Theo đại diện Tổng cục Thuế, quy định hiện hành về in, phát hành, sử dụng hóa đơn được xây dựng cơ bản để áp dụng quản lý đối với hóa đơn giấy, mặc dù đã có quy định về HĐĐT nhưng chưa bắt buộc áp dụng rộng rãi mà vẫn cho phép DN được sử dụng đồng thời nhiều hình thức hóa đơn nên đa số các DN vẫn lựa chọn sử dụng hóa đơn giấy, chỉ một số ít DN lựa chọn áp dụng HĐĐT.
Việc áp dụng HĐĐT đặc biệt là HĐĐT có mã của cơ quan thuế (CQT) trong thời gian qua cho thấy áp dụng HĐĐT giúp giảm thời gian làm TTHC của DN và CQT, giảm chi phí cho DN, khắc phục tình trạng làm giả hoá đơn, khắc phục gian lận về hoá đơn, giảm chi phí lợi ích cho toàn xã hội.
Thực tế cho thấy quy định hiện hành về hoá đơn đã không còn phù hợp với bối cảnh triển khai TTHC điện tử, vì vậy cần phải hoàn thiện hơn nữa quy định về hoá đơn, chứng từ theo hướng điện tử hoá, quy định rõ các DN phải sử dụng HĐĐT trong giao dịch bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ để khắc phục những gian lận trong việc sử dụng hoá đơn giấy, nâng cao tính cạnh tranh của toàn nền kinh tế, góp phần ứng dụng quản lý thuế (QLT) hiện đại, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoá đơn để góp phần xây dựng CQT điện tử.
Thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh năm 2017 và định hướng năm 2020, thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN, dự thảo Luật QLT đã bổ sung quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử.
Theo kế hoạch, cuối tháng 8 này Dự thảo Luật QLT sẽ được Chính phủ, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật này vào kỳ họp cuối năm nay và thông qua tại kỳ họp đầu năm sau. Dự kiến Luật QLT sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2020.
Song song với việc xây dựng Dự thảo Luật QLT, Tổng cục Thuế cũng đang đang xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định về hóa đơn bán hàng hóa cung ứng dịch vụ (Nghị định 04/2014/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 51/2010/NĐ-CP). Dự kiến Dự thảo Nghị định này sẽ được Chính phủ ký ban hành cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9.
Với mục tiêu lớn nhất là áp dụng HĐĐT trên phạm vi toàn quốc, Dự thảo Nghị định về HĐĐT quy định người bán hàng hóa dịch vụ là DN phải sử dụng HĐĐT. Trong đó, các DN kinh doanh ở các lĩnh vực điện; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; thương mại điện tử; siêu thị…, thì được sử dụng HĐĐT không có mã của CQT (trừ trường hợp đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của CQT) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Đối với các tổ chức kinh tế còn lại, DN thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì sử dụng HĐĐT có mã của CQT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Dự thảo cũng quy định, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên phải sử dụng HĐĐT có mã của CQT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng có doanh thu năm liền trước liền kề từ 1 tỷ đồng trở lên cũng phải sử dụng HĐĐT có mã của xác thực được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với CQT hoặc HĐĐT có mã của CQT được khởi tạo từ thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt có kết nối với ngân hàng.
Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc phải sử dụng HĐĐT, nhưng có yêu cầu thì được sử dụng theo quy định. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh không có đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để tự khởi tạo HĐĐT, nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng thì được CQT cấp HĐĐT có mã xác thực theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi CQT cấp HĐĐT theo từng lần phát sinh.
Để khuyến khích các DN sử dụng HĐĐT, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định, Tổng cục Thuế sẽ cung cấp HĐĐT có mã xác thực không thu tiền đối với các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã tại địa bàn có điều kiện kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn, trừ DN hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; các DN, tổ chức kinh doanh thực hiện chương trình khởi nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư, hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành DN trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập; hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 3 tỷ đồng trở lên trong thời gian 12 tháng kể từ ngày sử dụng HĐĐT; các DN nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ và quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ về HĐĐT và HĐĐT có mã xác thực được thu tiền dịch vụ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký giữa tổ chức cung cấp dịch vụ và bên nhận dịch vụ.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu