Vấn đề được đề cập tại Hội thảo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho DN Việt Nam” do Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế TW (CIEM) tổ chức sáng 19/2, trong khuôn khổ Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).
Dịch chuyển nền kinh tế từ các FTA
Phát biểu tại Hội thảo, tân Viện trưởng CIEM, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, kể từ năm 2012, Việt Nam đã tập trung hơn vào đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới cải thiện chất lượng tăng trưởng cũng như chất lượng công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
“Tăng trưởng kinh tế đã có sự chuyển dịch từ chủ yếu theo chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu. Đặc biệt, sự góp mặt của các FTA cũng giúp Việt Nam mở ra những cơ hội mới…” - Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, CPTPP đã có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tạo thêm xung lực mới cho phát triển thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế tại Việt Nam.
“Tuy nhiên, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích tiềm năng từ CPTPP còn phụ thuộc vào năng lực thể chế, năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng của DN trong nước...” - Viện trưởng CIEM nhận định.
Dẫn chứng trong lĩnh vực thương mại, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, CPTPP ít nhiều đã đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam. Với khối nước tham gia CPTPP, tỷ trọng xuất khẩu (XK) của Việt Nam chiếm gần 30,2% giai đoạn 2007-2008 nhưng giảm dần xuống 23% giai đoạn 2009-2010 và 18% giai đoạn 2011-2018.
Trong năm 2019, năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch XK của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1%, chỉ tăng 1%.
Cũng theo ông Dương, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam đạt khoảng 39% năm 2018-2019. “Hiệp định CPTPP mới bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, do đó tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao ở một số mặt hàng, thị trường. Những ngành có tỷ lệ tận dụng cao như thủy sản, dệt may, da giày…, cũng là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh XK đến nhiều thị trường. Mặc dù vậy, khả năng tận dụng ưu đãi trong CPTPP của DN Việt Nam còn nhiều dư địa để cải thiện, song khó có thể tách rời với việc khai thác các FTA khác…” - ông Dương nhận định.
Tương tự, trong các lĩnh vực thu hút FDI, dịch vụ tài chính, lao động việc làm, môi trường…, cũng có sự chuyển dịch nhờ các FTA, trong đó có CPTPP. Tuy nhiên, việc tận dụng các ưu đãi từ các FTA vẫn còn quá khiêm tốn.
Nhà nước hoàn thiện thể chế, doanh nghiệp chủ động
Theo Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, công tác xây dựng khung khổ pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả CPTPP cho thấy sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động; số lượng các văn bản phải sửa đổi, bổ sung không nhiều do đã có một quá trình dài hoàn thiện pháp luật, bởi việc sửa đổi, bổ sung năm 2019 không chỉ đáp ứng nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế mà còn vì nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nội tại của Việt Nam.
Tuy vậy, ông Dương cho rằng, việc thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP đòi hỏi phải xử lý một số yêu cầu về thể chế, bao gồm hiểu đúng và đầy đủ các nội dung pháp lý trong CPTPP; cải thiện hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan; và kịp thời rà soát và ban hành các văn bản pháp luật thực thi CPTPP.
“Điểm yếu nhất của chúng ta là cam kết thị trường rất nhiều nhưng thực thi chưa tốt. Nhiều địa phương nói chúng tôi làm đúng cam kiết,. Nhưng vấn đề không phải thực hiện theo cam kết mà phải vượt lên nó, phải hiểu hiệu quả nó như thế nào…” - nguyên Phó Viện trưởng CIEM, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, trong khi nhà nước phải cải thiện chất lượng thể chế hơn nữa thì vai trò của DN rất quan trọng. “Thực ra DN Việt Nam đón lõng tốt chứ chưa hẳn xấu. Khi nghiên cứu về CPTPP và ngay cả WTO, tôi nhận thấy nhiều DN đã tận dụng cơ hội ngay trong quá trình đàm phán, như DN ngành điện tử, dệt may, da giày… DN Việt Nam cũng vô cùng lạc quan, điều tra DN nào cũng cho rằng rủi ro nhưng tinh thần hội nhập rất cao. Điểm yếu của DN Việt Nam là lười học, lười nghiên cứu…” - TS Thành phát biểu.
Đồng tìn với quan điểm này, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, để tận dụng được các cơ hội từ CPTPP, các DN còn phải điều chỉnh, xử lý một số vấn đề quan trọng. Như về mức độ hiểu biết, các DN còn quá lưu tâm đến những vấn đề ngắn hạn; mới chỉ hiểu về thuế quan và cắt giảm thuế quan, chứ chưa thực sự hiểu đầy đủ và có hệ thống về các khía cạnh khác như quy tắc xuất xứ, SPS, TBT... và thiếu các thông tin về mạng lưới nhà cung cấp trong nước và ngoài nước.
Về năng lực khoa học công nghệ, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và triển khai, và cải tiến công nghệ còn rất thấp. Trình độ và kỹ năng của người lao động trong khu vực DN; trình độ đội ngũ quản lý, lãnh đạo DN còn hạn chế. DN Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, dù đã có cải thiện quan hệ cung ứng cho DN FDI.
“Tác động của CPTPP đối với DN sẽ tích cực hơn nếu Chính phủ củng cố hơn nữa đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, đồng thời tạo dựng thêm không gian chính sách để hỗ trợ DN…” - ông Dương nhấn mạnh…