Đó đây trên khắp nước ta, nhiều lễ hội truyền thống tuy ít người biết tới nhưng rất đặc sắc, giàu ý nghĩa luôn được người dân hào hứng tham gia
Cứ mỗi độ Xuân về cũng là lúc những chàng trai, cô gái người Mông ở huyện Kỳ Sơn - Nghệ An dập dìu kéo nhau về các điểm tổ chức lễ hội ném bo bo tìm bạn tình. “Năm trước, mình đến dự lễ hội bo bo chủ yếu cho vui nhưng năm nay thì để tìm bạn, tìm chồng vì mình đã 18 tuổi rồi” - Lầu Thị Cha, ngụ xã Cắm Muộn, huyện Kỳ Sơn, thổ lộ.
Phiên chợ “đánh nhau” bằng cà chua, trứng thối ở Thanh Hóa. Ảnh: Tuấn Minh |
Trao duyên ở “chợ tình”
Lễ hội ném bo bo của người Mông ở Kỳ Sơn thường được tổ chức từ mùng 1 đến rằm tháng giêng. Trên bãi đất rộng đầu bản, các chàng trai, cô gái xếp thành 2 hàng đứng đối diện cách nhau 5 - 8 m rồi tung quả bo bo qua lại. Quả bo bo hình tròn, đường kính 5 - 7 cm, được làm bằng những mảnh thổ cẩm nhỏ ghép lại theo từng múi khá công phu, ruột độn bông sao cho nặng vừa tay người chơi.
Nam, nữ thanh niên người Mông cùng mang bo bo đến lễ hội. Khi gặp nhau, họ tung bo bo cho “đối tượng” và trao nhau ánh mắt, nụ cười tình tứ. Thoạt tiên, các chàng trai, cô gái chỉ chơi cho vui theo từng nhóm. Sau đó, cặp đôi nào thích nhau sẽ ném bo bo cho nhau. Nhiều thiếu nữ còn chuẩn bị đến 2 - 3 quả bo bo để nếu lạc mất quả này thì còn quả kia, quyết trao cho được chàng trai mình mơ ước.
Trong quá trình ném, khi nhận được quả bo bo của cô gái mà mình thích, chàng trai sẽ giữ lấy làm tín vật chứng minh tình cảm. Đối với các cô gái Mông, việc bị mất quả bo bo là điều may mắn, hứa hẹn trong năm sẽ tìm được người mình yêu thương. Cô nào vẫn còn nguyên quả bo bo mình mang theo thì đành chờ đợi mùa Xuân năm sau sẽ tiếp tục đến lễ hội này để tìm duyên.
Lễ hội ném bo bo mùa Xuân từ lâu đã trở thành phiên “chợ tình” độc đáo của người Mông ở vùng cao Nghệ An. Sau lễ hội, sẽ có thêm nhiều chàng trai, cô gái người Mông bén duyên nhau. Trong đó, nhiều cặp đôi nên vợ thành chồng.
“Đánh nhau”… cầu may!
Cứ vào mùng 6 Tết, chợ Chuộng ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn - Thanh Hóa lại mở phiên duy nhất trong năm để người dân tụ tập… “đánh nhau” cầu may. “Người dân ở đây quan niệm năm nào càng “choảng nhau” to thì mùa màng càng bội thu” - ông Nguyễn Khá, một người cao tuổi ở Đông Hoàng, giải thích.
Chợ Chuộng nằm ở bãi đất rộng ven sông Hoàng. Theo ông Khá, vào thời vua Lê, đúng mùng 6 Tết, có một vị tướng bị giặc đuổi chạy qua đây. Để tránh bị địch phát hiện, vị tướng ra lệnh cho quân sĩ cùng dân làng họp chợ. Giặc đến, tưởng đây chỉ là một phiên chợ quê bình thường nên không đề phòng. Lúc vị tướng phát lệnh tấn công, địch bất ngờ không kịp trở tay và bị giết sạch. Để tưởng nhớ vị tướng đã có công dẹp giặc, vào mùng 6 Tết hằng năm, người dân lại nô nức họp chợ.
Ông Khá cho rằng ngày xưa đánh giặc, ngày nay thì thanh niên làng này “đánh nhau” với làng khác bằng cà chua, trứng thối. “Khi chợ bắt đầu khai hội, từng tốp thanh niên cả nam lẫn nữ của các làng tập trung thành từng nhóm, ném cà chua, trứng thối vào thanh niên làng khác. “Cuộc chiến” diễn ra rất sôi nổi, ai bị dính nhiều cà chua, trứng thối thì năm đó xem như gặp may” - ông Khá cho biết.
Năm nay, mới sáng sớm mùng 6 Tết, người dân đã kéo đến chợ Chuộng đông nghẹt. Hàng hóa mang đến phiên chợ duy nhất trong năm này chủ yếu là sản vật địa phương nhưng có 2 thứ không thể thiếu là cà chua và trứng gà thối - “hung khí” chính dùng để “choảng nhau”.
Ở Đông Hoàng, người dân vẫn truyền miệng câu vè của ông bà xưa: Chết bỏ con, bỏ cháu/ Sống không ai bỏ mồng 6 chợ Chuộng. Họ tâm niệm nếu bỏ lỡ phiên chợ Chuộng thì cả năm ấy làm ăn thất bát, gặp nhiều rủi ro. Tuy nhiên, vài năm gần đây, phiên chợ cầu may đầu năm này có một số biến tướng đáng lo. Nhiều thanh niên của làng này vốn có mâu thuẫn, thù oán với thanh niên làng kia cứ đợi đến lễ hội chợ Chuộng là lại đánh nhau đến sứt đầu, mẻ trán.
Năm nay cũng vậy, trong lúc thanh niên các làng đang ném cà chua, trứng thối náo nhiệt thì ở phía bờ sông, 2 tốp choai choai chừng 20 người mang gậy gộc, gạch đá lao vào đánh nhau hỗn loạn. Đến khi một thanh niên nằm lê lết dưới đất, máu me đầy người và lực lượng công an đến can thiệp, 2 tốp này mới chịu bỏ đi!
Theo Người lao động