Tưng bừng khai biển đầu năm
Sáng mùng 3 Tết Mậu Tuất 2018 (ngày 18/2), những lão ngư trong Ban tế tự vạn chài xã Phổ Thạnh tề tựu đông đủ tại lăng thờ thần Nam Hải để dâng hương cho tàu thuyền được phép ra khơi. Sau đó, các bô lão sang thắp hương khấn cầu Bà Thiên Y A Na tại ngôi miếu phía đông cửa biển. Phần cuối buổi lễ diễn ra trên khu đất rộng với hát sắc bùa, hò bả trạo, múa lân và phát hiệu lệnh xuất hành.
Sau hồi trống lệnh, chiếc tàu cá của ngư dân làm ăn phát đạt trong năm qua được chọn dẫn đầu rẽ sóng vươn khơi. Tiếp đến, hàng trăm tàu cá nối đuôi nhau tiến ra biển trước sự reo hò cổ vũ của hàng nghìn du khách và người dân địa phương. Ra khỏi cửa biển, những tàu cá lượn vòng tròn điệu nghệ vẫy chào đất liền cùng với mong muốn cầu tài lộc cho cả năm.
Hơn nửa thế kỷ là nhân vật chính trong lễ hội cầu ngư, nghệ nhân Nguyễn Thuận bộc bạch: “Ngày mở biển đầu năm có ý nghĩa hết sức đặc biệt, đây chính là ngày mà ngư dân thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với mẹ biển đã che chở cho họ bình yên trở về, khoang thuyền đầy ắp cá tôm sau những chuyến ra khơi lênh đênh trên biển cả. Cầu cho năm đến thuyền ra vào cửa biển an toàn, mưa thuận gió hòa, cá tôm đầy khoang”.
Ông Lê Ơi - Trưởng Ban tế tự vạn chài, cho biết: “Bao đời nay, ngư dân nơi đây bám biển mưu sinh nên lễ hội cầu ngư hết sức thiêng liêng đối với cư dân miền biển. Lễ hội ra quân ngày mùng 3 Tết của ngư dân thể hiện tâm linh cả một năm. Mùa vụ rồi biển giã thanh bình, thành công tốt đẹp và làm ăn trong năm gặp may mắn”.
Theo ông Phan Hiển - Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xã Phổ Thạnh, những năm gần đây, bà con ngư dân xã Phổ Thạnh tiếp tục trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại nhằm khai thác đạt nhiều kết quả khá tốt nên họ rất phấn khởi, hàng chục chủ tàu trong năm đã thu về từ 5 đến 7 tỷ đồng. Trong năm 2018, xã Phổ Thạnh phấn đấu khai thác đạt sản lượng hơn 45 nghìn tấn thủy sản các loại.
Ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho biết: “Đến cuối năm 2017, toàn xã có hơn 1.200 chiếc tàu cá, tổng công suất gần 170 nghìn CV, trong đó có hơn 800 chiếc đánh bắt xa bờ (90 CV trở lên) với công suất trên 140 nghìn CV. Phổ Thạnh là xã có số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản vùng biển xa lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, chiếm khoảng 25% tàu thuyền trong tỉnh. Tổng sản lượng hải sản thu được của xã trong năm 2017 là hơn 45 nghìn tấn, đạt gần 106% kế hoạch năm”.
Nhúng lưới đầu năm lấy hên
Theo ông Ơi, cách đây chừng 300 năm, vào một ngày đầu năm có một ngư dân tên Phò khi thả lưới đã vớt được tượng Bà Thiên Y A Na nên rước về và dân làng đã lập dinh thờ. Từ đó, cứ đến ngày mùng 3 Tết Nguyên đán, ngư dân tổ chức lễ hội cầu ngư và phong tục nhúng nước lưới đầu năm. Ngư dân xa gần nô nức đến tham dự rất nhộn nhịp nhưng không kém phần nghiêm trang.
Hò bả trạo trong lễ hội cầu ngư ở Sa Huỳnh |
Theo đó, từ ngày 30 Tết đến ngày mùng 2 Tết, tất cả tàu thuyền đều tập trung về cửa biển Sa Huỳnh, không tàu nào dám ra khơi. Đến sáng mùng 3 Tết thì bắt đầu tổ chức lễ nhúng nước lưới.
“Ngày trước Trưởng Ban tế tự vạn chài phải ăn chay nằm đất một tuần. Còn nay không nặng nề như vậy nhưng trước một tuần làm lễ nhúng nước lưới, Trưởng Ban tế tự vạn chài không được đi khỏi địa phương và quan hệ nam nữ. Bản thân tôi từ ngày làm công việc này luôn tuân thủ tục lệ”, ông Ơi cho biết.
Tàu thuyền ra khơi đánh bắt ngày mùng 3 Tết, cứ gặp cá là làm, có khi một giờ, nửa ngày nhưng tất đều phải quay về, không dám đi luôn qua ngày thứ hai. Ngư dân ở đây xem đó là việc lấy hên đầu năm. Họ quan niệm rằng, những ai vi phạm tục lệ, biển năm đó sẽ mất mùa, ngư dân ra khơi gặp tai nạn bất thường. Những năm như thế, ngư dân đổ hết tội lên đầu người vi phạm tục lệ, tiếng đời sẽ mãi theo gia đình ấy không dứt.
Ở vạn chài này, ai ai cũng bảo Bà Thiên Y A Na rất thiêng. Ngoài các lễ cúng ngày Tết thì hầu như ngày hoàng đạo ra khơi, 100% thuyền ở Sa Huỳnh đều phải cúng lễ vật tại dinh Bà Thiên Y A Na. Đặc biệt, những ngày cuối năm, không mấy thuyền cá nào dám đậu ngoài cửa biển Sa Huỳnh hoặc nằm ở các cửa biển khác.
Ngư dân trong vùng tâm linh rằng, nếu các tàu thuyền không về cửa biển, không có lòng thành cúng Bà Thiên Y A Na thì sẽ bị “quở phạt” lật thuyền, gặp nạn liên miên. Còn những khi ra khơi, khi tàu thuyền đi ngang dinh Bà Thiên Y A Na, các tài công không bao giờ ngồi ở mũi thuyền và mũi lái cao nhất con thuyền, vì đó là sự không tôn trọng và nhất định sẽ bị “quở phạt”.
Lưu giữ mãi nét đẹp văn hóa của ngư dân vùng biển Sa Huỳnh nói riêng, văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung là việc cần làm của ngư dân Sa Huỳnh. Họ luôn giữ lễ hội truyền thống đánh bắt hải sản đầu năm của ông cha truyền lại và tiếp tục giữ gìn, bồi đắp ý nghĩa nhân văn cao cả thể hiện ý thức tri ân, khát vọng no đủ, ấm no, hạnh phúc, thanh bình.
Và, xuân đã về trên vùng biển Sa Huỳnh lộng gió. Ngư dân nô nức vươn ra biển khơi xa trên tàu cá công suất lớn thay cho những chiếc thuyền chèo thuở trước. Với họ, biển cả cũng là quê hương không thể xa rời. Vậy nên, trải qua bao đời, họ cứ vẫn bám biển, đâu chỉ là mưu sinh.