Trước áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá…, một số doanh nghiệp chọn giải pháp bảo toàn vốn bằng cách đem tiền đi gửi tiết kiệm.
"Chia sẻ" lợi nhuận với ngân hàng
Trong lúc tìm hiểu về việc các ngân hàng “quán triệt” yêu cầu “không được tăng lãi suất vượt quá 14%/năm”của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), PV tình cờ chứng kiến cảnh một doanh nghiệp (DN) “ôm” tiền đến ngân hàng gửi tiết kiệm. Tất nhiên, sổ tiết kiệm ghi tên cá nhân.
Nhân viên của Phòng giao dịch này dường như đã quen với người gửi tiền và trước khi ra về còn biếu khách hàng 2 quyển lịch: “Một quyển biếu chú, còn một quyển công ty”. Tại sao nhiều DN phải vay ngân hàng với lãi suất cao thì DN này chấp nhận gửi tiết kiệm chỉ với lãi suất 14%/năm?.
Thực tế, hiện nay có hiện tượng một số DN lớn lấy tiền vay với lãi suất ưu đãi để đem gửi ở ngân hàng khác có lãi suất cao hơn nhằm ăn chênh lệch. Số này tuy không nhiều nhưng theo TS.Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, hiện tượng này có thể gây nên những hệ lụy không tốt, thậm chí có thể gây “méo mó” thị trường. |
Khi được hỏi có nhiều DN gửi tiền không, nhân viên một phòng giao dịch của một ngân hàng trên đường Xã Đàn (Hà Nội) cho biết, rất ít DN đứng tên trên sổ tiết kiệm, nhưng để nhân viên đứng tên gửi tiền là chuyện bình thường. Đặc biệt, hôm lãi suất lên “đỉnh” 18%, rất nhiều DN đã tranh thủ cơ hội cử người mang tiền đến nhà băng.
Thường những trường hợp này, kỳ hạn gửi thường là 1 tháng, lãi suất vừa cao, vừa chủ động rút được tiền khi cần. Nhân viên các phòng giao dịch cũng không khó khăn gì để biết người gửi tiền là khách hàng cá nhân có tiền đem gửi hay DN gửi tiền đứng tên cá nhân, bởi đều là khách quen của ngân hàng…
Áp lực
“Chi phí đầu vào đã tăng gấp rưỡi so với năm 2009 nhưng giá bán sản phẩm không thể đuổi theo. Tăng giá là khó bán, trong khi hàng nhập khẩu ngày một nhiều”, Giám đốc đốc của một công ty sản xuất hàng tiêu dùng và hàng gia dụng trần tình. Lạm phát, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, tỷ giá tăng đang đặt các DN trong nước trước áp lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Trường, các DN cố gắng giảm tối đa chi phí quản lý, chi phí vận chuyển, triệt để tiết kiệm năng lượng… Tuy nhiên, mọi biện pháp tiết giảm chi phí có thể thực hiện được thì các DN đều đã áp dụng từ năm 2008, đến bây giờ không thể giảm hơn được nữa nhưng DN vẫn cố gắng tối đa. Bên cạnh đó, mọi DN, từ nhỏ đến lớn đều cố gắng tăng lương để giữ người lao động.
“Tình hình đang ngày một khó, chi phí tăng, lãi ít, giá cả tăng thì tồn kho tăng lên. Những DN yếu thế khó khăn sẽ bị đình đốn sản xuất, công nhân mất việc làm, thu nhập, sức mua kém, đó là điều hiển nhiên”, ông Nguyễn Hoàng Lưu, Chủ tịch Hội DNNVV Hà Nội cho biết. Theo ông Lưu, những biện pháp DN đang thực hiện, mọi nỗ lực của DN lúc này chỉ mang tính chất tình thế để trụ vững trong cơn lạm phát. Điều đáng lo là DN không còn sức, không còn những yếu tố để phát triển bền vững, đảm bảo ổn định lâu dài.
“Một khi DN không biết làm gì, phải mang tiền đến gửi tiết kiệm thì đây là tín hiệu không tốt của nền kinh tế. Tuy nhiên, đây là giải pháp mạo hiểm bởi thực tế không ít tranh chấp liên quan đến tiền việc cá nhân đứng tên gửi tiền cho DN…”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Cho dù tự thân nỗ lực DN vẫn có thể vượt qua, nhưng DN mong muốn, Chính phủ tiếp tục các biện pháp hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Sự hỗ trợ của Chính phủ mà DN mong đợi, đó là thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đó là chính sách phát triển khâu phân phối, tạo điều kiện cho DN đầu tư đổi mới công nghệ tăng năng suất, gia tăng giá trị gia tăng…
Tuy vẫn là những biện pháp không mới, nhưng DN mong chờ sự đổi mới trong cách thực hiện ở các cơ quan chức năng, sự phân bổ công bằng các nguồn lực để mở rộng số DN được tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.
Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, giá nhập khẩu bình quân một số mặt hàng trong tháng 11 đã tăng khá nhiều so với tháng 10/2010: phôi thép tăng 3,42%, bông tăng 15,20%, xăng dầu tăng 4,51%, phân urê tăng 25,64%, gas tăng 9,95%, giấy tăng 26,49%... Tuy chưa đưa ra tỷ lệ giá sẽ tăng bao nhiêu nhưng theo dự báo của Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính trong tháng 12, giá gas, thép, giá thức ăn chăn nuôi, phân urê… sẽ tiếp tục tăng. Giá vốn cũng được nhiều người dự báo khó giảm, lãi suất cho vay phổ biến hiện nay đã ngấp nghé 20%. Khi dự báo tình hình giá trong tháng 12, Cục Quản lý giá đã đưa ra cả những yếu tố tác động tăng giá lẫn yếu tố tác động kiềm chế giá. Khác hẳn những tháng trước đây, những yếu tố có tác động kiềm chế tăng giá được nêu ra đều là những tác động chủ quan từ biện pháp hành chính như cam kết giữ ổn định giá xi măng, giấy, phân bón… tăng các điểm bình ổn giá, cân đối cung cầu và tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và các yếu tố cấu thành giá…