Phía sau câu chuyện thuộc loại lạ đời nhất từ trước đến nay: Bà Lâm Thị Đệ (55 tuổi, ngụ ấp Phú Tân, xã Ninh Qưới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) gửi đơn lên Ủy ban nhân dân xã bày xin được cưới vợ hai cho ông chồng năm nay 53 tuổi, phóng viên Pháp luật & Thời đại tìm ra một sự thật bẽ bàng: Đây chỉ là một “chiêu trò” của ông chồng “trăng hoa” muốn “phá đám” người tình cũ.
Đề nghị “thống thiết” trong lá đơn trái luật
Vị Chủ tịch UBND xã Ninh Qưới cho biết, vào khoảng đầu tháng 3/2012, địa phương này nhận được lá đơn của bà Đệ với nội dung bày tỏ ý muốn không muốn bà Danh Thị Xiẹp (53 tuổi, ngụ cùng địa phương) đi… lấy chồng, đồng thời xin cho chồng mình là ông Danh Văn Phương (53 tuổi) lấy bà Xiẹp về chung sống cùng.
Trong lá đơn ký tên bà Đệ, có những lời lẽ bày tỏ nguyện vọng “thống thiết” như: “Kính thưa quý cấp chính quyền cứu xét cho tôi, tôi chỉ yêu cầu cô Xiẹp phải lấy chồng tôi và hai người chung sống suốt đời mãi mãi hạnh phúc. Tôi không có ý kiến gì về việc chồng tôi lấy vợ hai, chỉ cần cô Xiẹp không được lấy ai”.
Lá đơn thuộc loại “quái dị” nhất Việt Nam này khiến người trong vùng xôn xao. Thường chỉ có việc vợ cấm chồng “lằng nhằng ngoài luồng”, chứ sao lại có chuyện vợ viết đơn xin cho chồng lấy thêm “bà hai”. Từ lá đơn trên, chuyện tình “tay ba” giữa 3 người được người ta “móc xích” lại với nhau.
Gia đình của ông Phương và bà Xiẹp vốn chỉ cách nhau một khu vườn nên ngay từ thủa thiếu thời hai người đã thân thiết với nhau. Khu nhà này khá heo hút, cách trung tâm xã mấy cây số, phải qua đò và leo đường đất mấy cây số mới tới nơi. Cuộc sống dường như bị cô lập với bên ngoài cũng chính là điều kiện để hai người thêm thân thiết, gắn bó.
Dân ấp kể, những ngày hai người còn nhỏ, họ thường đi mò cua bắt ốc với nhau ở những con kênh, con rạch gần nhà. Cùng tuổi, cùng cắp sách tới trường làng, ngày nào đôi bạn trẻ cũng tung tăng đến lớp.
Tuổi thơ dần qua, khi anh trai làng Phương đi xa, hai người đã hẹn ước chuyện tình cảm nhưng không hiểu vì lý do gì mà ít năm sau khi trở về làng, ông Phương cưới Đệ chứ không lấy “mối tình đầu” làm vợ. Cũng từ đấy, không hiểu vì lý do gì mà bà Xiẹp không đi lấy chồng. Có người bảo do duyên số chưa đến với bà, nhưng cũng có người bảo do chuyện tình cảm của bà với ông Phương nhiều trúc trắc, éo le; bà còn “vấn vương tình cũ” nên ở vậy mà không muốn đi lấy chồng.
“Tình cũ không rủ mà tới”
Từ giữa những năm 1980, ông Phương và bà Xiẹp đều là những cán bộ của xã Ninh Qưới. Ông Phương từng trải qua nhiều công việc, chức vụ khác nhau như nhân viên địa chính, phó trưởng công an xã. Còn bà Xiẹp từng nhiều năm liền làm cộng tác viên dân số, đi khắp các xóm vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch. Trong thời gian này hai ông bà thường xuyên được tiếp xúc, trò chuyện với nhau, bởi thế việc nảy sinh “tình xưa nghĩa cũ” là điều dễ hiểu.
Về phần bà Lâm Thị Đệ, vợ của ông Phương, bà được người dân trong ấp đánh giá là người sống rất hiền lành, an phận; là người ít nói, cuộc sống chỉ quanh quẩn với ruộng vườn và cơm nước cho gia đình. Bà phát hiện chồng mình có mối quan hệ “đặc biệt” với bà hàng xóm cách đây có đến 20 năm nhưng bà vẫn sống “vô tư” với chồng, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Đầu năm 2012, bà Xiẹp quen biết một người đàn ông chưa vợ, ít hơn bà 12 tuổi ở huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) và hai bên gia đình đã chuẩn bị ngày cưới hỏi. Biết được chuyện này, có lẽ ông Phương nổi ghen. Một số nhân chứng cho biết do không giữ được bình tĩnh, ông đã sang nhà bà Xiẹp than thở, giãi bày tâm sự.
Trong câu chuyện với tình nhân cũ, ông Phương bày tỏ lòng trách móc, hờn giận người tình “phản bội tình xưa nghĩa cũ”; rồi cay nghiệt: “Trước bà bảo yêu tôi mãi mãi và sẽ không đi lấy chồng, sao nay bà bỗng dưng thay đổi tình cảm bất ngờ. Đã yêu tôi sao còn đi lấy chồng nữa?”.
Bị ông Phương quấy rối, tra khảo nhiều lần như vậy nên bà Xiẹp kiên quyết: “Nếu anh cứ nói vậy thì về bỏ vợ đi rồi tôi sẽ lấy anh”. Biết mình không thể bỏ được vợ, nhưng cũng không muốn tình nhân đi lấy chồng, ông Phương trở về nhà và sau đó ít ngày thì xuất hiện lá đơn “ngược đời nói trên”.
"Bóc mẽ" lá đơn trái luật
Ông Quách Văn Vẹn, Bí thư chi bộ ấp Phú Tân cho biết, khoảng giữa tháng 3/2012, UBND xã nhận được đơn thư do bà Đệ ký tên thì đến đầu tháng 4 chính quyền xã phối hợp với ấp Tân Phú tổ chức buổi làm việc với vợ chồng ông Phương bà Đệ.
Trong buổi “hòa giải” này, Trưởng ban Tư pháp xã đã phân tích: Bà Danh Thị Xiẹp tuy tuổi đã ngoài 50 nhưng hiện không có quan hệ hôn nhân với ai nên việc bà chọn lấy ai làm chồng là quyền tự do của bà. Xã cũng thông báo bà Xiẹp và vị hôn phu đã ra chính quyền xã đăng ký kết hôn theo đúng trình tự pháp luật. Bởi vậy việc bà Đệ làm đơn ngăn cản bà Xiẹp kết hôn với người khác là không có cơ sở, trái pháp luật.
Trưởng ban Tư pháp xã cũng phân tích, ông Phương và bà Đệ đang là vợ chồng được pháp luật công nhận, đã có với nhau 3 đứa con khôn lớn. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, mỗi người chỉ được phép có một vợ hoặc một chồng, thế nên việc ông Phương có ý định lấy thêm vợ mới trong khi chưa ly dị với vợ cũ là việc làm trái pháp luật, chính quyền không thể chấp nhận yêu cầu này. Sau khi nghe phân tích, vợ chồng ông Phương bà Đệ đã hiểu ra vấn đề và rút lại đơn yêu cầu. Đồng thời ông Phương ký vào bản cam kết từ nay không được “quấy” người tình cũ, nhất là trong thời gian bà tổ chức đám cưới.
Sau khi vụ việc được giải quyết xong, người dân trong vùng bàn đi tán lại mới lòi ra chi tiết “sự thật thì “chủ nhân” của lá đơn là ai?”. Sở dĩ có thắc mắc này vì bà Đệ mù chữ, hoàn toàn không biết đọc biết viết thì làm sao có thể viết được một lá đơn dài gần 3 trang giấy với những lời lẽ rất hoa mỹ, đĩnh đạc, không sai sót một lỗi chính tả.
Tìm hiểu sâu hơn về việc này, Bí thư chi bộ ấp Phú Tân, ông Quách Văn Vẹn xác nhận: “Bà Đệ bị mù chữ, đến con chữ bẻ đôi cũng không biết viết thì không thể là người trực tiếp viết đơn”. Ông Vẹn cho biết nội dung và suy nghĩ trong lá đơn này hoàn toàn không phải suy nghĩ, nguyện vọng của bà Đệ mà là của ông Phương chồng bà.
“Đến hôm chính quyền mời hai vợ chồng lên xã để giải thích, khi được yêu cầu thuật lại thì bà Đệ không biết nội dung trong lá đơn là gì dù bà ký tên, chỉ khi cán bộ nói ra thì bà mới biết. Ông Phương đã xác nhận rằng do vẫn có tình cảm với người tình cũ nên nghĩ ra cách này để mong người yêu không đi lấy chồng. Ông Phương đã soạn sẵn nội dung đơn rồi nhờ người khác viết lại, sau đó lợi dụng việc vợ thiếu hiểu biết để về nhà “dạy” vợ ký tên vào”, Bí thư Chi bộ ấp cho biết.
Hữu Sơn