Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), chiều nay , 25/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo về Ngành Phân phối – TMĐT - Logistics Việt Nam trước Cơ hội và Thách thức từ Hiệp định CPTPP.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI đã nhấn mạnh, Phân phối – TMĐT - Logistics là các dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế, phục vụ sản xuất hàng hóa.
“Đây là những lĩnh vực có nhiều cam kết đáng chú ý trong CPTPP theo hướng mở cửa thị trường của Việt Nam cao hơn cam kết WTO đặt ra giới hạn đối với quản lý Nhà nước, bảo đảm cạnh tranh và minh bạch của thị trường. Vì vậy, CPTPP được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai thị trường phân phối, TMĐT, logistics Việt Nam…”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.
Đọc Hiệp định CPTTP để chắt lọc những cam kết quan trọng xây dựng Sổ tay cung cấp cho DN, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đã phải thốt lên “đọc không còn khó hiểu nữa là thực thi”…
Liên quan đến dịch vụ logistics, bà Trang lưu ý, CPTPP không có định nghĩa về dịch vụ logistics, và cũng không sử dụng thuật ngữ này trong các cam kết liên quan, mà Hiệp định này chỉ có các cam kết về dịch vụ cụ thể như vận tải, hỗ trợ vận tải… Còn với TMĐT, theo WTO, và các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), TMĐT không phải là một ngành/ phân ngành dịch vụ mà là một phương thức hoạt động thương mại trên nền tảng công nghệ ký thuật số và mạng Internet.
Là một trong só những người trực tiếp tham gia đàm phán CPTPP, ông Ngô Trung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương lưu ý, đối với CPTPP, đàm phám về dịch vụ được thực hiện theo phương thức chọn- bỏ. Có nghĩa nếu không có bảo lưu gì thì Việt Nam phải mở cửa cho nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ từ các nước CPTPP khác phù hợp với các nghĩa vụ/nguyên tắc mở cửa cơ bản; Nếu có bảo lưu, thì ở khía cạnh có bảo lưu, Việt Nam được quyền không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ/nguyên tắc mở cửa liên quan, mà chỉ mở cửa ở mức như bảo lưu.
“Chính vì vậy các DN cần phải nắm rõ những nội dung cam kết để tận dụng tối đa cơ hội”, ông Khanh đưa ra lời khuyên.
Chia sẻ về những chuyện “bếp núc” trong đàm phán, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trước đây đàm phán theo kiểu báo công, có nghĩa là cho 10 đồng tiêu càng ít càng tốt, nội dung nào bảo lưu được càng lâu càng tốt.
“Chính vì vậy khi đàm phán WTO, dịch vụ rác thải bảo lưu tận 7 năm. Nhưng chỉ 2 năm sau khi WTO có hiệu lực, một nhà đầu tư quan tâm đến dự án xây dựng nhà máy rác thải ở Bình Dương trị giá 100 triệu USD nhưng họ muốn thành lập DN 100% vốn nước ngoài. Chiếu theo cam kết WTO không đáp ứng được, do đó chúng ta bỏ lỡ cơ hội tốt”, ông Khanh nhớ lại và cho biết, rút kinh nghiệm, sau đó, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ KHĐT khi đó là ông Bủi Quang Vinh, trong các lần đàm phán sau, đoàn đám phán chú ý hơn đến tính thực tế trong nước, cân nhắc và tham vấn xem liệu DN có cần bảo lưu không, không phải cứ bảo lưu là tốt.
“Phái nói là đoàn đàm phán rất “hổ báo” để có những cam kết tốt, làm sao DN tận dụng được những cam kết đó?”, Giám đốc Trong tâm WTO và Hội nhập, bà Nguyễn Thị Thu Trang trăn trở.
Trả lời cho câu hỏi, liệu các DN ngành bán lẻ có vui mừng với các cam kết CPTPP không, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng câu trả lời có nhiều sắc thái. Từ sắc thái vui mừng đến sắc thái không quan tâm lắm, cho đến sắc thái hết sức lo sợ, e ngại.
“Người lo lắng e ngại là do chưa được cập nhật thông tin, trong đó có lỗi của Hiệp hội chúng tôi. Có không ít Hội viên lo lắng khi Việt Nam ký nhiều Hiệp định. Họ nói, mở cửa tan hoang để Tây vào xâu xé, chiếm lĩnh thị trường của chúng ta mất.. Còn một bộ phận nhỏ không quan tâm. Cũng không trách được DN, bởi mới Nghị định ra đã ngất luôn rồi huống hồ DN còn 100 thứ phải lo, nên DN không có hiểu biết để quan tâm. Chúng tôi thấy phải có trách nhiệm hơn!”, bà Loan chia sẻ.
Tuy nhiên có một bộ phận DN rất mừng khi FTAs được ký kết, theo bà Loan, đó là các DN hiểu biết, họ rất tích cực, chờ đón, với một thái độ bình tĩnh, tự tin. “Không quá tin tưởng các con số màu hồng, nhưng ngành bán lẻ vẫn đang phát triển. Cộng đồng DN giờ đây khác hẳn 10 năm trước. Họ không quá lo sợ, không tự bó tay bó chân để không dám chủ động hội nhập …”- Bà Loan phát biểu.
Với câu hỏi: “Kết quả cam kết CPTPP có đúng như kỳ vọng hay không?”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam thẳng thắn: “Nói thay cả ngành khó bởi có người trách tôi sại sao ủng hộ DN nước ngoài. Nhưng dưói góc độ một người am hiểu lĩnh vực TMĐT, tôi có thể khẳng định, việc có lĩnh vực TMĐT trong một chương của CPTPP là một điều đáng mừng. Nếu Mỹ sau này có tham gia CPTPP tôi tin cũng không thay đổi gì nhiều. Với CPTPP chúng tôi yên tâm, ít ra từ nay đến năm 2025, trong khi CPTPP tầm nhìn vượt qua cả năm 2025. Vấn đề còn lại là DN Việt Nam có tận dụng được cơ hôi mà CPTPP mang lại hay không?”.