100 doanh nghiệp gia đình đóng góp ¼ GDP
Tại Lễ kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Hội đồng Doanh nhân & Gia đình Việt Nam" tổ chức hôm 24/6, Chủ tịch VCCI khẳng định: “Trong mọi nền kinh tế, DNGĐ đóng vai trò như một hạt nhân quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt tại Việt Nam những DN thành đạt nhất trong những năm qua là những DN tư nhân, những DNGĐ chứ không phải là DN nhà nước…”
Trên thực tế, từ năm 1986 đến nay, các công ty gia đình của Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế đất nước.Cùng với đó, DNGĐ được coi là một thành tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. DNGĐ có xu hướng vượt trội hơn các loại hình DN khác về doanh số, lợi nhuận và các chỉ số tăng trưởng khác. Do đó, giúp hình thành nên các tập đoàn kinh tế tư nhân dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực và có đóng góp quan trọng vào GDP của toàn nền kinh tế.
Thống kê cho thấy 100 DNGĐ lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP của cả nước. Các DNGĐ cũng đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Đặc biệt, Hội nghị TW 5 khóa 12 vừa qua cũng đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân với mục tiêu thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng, tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. “Đây là một bước tiến quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước…”- Ông Lộc khẳng định.
Tuy nhiên, để có thể thành công hơn, theo Chủ tịch VCCI, các DNGĐ ở Việt Nam cần phải thay đổi tư duy về tầm nhìn cũng như cách quản trị DN, đặc biệt là thay đổi tư duy quản trị về nguồn nhân lực.
Thách thức
Theo ông Hoàng Hải Âu – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Hoàng Gia Media Group, Tổng đạo diễn “CEO – Chìa khóa thành công” của VTV1, tại Việt Nam, một trong những vấn đề nhức nhối nhất của DNGĐ chính là phát triển bền vững. “Điều này rất đáng lo ngại bởi DNGĐ có lợi thế là tính gắn kết cao, tiết giảm chi phí, nhưng hơn 10 năm phát triển kinh tế thị trường, những gì được cho là lợi thế của DNGĐ thì giờ lại trở thành rào cản bởi kết cấu của DNGĐ làm cho chúng ta khó chuyên nghiệp hóa, khó đưa người ngoài vào. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chúng ta không thể thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (không phải người trong gia đình) từ bên ngoài vào được…”- Ông Âu phân tích.
Chia sẻ về tình hình của các DNGĐ hiện nay, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW cho biết quản trị DN trong các DNGĐ và các DN Việt Nam nói chung không tách rời nhau.
“Trong bối cảnh chung của quản trị DN, các chuyên gia nhận định, quá trình quản trị DN chuyên nghiệp có 4 giai đoạn gồm: Thức tỉnh- nhận thức- thay đổi- văn hoá.Chiếu lại những gì đang có tại Việt Nam, có thể thấy DN Việt Nam mới đang ở giai đoạn thức tỉnh và bắt đầu có một số DN chuyển sang nhận thức. Trong khi đó, nghiên cứu tại Thái Lan cho thấy DN nước này đã bước sang đến giai đoạn xây dựng văn hoá về quản trị”- ông Hiếu chỉ rõ.
Ông Hiểu dẫn chứng: Thẻ điểm quản trị công ty của DN Việt Nam, đo lường 100 DN Việt Nam tốt nhất niêm yết trên sàn, chúng ta chỉ đạt 35/100 điểm về mức độ quản trị, trong khi các nước cùng khu vực đã đạt ở mức trên trung bình.
Dẫn chứng sự việc gần đây của một thương hiệu cà phê phát triển rất tốt, khi không thiết lập được quản trị chuyên nghiệp dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình, kéo đến mâu thuẫn trong công ty nên khi xảy ra mẫu thuẫn các DN cùng hệ thống ngừng cung cấp sản phẩm cho nhau. “Trường hợp này, nếu chúng ta thực hiện được quản trị DN chuyên nghiệp sẽ tách bạch được sở hữu và điều hành DN, sẽ không còn tình trạng mâu thuẫn gia đình dẫn đến mẫu thuẫn trong DN."- Ông Hiếu đưa ra lời khuyên.
Tách bạch gia đình và doanh nghiệp
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân – Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam cho biết, khi trao đổi với các DNGĐ ở Việt Nam, bà nhận thấy các DNGĐ ở Việt Nam thường không có sự tách bạch rõ ràng giữa vấn đề gia đình và vấn đề kinh doanh. Khi nói đến vấn đề kinh doanh, thường đưa vấn đề gia đình vào và ngược lại. “Để giải quyết vấn đề này, cần phải tách bạch thành 2 vấn đề riêng biệt thông qua cơ chế quản trị minh bạch và chuyên nghiệp. Có như vậy mới có thể giữ gìn và phát huy được những lợi thế và hạn chế những rủi ro trong DNGĐ.…”- Bà Vân đưa ra lời khuyên.
Bà Vân cho biết, ở các nước trên thế giới, các thế hệ DNGĐ có quy mô to, rộng. Họ có bộ quy tắc ứng xử trong gia đình. Vấn đề thừa kế cũng được chỉ định rất rõ ràng. Trẻ con khi mới ra đời đã biết được quyền thừa kế của mình, khi đạt đến độ tuổi nào họ sẽ tham gia điều hành DN. Trong trường hợp không tham gia điều hành, họ vẫn có quyền thừa hưởng lợi ích mà DNGĐ của họ đã gây dựng…
Thế nhưng ở Việt Nam, DNGĐ lại thường không coi trọng vấn đề pháp lý. DN của mình làm chủ, điều hành nhưng có khi lại nhờ cô dì chú bác đứng tên DN. Khi phát sinh tranh chấp, bất đồng hay người chủ DN thực sự bị đột quỵ, họ có thể bị mất toàn bộ tài sản bởi trên giấy tờ, DN của họ lại đứng tên người khác.
Theo Luật sư Đoàn Thị Thu Nga – Giám Công ty Luật Lawpro, DN Việt Nam nói chung và DNGĐ đang vận hành trên nền tảng quản trị điều hành DN chưa ổn định. Thêm vào đó là yếu tố về văn hoá ứng xử, chúng ta chưa tách bạch được môi trường DN và gia đình. Điều này dẫn đến tiềm ẩn về rủi ro pháp lý.
Ngoài rủi ro về việc không đứng tên, các DNGĐ ở Việt Nam đã không có quy tắc quản trị điều hành ngay từ ban đầù, khi thành lập DN có các thành viên gia đình hoặc người ngoài tham gia không có bản quy tắc cổ đông. “Nếu thiết lập “quy định cuộc chơi” ngay từ đầu của những người điều hành kinh doanh thì sẽ hạn chế được những rủi ro cho DN…”- Bà Nga khẳng định.
Tuy nhiên không ít DNGĐ tỏ ra băn khoăn khi DN “đang yên đang lành” lại bày đặt việc tách bạch gia đình và DN. “Hiện trong DNGĐ thường có 2 vợ chồng phụ trách công ty. Như DN của tôi, tôi chịu trách nhiệm từ "cổng nhà máy đi ra" đó là lo về vấn đề pháp lý, điều kiện kinh doanh…, còn chồng tôi phụ trách từ "cổng nhà máy đi vào" tức là lo hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy, phải làm sao để dung hòa giữa công việc và cuộc sống của hai vợ chồng và hai mảng phụ trách khác nhau?”- bà Mai Thanh, đại diện Công ty Mai Thanh băn khoăn.
Trả lời câu hỏi này, bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho biết, hiện nay trong một DN có rất nhiều khâu. Đầu tiên, phải xây dựng cơ cấu tổ chức, phân định người đảm nhiệm từng công việc. Bình thường nếu là một DN nhỏ, 2 vợ chồng có thể quản trị, nắm bắt đượ, nhưng khi DN lớn lên, cần phải có thêm những nhân sự khác (có thể là người ngoài), DN cần phải có quy tắc quản trị điều hành. “Với điều lệ gia đình, cần xác định cổ phần đóng góp để phân định công việc rõ ràng”. – bà Vân chia sẻ.
“Chúng ta nói nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0 và tốc độ phát triển là đáng nghiên cứu. Dự đoán đến năm 2025, 500 tỷ đồ vật được kết nối với internet. Và sự thay đổi này đến rất gần và rất ngoạn mục. Thậm chí, người ta đã đưa ra những mốc thời gian rất cụ thể. Do đó, tuy là DNGĐ, nhưng 5-10 năm tới là thời gian rất quan trọng để Việt Nam tiếp cận và theo kịp thời đại. Nếu tuột khỏi dòng thời gian đấy, các DNGĐ Việt Nam rất có thể chuyển sang một loại DN khác…”- Ông Phạm Đình Đoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng TW các Hiệp hội DN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam sốt ruột…
Doanh nghiệp gia đình và sự chuyển giao thế hệ
* Ông Đỗ Long – Tổng giám đốc Bita's, Phó Chủ tịch Hội đồng DNGĐ Việt Nam: “Tôi thấy rằng, thế hệ thứ 2 đã may mắn hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều vì có được cơ hội đi du học từ rất sớm (có thể từ lớp 7, lớp 8). Việc đi học là một chuyện nhưng bản thân ở mỗi gia đình sẽ có định hướng riêng. Ngay từ nhỏ tôi đã định hướng cho các con không nên làm cùng ngành mà mỗi người lựa chọn một lĩnh vực để tiếp quản nhằm tránh sự xung đột, sự tương tác và tranh chấp không mong muốn xảy ra. Thậm chí có trường hợp, con cái đi du học về nhưng lại không tham gia làm việc tại công ty gia đình mà tự tìm đến làm việc ở một công ty khác với tư cách như một nhân vật bình thường….”
* Bà Mỹ Lệ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mỹ Lệ: “Khi bắt đầu kinh doanh, chúng tôi gặp gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng may mắn thế hệ thứ hai của chúng tôi đã được học hành để có thể hỗ trợ được công việc kinh doanh của gia đình. Hiện nay, ba người con trong gia đình đã hỗ trợ gia đình phát triển công ty ở ba mảng kinh doanh khác nhau: du lịch, xuất nhập khẩu nông sản và giáo dục…”
* Anh Nguyễn Duy Ninh – Đại diện CTCP Tập đoàn Hồ Gươm: “Việc chuyển giao từ thế hệ sẽ khiến mọi người nghĩ đến khoảng cách. Ở Việt Nam có đặc thù riêng biệt và lớn. Lớn vì thế hệ đầu trải qua chiến tranh, ý thức hệ khác thời đại bây giờ. Thế hệ tiếp theo sống trong thời bình, cuộc cách mạng lần thứ 4 diễn ra cực kỳ nhanh. Trong quá trình chuyển giao giữa hai thế hệ, rất cần có sự thương lượng, có tiến, có lùi giữa hai thế hệ và cần một quá trình từ từ. Mọi người có nói, trong quá trình chuyển giao sẽ xảy ra tình huống "chuyển chưa chắc có giao" và như vậy, thế hệ thứ nhất sẽ như người cưỡi ngựa và thế hệ hai như con ngựa, sức sống tràn đầy nhưng nếu không có thế hệ thứ nhất chuyển giao, định hướng sẽ mất phương hướng… Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới thay đổi từng giờ, từng phút, nếu chúng ta không được tư vấn và tiếp cận, chỉ sau 10 năm nữa chúng ta bỏ mất cơ hội vô cùng lớn và thế hệ thứ hai sẽ thấy áy náy với thế hệ tiếp theo…”