Đòi công lý cho cổ động viên Câu lạc bộ Liverpool bị giẫm đạp chết

Gia đình các nạn nhân bên di ảnh đón nhận phán quyết của bồi thẩm đoàn về vụ Hillsborough
Gia đình các nạn nhân bên di ảnh đón nhận phán quyết của bồi thẩm đoàn về vụ Hillsborough
(PLO) -Sau hơn một phần tư thế kỷ, câu hỏi về cái chết của 96 cổ động viên câu lạc bộ Liverpool trong vụ giẫm đạp và sập khán đài sân vận động Hillsborough đã có câu trả lời. Sự thật là họ mất mạng vì những sai lầm của nhà chức trách, và hành trình công lý của họ mới chỉ vừa bắt đầu. 

Trận đấu FA Cup giữa hai câu lạc bộ Liverpool và Nottingham Forest tại sân vận động Hillsborough, thành phố Sheffield ngày 15/4/1989 sẽ giống hàng trăm trận bóng đá khác diễn ra hàng năm ở Anh nếu không có thảm họa giẫm đạp và sập khán đài. 

Sai lầm không thuộc về nạn nhân

Ngay trước giờ bóng lăn, đã xảy ra ùn tắc giao thông tại Sheffield, khiến CĐV Liverpool dồn cục ở các cửa soát vé mà lực lượng an ninh không có phương án dự phòng. Sân Hillsborough với số lượng chỗ ngồi ít, kích thước nhỏ càng khiến cho mọi việc trở nên rối bời.

Cảnh sát trưởng Sheffield lúc đó là David Duckenfield, người chịu trách nhiệm chung của lực lượng cảnh sát, đã ra lệnh lúc 14h52 cho phép mở cổng C ở khán đài Leppings Lane. “Cơn lũ” khoảng 2 nghìn CĐV tràn vào, vượt quá sức chứa cho khán đài bị sập. 96 con người thiệt mạng còn hơn 700 người khác bị thương.

Cuộc điều tra sau đó của cảnh sát cùng báo chí đều khẳng định, các CĐV là nhân tố chính gây nên vụ việc. Họ được miêu tả là “say xỉn” và “mất khả năng kiểm soát” nhưng những lý giải khá mơ hồ và thiếu bằng chứng. Đó chính là lý do người nhà của 96 nạn nhân tử nạn trong sự cố chết người tai hại nhất trong lịch sử thể thao quyết đi tới cùng trong vụ việc này.

David Duckenfield trong một lần xuất hiện hồi năm ngoái
David Duckenfield trong một lần xuất hiện hồi năm ngoái

27 năm đi tìm công lý

Hành trình tìm lại sự thật vụ việc ở Hillsborough bắt đầu vào năm 1990. Bản báo cáo của thẩm phán tối cao Peter Taylor khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến vụ dẫm đạp, sập khán đài là do sự mất kiểm soát từ các cảnh sát.

Thế nhưng, các công tố viên Hoàng gia Anh đã phớt lờ nó, vẫn tin vào báo cáo của cảnh sát địa phương với sự hỗ trợ đắc lực của truyền thông, cho rằng chính CĐV Liverpool tràn vào đã gây ra tình trạng hỗn loạn, làm sập khán đài. 

Hillsborough Independent – một tổ chức độc lập do gia đình các nạn nhân lập ra để tìm lại lẽ phải - bao gồm nhà báo, nhân viên y tế, cảnh sát, linh mục và cả giảng viên đại học…thu hút sự quan tâm của công chúng và nhiều tổ chức, cơ quan chính phủ. Có tổng cộng 85 cơ quan, tổ chức, hiệp hội tham gia vào chiến dịch kéo dài hơn hai thập kỷ này.

Năm 2012, Hillsborough Independent công bố bản báo cáo 450.000 trang với những bằng chứng chi tiết, chứng minh nguyên nhân thực sự khiến khán đài bị sập là do chất lượng xây dựng; còn số thương vong cao là bởi sự ứng phó kém cỏi của lực lượng cứu hộ mặt đất như cảnh sát, cứu hỏa, y tế.

Đây thực sự là một “quả bom tấn” khiến công luận và các cơ quan tư pháp chính thức vào cuộc vào năm 2014. Ngoài các cuộc điều tra chính thức, còn hai cuộc điều tra liên quan của cảnh sát mà một trong số đó vẫn đang tiếp tục diễn ra với chi phí lên tới 116 triệu bảng. 

Cuối cùng thì kết luận đã được đưa ra. Ngày 26/4/2016, một bồi thẩm đoàn gồm 9 người đã ra phán quyết tại một buổi điều trần ở Warrington rằng, người đứng đầu cảnh sát lúc đó phải chịu trách nhiệm về thảm họa vì những “sơ suất không thể tha thứ”.

Cảnh sát đã không hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các CĐV. Phần lớn biểu quyết tại cuộc họp của bồi thẩm đoàn đều đồng ý rằng thảm họa Hillsborough là một sự việc vi phạm pháp luật,  những người thiệt mạng đã “bị chết oan và trái pháp luật”.

Sau phán quyết trên, người nhà các nạn nhân cùng siết tay nhau bên ngoài văn phòng của cơ quan điều tra ở Warrington, phía Đông Liverpool. Họ cùng hát bài “You’ll never walk alone”, giai điệu mà mỗi CĐV Liverpool đều hát trong mỗi trận đấu của đội nhà. 

Trong một tuyên bố dài 11 trang, đại diện cho gia đình của 22 nạn nhân tuyên bố phán quyết này đã “minh oan cho một hành trình rất, rất dài của 96 gia đình, những người đã gồng mình lên trong 27 năm qua để tìm ra sự thật, để đòi lại công lý và đưa những người có trách nhiệm cho thảm họa này”.

“Câu chuyện Hillsborough”, tuyên bố viết, “là câu chuyện về bi kịch của con người, nhưng cũng là câu chuyện về mánh khóe và sự lừa dối, về sự bao che có tính thể chế trước sự thật và công lý”.

Thảm họa này thực sự đã thay đổi góc nhìn về các trận đấu bóng đá ngày nay. Các khu khán đài dành cho cổ động viên đứng được cho là nguy hiểm khi vượt quá sức chứa, vì thế đã bị thay thế bằng các khu vực có ghế ngồi. Hàng rào xung quanh sân cỏ cùng bị loại bỏ. Điều này được áp dụng tại hầu hết sân vận động ở Anh bây giờ. 

Quang cảnh sân vận động Hillsborough vào thời điểm định mệnh
Quang cảnh sân vận động Hillsborough vào thời điểm định mệnh

Bóng đá đã thay đổi để đề cao sự an toàn của các trận đấu nhưng sự thực về thảm họa này vẫn chưa có gì khác. Sự bức xúc của gia đình các nạn nhân đã bị dồn nén hơn hai thập kỷ để có kết quả này khi các quan chức cấp cao ở sở cảnh sát và cơ quan cứu hộ vẫn luôn đổ lỗi cho các nạn nhân đã gây ra tai nạn cho chính họ.

“Tôi muốn 96 nạn nhân được an nghỉ, bởi họ đã chứng kiến gia đình của mình chịu đựng sự sai trái này suốt 27 năm qua.” Margaret Aspinall nói. James, cậu con trai 18 tuổi của bà đã chết trong đám đông hỗn loạn và bà đã đứng đầu Nhóm Hỗ trợ các gia đình Hillsborough. 

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm ?

Phán quyết cuối cùng đã mang lại công lý cho 96 nạn nhân trong “bi kịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử thể thao nước Anh”, nhưng cuộc điều tra trước đó vẫn chưa được coi là một vụ việc hình sự.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Văn phòng Công tố Hoàng gia cho biết đang đánh giá xem liệu có nên đưa ra cáo buộc nào không dựa trên những phát hiện; còn các chuyên gia pháp lý thì khẳng định: Trong trường hợp này mọi hướng giải quyết nhiều khả năng tập trung vào Duckenfield, sỹ quan cảnh sát phụ trách lúc đó. 

Trong suốt cuộc điều tra, ông Duckenfield đã miêu tả mình là bị “hóa đá” vào thời khắc quyết định khi các nhân viên cảnh sát phải ngăn chặn mối đe dọa từ đám đông vốn đã vượt tầm kiểm soát. Ông này cho rằng mình đã không lường trước được sai lầm khi đóng cửa đường hầm với một đám đông bị quây kín, được chứng minh là gây nên kết quả tai hại.

Nhiều ngày sau tai họa, các nỗ lực của cảnh sát quy trách nhiệm cho các CĐV xuất hiện đầy rẫy trên các mặt báo Anh. Tờ The Sun chạy hàng tít lớn “Sự thật”, đổ lỗi cho CĐV Liverpool vì thái độ xấu và khẳng định chính họ đã tấn công những nhân viên cứu hộ, đi tiểu vào cảnh sát từ các khán đài và giật ví của các nạn nhân.

Tuy nhiên, 23 năm sau, biên tập viên của tờ The Sun lúc đó là Kelvin McKenzie đã lên tiếng xin lỗi. Nhưng chính quyền có vẻ muốn rũ bỏ trách nhiệm: Năm 1996, người từng là phát ngôn viên của bà Margaret Thatcher, cựu thủ tướng Anh vào thời điểm xảy ra thảm họa, đã viết một lá thư gửi Graham Skinner, một CĐV Liverpool có bạn đã chết trong vụ giẫm đạp, để tiếp tục đổ lỗi cho CĐV.

“Tôi tin rằng sẽ chẳng thể có thảm họa Hillsborough nếu những gã cục súc say rượu đó không tập hợp đông đến vậy. Chính họ đã xô đẩy mở đường để vào sân vận động” - Bernard Ingham, cựu phát ngôn viên của bà Thatcher viết.

Năm 2012, cựu thủ tướng David Cameron đã đưa ra lời xin lỗi của chính phủ, nhấn mạnh các nạn nhân của vụ việc đã phải chịu sự bất công kép.

“Sự bất công ở đây là thất bại của nhà nước trong việc bảo vệ các công dân của họ và sự chờ đợi không thể bào chữa để có được sự thật” và “bất công ở đây là vì những người đã chết tiếp tục bị phỉ báng – rằng sai lầm của họ đã gây ra cái chết cho chính họ.”

Còn sỹ quan Duckenfield, giờ đã 71 tuổi, đã rời sở cảnh sát năm 46 tuổi và đang nghỉ hưu ở khu vực ven biển miền Nam. Truyền thông Anh vẫn đi tìm tung tích ông, nhưng có vẻ ông muốn tránh mặt.

Trong phát biểu trước phóng viên ít giờ sau cuộc họp của bồi thẩm đoàn, cảnh sát trưởng vùng Nam Yorkshire David Crompton tuyên bố dứt khoát chấp nhận phán quyết. Ông lên tiếng xin lỗi gia đình các nạn nhân và khẳng định lực lượng công quyền đã xử lý những việc ở Hillsborough “sai về cơ bản”.

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher thị sát hiện trường, sỹ quan Duckefield trong ô tròn
 Thủ tướng Anh Margaret Thatcher thị sát hiện trường, sỹ quan Duckefield trong ô tròn

Nhưng giờ thì vẫn phải chờ đợi xem, liệu những người từng có trách nhiệm trong vụ việc này sẽ chịu hình phạt gì trước pháp luật.

Đọc thêm

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.

Nhà Trắng nêu lý do Tổng thống Joe Biden ân xá cho con trai

Hunter Biden, con trai Tổng thống Joe Biden
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden đã gây tranh cãi khi ký lệnh ân xá vô điều kiện cho con trai Hunter Biden, người bị buộc tội vi phạm thuế và sở hữu súng trái phép. Nhà Trắng giải thích, đây là quyết định nhằm bảo vệ Hunter trước các cuộc công kích chính trị, nhưng động thái này đã vấp phải chỉ trích từ cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ân xá cho con trai

Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai Hunter Biden.
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden ngày 1/12 (giờ địa phương) tuyên bố đã ân xá cho con trai Hunter Biden, người bị kết án vào đầu năm nay về tội liên quan đến súng và thuế liên bang.