Đi khắp thế giới, người ta có thể thấy tượng Phật vẫn thường được làm từ gỗ, đá, xi măng hay ngọc quý… Nhưng pho tượng Bồ Đề Đạt Ma được tạo tác từ tóc của hàng nghìn phật tử ở chùa Tây Tạng (thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thì chỉ có ở Việt Nam.
|
Tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng tóc |
“Đường Tăng của nước Việt”
Chùa Tây Tạng có kiến trúc khá độc đáo và là một trong những ngôi cổ tự hiếm hoi trong cả nước được xây dựng theo phong cách Mật tông Tây Tạng. Chính điện chùa được thiết kế thờ phượng như một pháp hội khi Phật còn tại thế, chính giữa điện thờ Phật Thích Ca, xung quanh gồm chư Phật ở các vị trí như tầng dưới thờ Địa Tạng, Di Lặc; tầng kế thờ Phổ Hiền và Văn Thù bồ tát; tầng trên là Quan Âm, Thế Chí... Chính điện có cấu trúc hình khối vuông, chính giữa là ngôi tháp (stupa) tứ giác có chiều cao trên 15m. Tầng thượng nóc chùa có 5 điện thờ 5 vị gọi là “Ngũ trí Như Lai”, là 5 vị Phật tối cao của Phật giáo Tây Tạng đại diện cho 5 tính cách của con người. Mỗi đức Phật là một con đường tuyệt diệu để đi đến cảnh giới Niết Bàn và Vô sanh.
Nói về lịch sử chùa, thầy Trì Chánh (72 tuổi), người đã có nhiều năm tu hành tại đây cho biết chùa được xây dựng từ những năm 1930. Lúc đầu chùa có quy mô nhỏ mang tên Bửu Hương Tự do một người địa phương tạo lập và thờ. Sau này vì nghe tiếng thiền sư Nhẫn Tế Nguyễn Tấn Tạo nên người địa phương đã mời ngài về trụ trì chùa.
Nhắc đến thiền sư Nhẫn Tế, phật tử và người dân ở Thủ Dầu Một vẫn tôn xưng ngài là “Đường Tăng của Việt Nam” bởi từ gần 100 năm trước, một mình ngài đã làm cuộc hành trình đơn độc từ Đông Dương xa xôi đến Tây Tạng để cầu pháp và đắc pháp trên núi tuyết Himalaya. Sau 100 ngày ở Tây Tạng, ngài được đích thân Đại Thượng Toạ Lama Quốc Vương ngự ý ban cho pháp danh Thubten osall lama. Cũng chính trong chuyến hành trình kéo dài hơn hai năm này, ngài đã gặp một vị Tổ sư sống ẩn dật trong hốc núi tuyết và nhận lấy pháp môn của Đức Bồ Đề Đạt Ma chính lý. Điều này được ngài ghi lại trong cuốn nhật ký Tây du Phật quốc của mình: “Ôi nhờ ngài chuyển tư tưởng mở cả trí não của bần đạo, làm cho bần đạo đoạt lý tâm kinh, mới biết đó là đại thần chú của tam thế chư Phật”.
Sau khi về nước, thiền sư Nhẫn Tế đã xây dựng và truyền pháp tại chùa Tây Tạng. Sau khi ngài qua đời, các đệ tử tỏ lòng kính nhớ bằng một hành động đặc biệt nguyện khắc ghi pháp môn của Đức Bồ Đề Đạt Ma: Từ năm 1982 - 1983, 3 nghệ nhân đã tạo tác pho tượng Bồ Đề Đạt Ma có kích thước kỷ lục với chất liệu “cực dị”.
Tượng có chiều cao 2,32m; chiều ngang tính từ túi Càn khôn đến hòm kinh Lăng Già là 1,74m; gồm 3 phần rời nhau, được gắn lại bằng keo dán. Chỉ trừ phần khung được làm bằng sắt, chất liệu chủ yếu bằng tóc, mật rỉ đường và vôi vữa mà trong đó tóc chiếm phần lớn. Lượng tóc được thu nhận từ hàng ngàn phật tử trong suốt nhiều tháng trời. “Các phật tử thành tâm xuống tóc rồi được gom lại. Tổng cộng phải đến hàng chục bao tải tóc được dùng để làm tượng”, một nhà sư cho hay.
Triết lý nhà Phật sâu xa qua bức tượng độc đáo
Pho tượng Bồ Đề Đạt Ma được đặt trang nghiêm trên một bệ thờ ở chính giữa trai phòng phía sau chính điện, trông rất dữ dằn với hình dáng mũi cao, tóc quăn, râu rậm, lông mày xếch ngược, vầng trán nhăn nhíu, đôi mắt to sáng như đang soi rọi vào cõi u tối phiền não.
Thiền sư Thích Thanh Từ giải thích: “Con mắt của ngài rất lạ, tượng Phật thì con mắt phải hiền từ nhưng con mắt của ngài trông chừng chừng dữ dằn quá! Sở dĩ ngài có mắt như vậy bởi tổ Bồ Đề Đạt Ma là người chưa đạt tới sự viên mãn, chưa thành Phật, mới gần đến viên mãn, gần đến mà chưa đến nên đó là giai đoạn cố gắng tối đa, giai đoạn chót rất khó khăn, phải nỗ lực như người leo núi sắp lên tới đỉnh nên ngó trừng mắt lên chứ không phải ngài dữ”
|
Chùa Tây Tạng |
.
Thông thường hình ảnh tổ Bồ Đề Đạt Ma thường được tạo tác đứng trên một cành lau lướt đi trên sông, vai mang chiếc gậy gánh “độc” một chiếc dầy. Thế nhưng pho tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng tóc ở chùa Tây Tạng lại được tạo tác khác với hình tượng thông thường đó. Ngài mặc 3 lớp áo, trong cùng màu trắng, tới màu lam nhạt và ngoài cùng màu nâu, lưng thắt một dải lụa màu xanh, quần dài ống rộng bó gọn trong giầy cỏ, các nếp nhăn của trang phục được gợi tả khéo léo và tinh tế. Trên cổ ngài đeo một vòng tràng hạt lớn, phía sau lại kèm theo một chiếc nón rất đặc trưng Việt Nam. Chiếc gậy của ngài được “cải biên” gần giống chiếc đòn gánh quen thuộc của người nông dân với một bên là túi càn khôn và một bên là hòm Kinh Lăng Già.
Tương truyền, Đức Bồ Đề Đạt Ma có tên tục là Bồ Đề Đa La, là con trai thứ ba của quốc vương nước Hương Chí, nam Thiên Trúc. Sau nhiều năm tu hành, với trí thông minh và ngộ tính tuyệt vời của mình, Bồ Đề Đạt Ma trở thành vị tổ thứ 28 của Phật giáo. Nhớ lời thầy dặn phải xuất dương truyền pháp thì mới nên sự nghiệp vĩ đại nên thầy đã xuống thuyền ra khơi rao truyền Phật pháp. |
“Kinh Lăng Già là một bộ kinh Đại thừa do tổ Bồ đề đạt ma chính tay truyền cho Nhị tổ Huệ Khả. Kinh này đặc biệt nhấn mạnh đến tính giác ngộ nội tại, là đường vào tâm giới, giúp chúng sanh mở được cửa kho tri kiến của Phật. Túi càn khôn thể hiện ngài đã tu hành đạt tới khả năng thâm hậu có thể đi giữa mười phương vũ trụ. Chuỗi tràng hạt lớn chính là thể hiện con đường thiền bằng cách niệm Phật, tay lần chuỗi hạt để có thể diệt trừ phiền não, thoái trị được kết nghiệp, mà đắc được thắng quả vô thượng. Còn lý do lựa chọn tóc làm nguyên liệu chính tạo tượng là do tóc nằm ở vị trí cao nhất của một con người nên đạt tới sự tinh khiết, sạch sẽ. Các phật tử xuống tóc cũng là rũ đi bao nhiêu muộn phiền, bụi trần để đạt tới sự thanh thản tuyệt đối”, Thầy Trì Chánh lý giải.
Theo trụ trì chùa Tây Tạng thì lý do để các phật tử tạo tượng sư tổ Bồ Đề Đạt Ma không chỉ bởi thiền sư Minh Tịnh Nhẫn Tế, người tạo dựng nên chùa đã nhận lấy pháp môn chính lý của Đức Bồ Đề Đạt Ma mà chính đức Bồ Đề cũng là người đã đem Phật pháp đi rao giảng cho các nước miền Đông Thổ. Như vậy việc tạo tác tượng Bồ Đề còn là để tưởng nhớ, biết ơn đến vị sư tổ đã vượt muôn nẻo đường truyền bá đạo pháp, khai sáng. Phật giáo Việt Nam thường tự coi là thuộc các phái Thiền nên ở hầu khắp các chùa đều thờ vị tổ thứ nhất này. Pho tượng nói lên tinh thần của sư tổ chứ không phải tạo tượng để xem chơi, tượng không chỉ đơn thuần là mỹ thuật mà còn ẩn chứa những ý nghĩa triết lý.
Không chỉ được công nhận là kỷ lục Việt Nam, pho tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng tóc ở chùa Tây Tạng cùng với các kỷ lục Phật giáo khác là chùa Một Cột (ngôi chùa độc đáo nhất Việt Nam); chùa Đồng (Thiên Trúc tự, ngôi chùa bằng đồng trên đỉnh núi lớn nhất Việt Nam); hành lang 500 vị La hán dài nhất; tượng Phật Thích Ca bằng đồng được dát vàng lớn nhất còn được đề xuất vào danh sách kỷ lục châu Á.
Quang Toản