Tuy nhiên, hiện công tác này đang nảy sinh không ít bất cập, đòi hỏi phải đổi mới để thực sự giúp người được TGPL bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và việc thí điểm cho họ được lựa chọn người thực hiện TGPL được coi là một giải pháp trong giai đoạn tới.
Chưa biết đến quyền được tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí
Hệ thống TGPL ở Việt Nam hình thành từ năm 1997, đặc biệt Luật TGPL được ban hành năm 2006 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của công tác TGPL. Thực tiễn công tác TGPL trong thời gian qua đã khẳng định chính sách TGPL và việc ra đời Luật TGPL là đúng đắn, hợp lòng dân và phù hợp với chủ trương của Đảng, đạo lý của dân tộc và điều kiện thực tế của nước ta.
Hoạt động TGPL không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế, đưa pháp luật đến với người dân, tạo lập thói quen và nếp sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Qua đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội, tiếng nói của TGPL trong chính sách xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chính sách dân tộc và quan điểm của Đảng và Nhà nướcvề bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong điều kiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, công tác TGPL đã phát sinh một số bất cập, hạn chế. Đáng chú ý, hoạt động TGPL tập trung nhiều vào các hình thức truyền thông như in ấn tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL…, mà chưa chú trọng đến việc thực hiện vụ việc TGPL để bảo vệ quyền lợi của đối tượng được TGPL.
Chẳng hạn, trong 2 năm triển khai Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, cả nước thực hiện được 231.830 vụ việc, trong đó có 213.335 vụ việc tư vấn pháp luật (chiếm 92%), 13.395 vụ việc tham gia tố tụng (chiếm 5,7%), 417 vụ việc đại diện ngoài tố tụng (chiếm 0,17%) và 4.683 vụ việc khác. Như vậy, số lượng vụ việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng để hỗ trợ pháp lý cho người dân còn rất thấp.
Không những thế, các hoạt động truyền thông cũng chưa được tổ chức đúng trọng tâm, trọng điểm, bởi vậy mục đích truyền thông chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, theo Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TGPL, về quyền và nghĩa vụ của các đối tượng được TGPL, về hệ thống tổ chức thực hiện TGPL sẵn có của Nhà nước rất hạn chế nên đối tượng được TGPL chưa biết về quyền được TGPL của mình.
Qua báo cáo năm về công tác TGPL của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau gần 17 năm hình thành và phát triển hệ thống TGPL ở Việt Nam, nhiều đối tượng được hưởng chính sách TGPL vẫn chưa biết tới quyền được tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước. Phần lớn các vụ việc tố tụng hình sự là án bắt buộc có người bào chữa do các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến Trung tâm TGPL, các vụ việc thụ lý ở trụ sở của các tổ chức thực hiện TGPL chiếm tỷ lệ thấp (22,9% trong tổng số 231.830 vụ việc trong thời gian từ tháng 6/2011 – 6/2013).
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên nhưng nguyên nhân chính là do bất cập về mặt thể chế nên hoạt động TGPL chưa hiệu quả. Hơn nữa, kinh phí Ngân sách Nhà nước cấp cho TGPL còn thấp trong khi đó chưa thu hút được xã hội tham gia vào hoạt động TGPL. Phản ánh của nhiều địa phương cho thấy, mặc dù chủ trương xã hội hóa hoạt động TGPL đã được quy định tại các văn bản về TGPL và các văn bản liên quan, nhưng chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể về cách thức tham gia cũng như các yêu cầu đối với tổ chức xã hội tham gia vào công tác TGPL.
Đáng chú ý, vẫn chưa có cơ chế, chính sách để thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác, do đó chưa huy động được cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề luật tham gia vào hoạt động TGPL. Theo thống kê, hiện số lượng luật sư (LS) được cấp thẻ cộng tác viên TGPL khoảng 1.000 LS, đây là con số quá khiêm tốn so với gần 9.000 LS trên cả nước.
Đổi mới mô hình tổ chức cung cấp dịch vụ TGPL miễn phí
Xuất phát từ thực trạng trên, nhằm tìm ra những giải pháp cho hoạt động TGPL, Bộ Tư pháp đã xây dựng Dự thảo Đề án Đổi mới hoạt động TGPL giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong giai đoạn đầu, do Luật TGPL chưa được sửa đổi nên nhiệm vụ được đề ra là phải chú trọng thực hiện vụ việc TGPL, chủ yếu là các vụ việc tham gia tố tụng, ưu tiên các vụ việc tố tụng hình sự, đại diện ngoài tố tụng, bảo đảm đáp ứng đầu đủ nhu cầu TGPL của người được TGPL để họ được quyền bình đẳng tiếp cận pháp luật và được hưởng phiên tòa công bằng.
Bên cạnh đó chỉ TGPL lưu động khi có vụ việc TGPL, giúp người dân tiếp cận với dịch vụ TGPL tại cơ sở, đồng thời tăng cường phát hiện nhu cầu TGPL thông qua các hình thức, đầu mối khác nhau. Về tổ chức cung cấp dịch vụ TGPL nhà nước, vẫn sẽ duy trì tổ chức này và huy động nhiều hơn sự tham gia của các tổ chức xã hội. Đáng chú ý, sẽ thí điểm việc người được TGPL được lựa chọn người thực hiện TGPL của các tổ chức tham gia TGPL và tăng mức thù lao cho LS thực hiện TGPL ngang bằng với mức thù lao LS thu của khách hàng trên thị trường dịch vụ pháp lý hoặc theo biểu phí do Nhà nước quy định.
Lý giải về những giải pháp trước mắt được đánh giá là chưa có nhiều đột phá trên đây, đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Quá trình triển khai hoạt động TGPL cho thấy, nhiều vướng mắc, bất cập hiện nay xuất phát từ thể chế về TGPL. Do đó, để đảm bảo chất lượng và hiệu quả công tác TGPL cần sửa đổi một số nội dung được quy định trong pháp luật về TGPL, mà cao nhất là Luật TGPL.
Tuy nhiên, đề xuất xây dựng Luật TGPL sửa đổi đến nay vẫn chưa được đưa vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Bởi thế, quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án vẫn phải bảo đảm theo quy định của Luật TGPL hiện hành nên một số vấn đề khó khăn, bất cập chưa được giải quyết triệt để.
Còn bước sang giai đoạn từ năm 2018 – 2025, dự kiến áp dụng Luật TGPL sửa đổi theo hướng chỉ tập trung vào vụ việc TGPL, nhất là vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Còn về mô hình tổ chức cung cấp dịch vụ TGPL nhà nước, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền thì có 2 phương án được đề xuất tại Dự thảo Đề án.
Phương án 1 là sẽ chuyển hoạt động TGPL của các Trung tâm cho xã hội thực hiện và người thực hiện TGPL là LS tư. Phương án 2 là thực hiện mô hình hỗn hợp, kết hợp giữa Nhà nước và xã hội trên cơ sở rà soát, phân loại sắp xếp lại các tổ chức của các Trung tâm và kết quả hoạt động của các Trung tâm trong giai đoạn 2015-2017 để duy trì mô hình cho phù hợp.
Một số ý kiến cho rằng nên triển khai theo phương án 1 vì Nhà nước không phải trả lương và chi phí hành chính cho các tổ chức TGPL của Nhà nước để thực hiện TGPL. Hơn nữa, theo phương án này, xã hội sẽ sử dụng được đội ngũ LS sẵn có, không phải thực hiện đào tạo, bởi đội ngũ này được cấp chứng chỉ hành nghề LS, được tham gia tố tụng theo quy định pháp luật và trong đó có các LS giỏi, uy tín để người thực hiện TGPL lựa chọn.
Song cạnh đó có nhiều ý kiến không đồng tình và phân tích rằng, nếu không tồn tại một hệ thống TGPL có cơ cấu tổ chức chặt chẽ với đội ngũ người thực hiện TGPL của Nhà nước thì sẽ không đảm bảo sự chủ động của Nhà nước đối với hoạt động TGPL, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, do vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những đối tượng được TGPL. Những ý kiến này đề nghị nên theo phương án 2 để vừa bảo đảm sự chủ động của Nhà nước, không gây xáo trộn mạnh đối với hệ thống TGPL đang vận hành.