Mang trong mình giai thoại về thức uống của bậc vua chúa từ xa xưa, Thạch Cổ Trà đang nỗ lực trên hành trình hoà quyện nét đẹp lịch sử với các giá trị hiện đại, không chỉ làm sống lại hương vị từ quá khứ mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen cây trà cổ thụ quý cũng như nghề chế biến thủ công truyền thống tại Việt Nam.
Bảo tồn di sản trà
Thạch Cổ Trà được ra đời năm 2019, là thương hiệu trà lên men (Phổ Nhĩ) sản xuất tại Việt Nam, có thể tồn tại hàng trăm năm, được chế tác công phu từ nguyên liệu trà cây nguyên sinh cổ thụ hàng trăm năm tuổi từ rừng trà lạnh Túng Sán, Hoàng Su Phì.
Ở độ cao 1.200m - 1.800m, nằm lọt giữa hai dãy núi lớn là Tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi, ngủ trong mây mù, rừng trà lạnh Túng Sán trở thành một vùng vi khí hậu đặc biệt với gió cuộn thổi suốt sớm, tối và luôn duy trì nền nhiệt thấp hơn 5 độ C so với các khu vực xung quanh. Trên hai sườn dốc núi, nhiều đá, ít đất, thổ nhưỡng giàu khoáng chất là nguồn dinh dưỡng vun bồi cho rừng trà cây nguyên sinh hiếm hoi. Những cây trà mạnh mẽ nhất, trải qua chọn lọc tự nhiên, ăn sương, cắm rễ sâu xuống kẽ đá, hút khoáng suốt cả nghìn năm. Ăn trong mây, uống trong sương, ngủ trong mù, hiếm nắng và giá lạnh hơn, nên những cây trà cổ thụ hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới, sinh trưởng chậm, tích tụ nội chất mạnh mẽ và có hương vị đậm đà.
Trà Thạch Cổ được chế biến từ nguyên liệu trà lạnh nguyên sinh Tùng Sán, được hái thủ công và lên men theo phương pháp cổ truyền độc đáo của Việt Nam, cho phép hương vị của trà phát triển theo thời gian, có khả năng trở nên phức tạp và tinh tế hơn khi ủ lâu. Trong tay những nghệ nhân lành nghề, búp và lá trà Thạch Cổ trải qua một quá trình biến đổi đáng kinh ngạc. Họ đã và đang hồi sinh di sản của “Hoàng đế Phổ Nhĩ” thành Thạch Cổ Trà huyền thoại.
Khối trà hình cầu đầy cảm hứng này làm lu mờ trà cống Mĩ Nhân Đầu truyền thống (chỉ dành cho Hoàng Đế), đạt đường kính ấn tượng 40 cm và nặng hơn 16 kg. Chế tác trà Thạch Cổ là bảo chứng cho truyền thống, kỹ năng và sự kiên nhẫn. Toàn bộ quá trình phức tạp, đòi hỏi sự kiểm soát chính xác và chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết ở mọi giai đoạn. Thách thức cả những bậc thầy trà giàu kinh nghiệm, vì chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ mẻ trà. Thời gian đầu tư cũng đáng kể. Hơn 1.000 giờ làm việc tận tụy được dành để chế tác một khối trà Thạch Cổ duy nhất, tiếp theo là nhiều năm ủ để trà đạt đến tiềm năng tối đa.
Trà nước đầu, không hề nhạt hay là “nước thức trà” thông thường mà dâng lên hương và vị đậm đà, tuyệt diệu, dư vị thanh tao, sảng khoái. Trà nước hai là hương vị đậm đà, mật ngọt, thoảng hương hoa rừng. Trà nước ba là hương vị độc đáo chỉ có trong những lá trà thấm sương giá của khu rừng ngàn năm tuổi, hậu vị ngọt đậm đà. Trà nước thứ tư, màu nước đã nhạt dần nhưng dư vị ngọt ngào, thơm tho vẫn vấn vương.
Người sành trà không uống mà họ nếm hương trà, thưởng trà bằng tất cả các giác quan. Hương trà thông thường được chia thành 5 cấp độ: Hương thoảng trên nước, hương hòa vào nước, hương chứa trong nước, hương sinh ra từ nước và hương đồng nhất với nước. Thạch Cổ Trà với phương pháp lên men bí truyền đã phá vỡ bức màn bí ẩn của trà Phổ Nhĩ, kết tinh 7 loại hương thơm thuần khiết, quá trình lên men tiếp tục chuyển hóa thành hương hoa, hương trái cây, hương mật ong, hương mận, hương mơ, hương gỗ và cuối cùng hòa quyện thành một hương thơm tinh khiết, lâu năm.
Nâng cao giá trị cộng đồng
Ông Nguyễn Đăng Bền - Nhà sáng lập Thạch Cổ Trà chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn đưa các kết tinh văn hóa trong di sản Bếp cát của Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), cùng phương pháp nấu trà của nhà Tống (Trung Hoa), để tạo nên một phong cách thưởng thức khai thác trọn vẹn những giá trị của phẩm trà Phổ Nhĩ Thạch Cổ lên men sâu mê hoặc và khác biệt.
Trà không chỉ để uống mà tạo thành một tài sản có giá trị để trao đổi... thông qua đó lưu giữ những giá trị thiên nhiên của khu vực khai thác (rừng trà lạnh). Từ đó, nâng được giá trị thương mại của trà cổ thụ Việt Nam lên, gián tiếp hỗ trợ cho các chương trình phát triển bền vững sinh kế của đồng bào miền núi (biên viễn), gắn bó với cây trà cổ thụ, bảo vệ nguồn gen quý của Việt Nam và nghề làm trà truyền thống.
“Nếu làm được điều này sẽ giúp cho thị trường trà Việt Nam giải quyết được 2 vấn đề lớn nhất, đó là: Việt Nam là nước có sản lượng xuất khẩu trà “top” đầu thế giới, nhưng giá trà Việt Nam lại thấp nhất thế giới (trung bình chỉ 1,75USD/kg). Lý do bởi, chất lượng chế biến kém và còn sử dụng hóa chất trong trồng trọt (một số thị trường coi là “trà bẩn”), vô hình trung ảnh hưởng đến thương hiệu trà cũng như thương hiệu quốc gia.
Bên cạnh đó, thói quen chế biến và sử dụng trà của Việt Nam từ hàng trăm năm nay là trà diệt men, người Việt Nam thiếu thông tin tiếp cận trà lên men, trong khi trà lên men mới đem lại nhiều tác dụng cho sức khoẻ nhờ giá trị dược tính cao. Do đó Thạch Cổ Trà mong muốn thay đổi thói quen sử dụng của người Việt Nam, chú trọng đến phẩm trà lên men mang lại hiệu quả chăm sóc sức khỏe” - ông Bền chia sẻ
Cách tiếp cận với trà theo hướng này tại thị trường Việt Nam là điều mới và chưa có đơn vị tập trung làm hoặc cũng chỉ được đề cập trong chuỗi sản phẩm. Riêng Thạch Cổ Trà là thương hiệu theo đuổi duy nhất dòng trà này và đó cũng là thách thức lớn trong hoạt động kinh doanh bởi sự hạn chế trong số lượng sản phẩm. Tuy nhiên, với những giá trị cộng đồng đã trở thành mục đích cũng như mục tiêu trong hoạt động kinh doanh, Thương hiệu vẫn kiên trì với định hướng này và đang ngày càng nhận được nhiều sự công nhận từ khách hàng và toàn xã hội.
Những cây trà hiếm hoi, quý và sạch nhất còn sót lại trên hành tinh, vươn cao kiêu hãnh. Có cây tuổi đời lên đến cả nghìn năm, chúng thuộc giống C. Sinensis var. Assamica của Nam Vân Nam. Loài bản địa này phát triển mạnh mẽ trong dải núi trải dài từ biên giới Việt Nam và Lào đến miền Bắc Myanmar và phía Nam Vân Nam, một vùng đất gắn liền với huyền thoại trà Phổ Nhĩ.