sẽ toàn diện mọi vùng miền, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng và nhóm dân cư, không phân biệt các nhóm đối tượng... Và để giải quyết vấn đề này, không chỉ Bộ LĐ-TB&XH làm được mà liên quan đến các bộ ngành, đặc biệt là với UBND các tỉnh, thành - nơi xuất phát của nhóm người di dân và nơi tiếp nhận người nghèo tới làm ăn sinh sống. Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo giai đoạn tới, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành để giới thiệu, hướng dẫn cho người dân về các chương trình, chính sách, hỗ trợ người dân được đào tạo nghề, kết hợp các chương trình tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm với nâng cao năng lực để người dân tiếp cận chính sách tốt hơn thời gian qua. |
Đặc biệt mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015. Mục tiêu chung của Chương trình nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã/thôn/ bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở các vùng nghèo; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.
Chương trình phấn đấu đến năm 2015, 10% số huyện nghèo và 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Chương trình cũng đặt mục tiêu phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011, trong đó riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần. Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn sẽ được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu.
Cụ thể, đến năm 2015 sẽ có 85% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 60% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa; 100% trung tâm xã có điện, trên 90% thôn, bản có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 80% nhu cầu mới tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm; thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình giảm nghèo tăng 15-20%/năm; bình quân mỗi năm có 10% hộ tham gia mô hình thoát nghèo…
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 27.509 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 20.509 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 4.000 tỷ đồng; viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là 3.000 tỷ đồng.
Về giải pháp huy động vốn, Chương trình sẽ thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Đối với vốn huy động từ các nguồn khác, chú trọng huy động đóng góp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng và thực hiện, Chương trình sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đồng thời tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình.
Thục Quyên