[links()] Tòa là cơ quan duy nhất có thẩm quyền tuyên bố phá sản một DN, tuy nhiên, do những quy định “đánh đố” của Luật Phá sản, dù “khai tử” hàng loạt nhưng cho đến nay không nhiều DN được “ra đi” một cách hợp pháp.
Ảnh minh họa. |
29.000 tỷ “cứu” được bao nhiêu doanh nghiệp?
Với “gói cứu trợ” trị giá 29.000 tỷ đồng liệu, bao nhiêu doanh nghiệp (DN) sẽ “bật dậy”, “sống lại”? bao nhiêu DN dù gắng gượng cũng chẳng thế duy trì “sự sống”? Hàng loạt con số về “khai tử” DN đã được được ra, 12.000, 49.000, 79.000…., dẫu chưa thống nhất, song cũng đã báo động một thực tế là cơn suy thoái đang kéo theo mình hàng vạn giấy đăng ký kinh doanh.
Theo kết quả điều tra 8.373 DN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa kết thúc vào ngày 29/4/2012 cho thấy, đa phần DN phá sản do thua lỗ thuộc về khu vực ngoài nhà nước. Trong số 706 DN phá sản, giải thể thuộc mẫu điều tra, có 69,4% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ; 28,4% DN thiếu vốn để sản xuất kinh doanh; 15,1% không tiêu thụ được sản phẩm; 11,7% khó khăn về địa điểm sản xuất; 4,4% DN chuyển đổi ngành nghề và 4,7% do sáp nhập với DNkhác.
Đặc biệt, theo kết quả điều tra này, có tới 89,7% DN trong số bị phá sản sẽ không tiếp tục thành lập DN mới. Trong số có thể sẽ tiếp tục kinh doanh còn lại, thì trên 33% cho biết sẽ thành lập mới DN ngay trong năm 2012.
Đánh giá về các yếu tố cản trở đến sản xuất kinh doanh của DN, đứng đầu vẫn là lãi suất vay quá cao (chiếm 27,5%); lạm phát cao và biến động bất thường (19,2%), tiếp cận vốn khó khăn (17,5%); chi phí vận tải cao (9,6%); điện cung cấp không ổn định (7,1%) và chính sách điều hành kinh tế không ổn định (7%). Đặc biệt, hiện có tới 70% DN đang phải vay với lãi suất trên 17%/năm, thậm chí có tới 15,7% doanh nghiệp đang vay với lãi suất trên 20%....
Không được “chết”?
DN “khai tử” hàng loạt từ đầu năm tới nay, nhưng con số từ tòa án dường như lại không phản ánh được thực tế này. Theo quy định pháp luật hiện hành, Tòa là cơ quan duy nhất có thẩm quyền tuyên bố phá sản một DN, tuy nhiên, do những quy định “đánh đố” của Luật Phá sản, cho đến nay không nhiều DN được “ra đi” một cách hợp pháp.
Luật Phá sản được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2004 , thay thế Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, sau 7 năm thực hiện, luật này đã bộc lộ quá nhiều vướng mắc, bất cập.
Đơn cử, Điều 13 về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ quy định, khi nhận thấy DN, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì các chủ nợ không có bảo đảm hoặc có một phần đều có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN, hợp tác xã đó. Người nộp đơn phải nộp chứng cứ chứng minh. Dựa trên căn cứ tài liệu, giấy tờ đó Tòa sẽ xem xét mở hay không mở thủ tục phá sản.
Theo Điều 22, sau khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu thấy cần sửa đổi đơn, bổ sung tài liệu thì Tòa án yêu cầu người nộp đơn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.
Theo thẩm phán Phạm Tuấn Anh – Chánh tòa kinh tế TAND TP.Hà Nội - quy định trên là bất khả thi. Bởi lẽ, người yêu cầu mở thủ tục phá sản thường rất khó tự thu thập chứng cứ.
Thậm chí, ngay cả khi Tòa án yêu cầu người rơi vào tình trạng phá sản nộp chứng cứ thì họ cũng còn bất hợp tác, huống hố đặt ra cho chủ nợ thời hạn cung cấp tài liệu vỏn vẹn 10 ngày. Công tác thu hồi, xử lý tài sản nợ đối với DN bị mở thủ tục phá sản trên thực tế cũng nảy sinh nhiều bất cập. Vì DN gắn liền với nhiều mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp đồng mua bán, trao đổi hàng hóa qua lại với nhiều đối tác và trải rộng ở nhiều địa phương trong cả nước.
Trong mối quan hệ thương mại, các DN, cá nhân có thể đồng thời là chủ nợ hoặc con nợ của nhau. Nếu là chủ nợ của DN lâm vào tình trạng phá sản thì họ “sẵn lòng” báo cáo cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản liệt kê vào danh sách, chờ khi có phương án phân chia tài sản mong có thể để được nhận lại toàn bộ hoặc một phần; ngược lại, nếu con nợ thì lại thường tìm mọi cách để né tránh, cho nên công tác thu hồi nợ vô cùng khó khăn, nhiều khi không khác gì “mò kim đáy biển”.
Hay như Điều 35 về xử lý các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố. Đã xảy ra nhiều trường hợp: DN thuê đất của Nhà nước, cầm cố vay vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng để sản xuất kinh doanh, đến khi lâm vào tình trạng phá sản, Tòa án đang giải quyết thì cấp có thẩm quyền lại ra quyết định thu hồi đất, khiến vụ việc rơi vào bế tắc.
Đến lúc sửa luật
Ông Phạm Tuấn Anh xác nhận thực tế, năm nay, con số DN “tê liệt” sản xuất, kinh doanh khá nhiều nhưng đến nay Tòa chưa hề tuyên bố phá sản vụ nào, vì những khó khăn kể trên. Theo luật sư Trần Minh Hải, phải sửa luật sao cho quan tòa, DN phá sản và cả chủ nợ thấy được rằng phá sản DN là chuyện bình thường trong nền kinh tế lành mạnh.
Theo đó, Tòa án cần có sự linh hoạt khi xử lý các vụ phá sản, chỉ cần kiểm tra tính hợp pháp của yêu cầu phá sản, không ngại việc (vì có những vụ phá sản kéo dài nhiều năm), cần rút gọn quy trình, thủ tục...
Một thẩm phán TAND TP.Hà Nội cũng cho hay, sở dĩ Luật Phá sản không đi vào cuộc sống vì còn nhiều điều bất cập. Theo vị này, Điều 3 Luật Phá sản quy định: “DN không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản". Đây là điều khoản quan trọng để nhận diện DN rơi vào tình trạng phá sản, song không phải cứ có nợ quá hạn là DN phá sản, bởi thực tế, DN nào cũng vừa là con nợ, vừa là chủ nợ, thậm chí DN bị yêu cầu tuyên bố phá sản có thể là chủ nợ với số tiền lớn hơn số nợ quá hạn mà họ phải trả.
“Khi Tòa án xác minh, nhiều DN cho biết, nếu nợ quá hạn đã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản thì họ cũng yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN đang là con nợ của họ. Nhưng đến nay, chưa có hướng dẫn nào để tòa án có hướng xử lý trường hợp như vậy” – thẩm phán này cho biết.
Vì vậy, để thực sự là “lối thoát” cho DN lúc “lâm chung”, Luật Phá sản cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Các nhà chuyên môn cho rằng, điều quan trọng là Luật Phá sản phải được sửa làm sao để các DN và các chủ nợ coi việc phá sản là bình thường trong nền kinh tế thị trường thì Luật Phá sản mới có thể đi vào cuộc sống.
“Theo Điều 37 Luật Phá sản, thứ tự phân chia tài sản phá sản chưa có tác dụng khuyến khích các chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Cụ thể, Điều 37 Luật Phá sản về thứ tự thanh toán tài sản còn lại của DN thì chỉ ưu tiên thanh toán phí phá sản, các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết. Các chủ nợ không có bảo đảm được thanh toán từ phần tài sản còn lại theo tỷ lệ tương ứng với số nợ. Thực tế, tài sản còn lại của DN mắc nợ còn rất ít, trong khi, các chủ nợ thì rất đông; do đó, hy vọng “đòi được nợ” của các chủ nợ rất mong manh. Vì thế, các chủ nợ thẳng thắn, đòi nợ theo thủ tục phá sản là phương thức kém hiệu quả nhất”. (Luật sư Nguyễn Hữu Phúc, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) “Từ đầu năm tới nay, văn phòng chún tôi đã tiếp nhận tư vấn 7 vụ việc liên quan đến tư vấn thủ tục phá sản. Tuy nhiên, tất cả đều vướng, vì lý do Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu phá sản của nguyên đơn khác và đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phải chờ xem có bao nhiêu chủ nợ. Trong khi, luật không quy định thời gian là bao lâu cho nên vụ việc bị “treo” một cách vô vọng. Trong hoàn cách này, cách mà luật sư tư vấn cho khách hàng của mình là, chỉ có thể là chuyển từ yêu cầu tuyên bố phá sản sang thủ tục đòi nợ theo luật dân sự”. (Luật sư Nguyễn Thị Mai) Thông thường, chỉ khi nào DN rơi vào tình trạng “ung thư giai đoạn cuối” thì mới xin/yêu cầu phá sản. Đến nay, đa số hồ sơ phá sản không thể giải quyết được và nhiều công ty “sống thực vật”, thực sự đã chết nhưng không thể “chôn”, mà điển hình là trường hợp Công ty cổ phần Dược Viễn Đông (DVD). Dù có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, giám đốc đã đi tù, DVD đến nay vẫn chưa được tuyên bố phá sản. (Luật sư Trần Minh Hải, Công ty Luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư) |
Mai Hoa