Sáng ngày 8-7, tại Đà Nẵng, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.01/06-10 “Những vấn đề cơ bản về phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020” tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những vấn đề kinh tế Việt Nam hiện nay” do PGS, TSKH Võ Đại Lược, Chủ nhiệm Chương trình và TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình chủ trì.
Quang cảnh Hội thảo. |
Đến dự có các đồng chí: Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, cộng tác viên cao cấp của Chương trình KX.01/06-10; Võ Công Trí, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy và đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý Trung ương và thành phố Đà Nẵng.
Nền kinh tế dựa vào tài nguyên, nhân công rẻ đã tới hạn
Mở đầu hội thảo, PGS, TSKH Võ Đại Lược trình bày báo cáo “Kinh tế Việt Nam: Những vấn đề và chính sách phát triển”. Báo cáo dự báo diễn biến kinh tế thế giới đang rất phức tạp. Trong những năm tới sẽ tăng trưởng trì trệ với những bất trắc, rủi ro cao. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang làm biến dạng các xu thế phát triển. Những vấn đề mới xuất hiện: Tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, tranh chấp tài nguyên diễn ra quyết liệt giữa các cường quốc, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa toàn cầu, thiên tai nghiêm trọng…
Những vấn đề toàn cầu như tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư, tài nguyên ngày càng trở nên bức xúc. Các nền kinh tế như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều đã rơi vào khủng hoảng hoặc suy thoái. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam đã có bước hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, cần chú ý Việt Nam vẫn đang phát triển dựa vào vốn, tài nguyên và nguồn lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao. Đây là nền kinh tế phát triển theo chiều rộng và đã tới hạn cần phải chuyển sang một mô hình tăng trưởng kinh tế mới.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.200 USD, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình là thành tựu quan trọng. Câu hỏi đặt ra liệu Việt Nam có thoát khỏi “Bẫy thu nhập trung bình” (BTNTB) để bứt phá lên hàng nước có thu nhập cao? Cả thế kỷ XX chỉ có 4-5 nước đạt được sự bứt phá này, còn lại hầu hết rơi vào BTNTB với GDP bình quân đầu người dưới 7.000 USD.
Thời gian để Việt Nam bứt phá lên thành nước phát triển là 30 năm với điều kiện cơ bản là phải nâng cấp và bứt phá về chính sách phát triển. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang là đòi hỏi bức xúc hiện nay của nước ta. PGS, TSKH Võ Đại Lược nêu ra hai vấn đề cơ bản để đưa Việt Nam bứt phá lên hàng nước phát triển là: Đổi mới tư duy ngay từ lãnh đạo cấp cao và đổi mới mô hình đặc khu kinh tế với những thể chế tiên tiến hiện đại.
Phải tiếp cận thể chế kinh tế tiên tiến
PGS, TS Bùi Tất Thắng bày tỏ rất đồng tình với ý kiến của PGS, TSKH Võ Đại Lược. Kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt và chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu là yêu cầu bức bách. Ông Thắng đề xuất 4 quan điểm mang tính nguyên tắc của mô hình phát triển nhanh và bền vững: Phát triển để ổn định và ổn định để phát triển; phát triển theo kịp bước thời đại; phát triển có hiệu suất và phát triển vì con người.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phan Diễn nhấn mạnh kinh tế Việt Nam đang đứng trước yêu cầu bức xúc đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhưng vướng mắc nhất hiện nay là thể chế kinh tế. Cách ứng xử đối với phát triển kinh tế còn nhiều vấn đề. Ví như quan niệm về kinh tế Nhà nước, cách ứng xử với kinh tế quốc doanh còn nhiều vấn đề. Kinh tế Nhà nước hiện nay kém về hiệu quả. Đồng chí đề nghị để phát triển kinh tế đi vào chiều sâu cần phải có tiếp cận với thể chế kinh tế tiên tiến của thế giới. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cũng bày tỏ đồng tình cơ chế quản lý các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước còn nhiều bất cập, hạn chế, không theo kịp với yêu cầu phát triển đất nước.
Ông Huỳnh Phước, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ thành phố khẳng định: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là đúng nhưng khâu tổ chức thực hiện, kiểm tra còn kém và không ai kiểm điểm, đánh giá việc tổ chức thực hiện. Việc quy hoạch phát triển các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay còn rất nhiều bất hợp lý. Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lẽ ra phải quy hoạch phát triển công nghệ cao. Tránh cái gì cũng làm và thu hút lao động cả nước, tạo ra những vấn đề xã hội để địa phương đau đầu giải quyết.
TS Lê Công Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho rằng: Hiện tại chúng ta đang thỏa mãn về nguồn tài nguyên và nguồn nhân lực rẻ. Thực tế ta đang bán tài nguyên và bán sức lao động. Cần phải tái cấu trúc lại nền kinh tế, trong đó, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên ngành Giáo dục-Đào tạo cũng có bất cập là theo xu hướng nhiều cơ quan chủ quản và không trao quyền tự chủ ở các trường đại học. Do đó khó đòi hỏi nâng cao chất lượng.
Kết luận hội thảo, PGS, TSKH Võ Đại Lược trao đổi lại một số vấn đề:
1) Về quy hoạch phát triển kinh tế như hiện nay, ta sẽ còn phải trả giá. Trong khi đó một số nước như Trung Quốc đã thực hiện đấu thầu quy hoạch phát triển kinh tế rồi.
2) Về vốn: Vừa thiếu vừa thừa, thiếu ở nơi trọng điểm cần đầu tư, thừa ở nơi không cần thiết. Ví dụ như vốn dồn vào đất đai, bất động sản, lĩnh vực được coi là bong bóng kinh tế.
3) Việc phân bổ nguồn nhân lực phải do thị trường quyết định, Chính phủ chỉ giữ vai trò điều tiết.
4) Cần giới hạn khu vực quốc doanh đến đâu là vừa. Ví dụ như Trung Quốc giới hạn khu vực này chiếm 30% GDP. Về quản trị, chúng ta chưa quản trị theo quy luật thị trường.
5) Nền kinh tế Việt Nam phát triển theo chiều rộng đã tới hạn cần phải chuyển sang phát triển chiều sâu. Phát triển kinh tế nước ta trong mục tiêu dài hạn phải lấy lợi ích phát triển của đất nước là tối cao, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng cũng cần tiếp thu lý thuyết kinh tế hiện đại.
Tin và ảnh: S.T