Thực hành ESG từ những việc nhỏ nhất…
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân) cho biết, hiện tại, Việt Nam đang có 2 loại hình doanh nghiệp triển khai ESG. Bao gồm những doanh nghiệp (DN) đang kinh doanh trong những lĩnh vực khá truyền thống, như xây dựng, công nghiệp hỗ trợ... do thấy được bước chuyển của thị trường, của nhà mua quốc tế, của luật pháp, không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải nghiên cứu tích hợp ESG vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với loại hình này, việc chuyển đổi của DN không hề đơn giản bởi tích hợp những yếu tố ESG vào hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống rất khó khăn do “truyền thống” thâm dụng lao động, tài nguyên thiên nhiên để lại.
Loại hình DN còn lại là những DN ngay từ ngày đầu hoạt động đã gắn với khái niệm “sinh thái” và “bền vững”. Sự lựa chọn này cũng không dễ bởi hàng loạt các tiêu chí gắn với ESG, do vậy bắt buộc chủ DN phải rất kiên trì theo đuổi.
Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Shinec, là đơn vị xây dựng và vận hành Khu công nghiệp (KCN) sinh thái Nam Cầu Kiền cho biết, thế giới đã quá quen thuộc với ESG, các DN đầu tư nước ngoài (FDI) cũng sẽ lựa chọn đi theo mô hình này. Ông nhận thấy, nếu thực hành phát triển bền vững, DN của ông sẽ có sự cạnh tranh hơn và sẽ là sự lựa chọn của các DN FDI. Do đó, Shinec đặt mục tiêu thực hành ESG ngay từ ban đầu.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, ESG là một hành trình dài và khó, trong đó cần phải lường trước khó khăn về chính sách vì chính sách hiện chưa tích hợp đầy đủ các luật với nhau. Về phần mình, Shinec gỡ khó khăn bằng cách đi từ thông tư hướng dẫn để có hành lang pháp lý. Sau đó, Shinec truyền cảm hứng để tất cả mọi người trong công ty đều tham gia, bởi một mình chủ DN muốn thì không thể thực hiện được.
Và cuối cùng là thuyết phục để các DN FDI cùng tham gia xây dựng. Để thuyết phục được Shinec đã “tích hợp” đủ dịch vụ giúp các DN FDI trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến máy móc, thiết bị và “mời” họ cùng trồng cây với mình trong KCN, xây dựng cả hệ thống cảnh quan cây vườn…
Bà Phạm Thị Thu Trang - Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất gia công và Xuất nhập khẩu Hanel (XNK Hanel) cũng cho biết, để thuyết phục được các khách hàng khó tính nhập khẩu thiết bị máy móc của mình, XNK Hanel đã thông tin đến khách hàng không chỉ chất lượng, giá cả mà cả văn hóa DN của mình, trong đó bao gồm “cả hệ thống cùng thực hành ESG”.
Theo đó, XNK Hanel xây dựng bảng sự nghiệp tiến bộ hàng năm, trong đó có đánh giá cụ thể về ESG, để từ người bảo vệ cũng biết sẽ phải thực hành tiết kiệm năng lượng như thế nào, nhân viên tạp vụ cũng phải biết tiết kiệm giấy vệ sinh để bảo vệ môi trường…
Doanh nghiệp phải quyết tâm thực hành…
Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn SPT cho biết, SPT đã và đang thực hành ESG từ chính những người lãnh đạo và truyền cảm hứng đến các đối tác, bà con nông dân để cùng bảo vệ môi trường, bảo vệ màu xanh cho các vùng biển.
Đáng chú ý, bà Bình cho biết, một số ngân hàng quốc tế, một số tổ chức quốc tế đã bày tỏ mong muốn cùng SPT tiếp tục những công việc mà SPT vẫn đang “cặm cụi, kiên trì đi”, trong đó có một tổ chức của Bỉ đã chính thức tham gia cùng một dự án của SPT.
“Chúng ta có khả năng thu hút tốt nhưng thực sự là phải làm thật, chỉ cần làm thật thì DN sẽ không phải “chiến đấu” với ESG mà đang đồng hành với ESG, dù chậm. Và khi làm thật, chúng ta sẽ trở thành “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn xanh” - bà Bình khẳng định.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cũng cho biết, hiện một số ngân hàng nước ngoài và tổ chức quốc tế đã tiếp cận và bày tỏ định hướng đường đi khi DN Việt chủ động thực hành ESG. Một số DN được trao giải thưởng Sáng kiến ESG 2023 cũng đã nhận được nhiều nguồn vốn quốc tế từ những giá trị mà DN tạo dựng được cho cộng đồng, môi trường…
Do đó, theo bà Thủy, quan trọng là DN quyết tâm làm, bởi khi quyết tâm làm thì DN có thể hút được nhiều nguồn vốn xanh và có thể đổi ngôi, sẽ ở vai “lựa chọn khách hàng”.
Dẫn câu chuyện để khẳng định “quyết tâm làm là được”, bà Thủy kể, 2 năm trước, trong khi các DN dệt may Việt Nam đang “đoán giá đoán non” về nguyên nhân xuất khẩu dệt may của Bangladesh vào Mỹ tăng đột biến đến 54% thì một DN Việt “cỡ vừa và lớn” quyết tâm sang tận nơi tìm hiểu.
Nguyên nhân được nhận diện là do DN của Bangladesh đã đạt được một chứng chỉ xanh của Mỹ. DN Việt này trở về và hạ quyết tâm “phải đạt được chứng chỉ” dù chứng chỉ đòi hỏi rất nhiều tiêu chí và không dễ để đạt được. Và DN dệt may này đã ở vai “được quyền chọn nhà mua quốc tế” khi sở hữu chứng chỉ hiếm so với các DN khác trên cùng thị trường.