Trước yêu cầu cạnh tranh gay gắt của thị trường lao động hiện nay, từng đào tạo gần 10 nghìn học sinh, sinh viên, học viên phục vụ cho ngành bưu chính-viễn thông (BCVT) và công nghệ thông tin (CNTT), Trường Trung học BCVT và CNTT 2 phải đổi mới phương pháp dạy và học để phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Lễ trao bằng tốt nghiệp của Trường Trung học BCVT và CNTT 2. |
Ông Phạm Tùng Nghị, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường sẽ xây dựng hệ thống liên thông lên bậc cao đẳng ngay tại trường với thời gian học là 1 năm rưỡi từ tháng 10 năm nay, sau đó tiến tới đào tạo các chứng chỉ quốc tế. Trước đó, việc liên thông đã được thực hiện thông qua sự liên kết với Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Bởi theo ông Nghị, hai năm trở lại đây, cơ cấu tổ chức ngành BCVT có nhiều thay đổi, nếu chỉ “chăm chăm” đào tạo trung cấp sẽ rất khó tuyển sinh.
Thêm vào đó, tính cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt với sự ra đời của nhiều tập đoàn viễn thông mạnh, việc xác định các mô hình, chuyên ngành đào tạo hợp với sự phát triển của xã hội là cần thiết. Vì lẽ đó, ngoài các ngành học chính thức, trường cũng đào tạo các khóa ngắn hạn như kỹ thuật viên CNTT, sửa chữa điện thoại di động, thiết bị đầu cuối. Với các ngành nghề thiết thực này, khi ra trường, trong khi chờ đợi việc làm lâu dài, học sinh (HS) vẫn có thể sống được với nghề của mình. Mỗi năm, với 3 ngành đào tạo TCCN và 7 nghề của hệ TC nghề, có khoảng 300 HS chính quy ra trường và 6 nghìn lượt người được bồi dưỡng nghiệp vụ trong thời gian 1 tuần.
Không chỉ đào tạo học sinh, mà nhiệm vụ của trường còn là bồi dưỡng, bổ túc, nâng cao trình độ quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ và những ngành nghề xã hội đang thiếu như marketing, dịch vụ chăm sóc khách hàng... cho cán bộ, công nhân viên trong ngành của cả miền Trung-Tây Nguyên. Suốt 35 năm nay, đây là “cái nôi” đào tạo gần 10 nghìn cán bộ, công nhân BCVT và CNTT cho các tỉnh, thành miền Trung-Tây Nguyên. Rất nhiều người tốt nghiệp từ đây hiện là giám đốc Bưu điện các tỉnh, thành trong cả nước.
Những năm gần đây, HS ở trường có cơ hội tiếp cận với các nhà tuyển dụng thông qua sự liên kết giữa trường và các doanh nghiệp ở miền Trung và Tây Nguyên với các chương trình tư vấn và tìm kiếm việc làm. Hài hòa giữa học lý thuyết và luyện tập kỹ năng thực hành, HS của trường được nhiều DN ưa chuộng. Ông Nghị dẫn chứng: “Năm rồi, gần 200 HS điện tử viễn thông cả hệ đào tạo nghề và trung học chính quy ra trường đều có việc làm. Thậm chí chừng đó HS cũng không đủ cung ứng cho DN”. Nhiều đơn vị ở xa như Gia Lai, Daklak vẫn liên hệ trực tiếp với trường để tuyển nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên bán hàng ngành bưu chính.
Ông Nghị tin rằng, với cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, đầy đủ có giá trị trên một trăm tỷ đồng của trường và sự nỗ lực của các giáo viên, trường sẽ tiếp tục được xã hội công nhận là ngôi trường đào tạo tốt cả về chuyên môn lẫn đạo đức cho HS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của ngành và toàn xã hội.
TRIÊU NHAN