Kinh tế thành phố quý 1 đã thực sự khởi sắc. Tổng sản phẩm xã hội 3 tháng đầu năm ước tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2009; công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao với mức 22,3% kế hoạch năm 2010, tăng 37,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp địa phương tăng 35,9% so với cùng kỳ. Về kinh tế du lịch, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế thực sự là cú hích thúc đẩy du lịch tăng trưởng mạnh mẽ. Hơn 436.000 lượt khách đến Đà Nẵng tham quan, du lịch, tăng 50% so với quý 1 năm ngoái là con số thuyết phục. Nhờ đó doanh thu du lịch tăng 88%.
Tuy vậy, các doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn về nguồn vốn, nguồn cung ứng năng lượng, đặc biệt là điện và xăng, dầu; tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt; và tình trạng thiếu nhân công đã và đang tác động xấu đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.
Sự biến động thị trường tín dụng đang tác động mạnh đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Tính chung các ngân hàng thương mại trên địa bàn, nguồn vốn huy động đạt thấp, chỉ tăng 1,5% so với đầu năm. Nguồn vốn huy động ít trong lúc nhu cầu tín dụng tăng tạo nên áp lực lên các ngân hàng thương mại. Do đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước không thay đổi lãi suất cơ bản, nhưng hầu hết các tổ chức tín dụng bằng cách này hay cách khác, nâng lãi suất cho vay cao hơn mức 12%. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, nếu tính cả các khoản phụ thu, thì mức lãi suất ngân hàng lên đến 14 - 15%/năm, thậm chí có nơi lên đến 16 - 17%. Mặc dù lãi suất cao, nhưng để vay được vốn theo yêu cầu cũng không phải dễ dàng.
Tình hình biến động về giá, đặc biệt việc tăng giá xăng dầu thời gian qua thực sự gây khó cho các doanh nghiệp. Giá xăng, dầu, giá điện tăng, khiến giá thành sản phẩm tại các doanh nghiệp cũng phải tăng theo, do đó, sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa giảm là điều không tránh khỏi.
Nhiều doanh nghiệp đang đối diện với khó khăn trong việc duy trì sản xuất do thiếu nguyên liệu trầm trọng. Ông Nguyễn Điểm, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến hàng xuất nhập khẩu Việt Nam than vãn: Từ đầu năm đến nay, nguồn nguyên liệu chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Quý 2 tới, vào vụ cá nam, nguồn nguyên liệu cung cấp sẽ khá hơn nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Ở các ngành sản xuất khác như sắt, thép chẳng hạn, mặc dù tình trạng khủng hoảng nguyên liệu nửa cuối năm 2009 được đi qua, nhưng giá nguyên liệu thế giới vẫn tăng 18% so với năm ngoái nên giá bán thành phẩm trong nước cũng tăng lên tương ứng. Theo một số doanh nghiệp, do tác động tăng giá đầu vào (bao gồm lãi suất tiền vay, giá xăng dầu, điện nước, nhân công...) khiến giá thành sản phẩm tăng khoảng 5 - 7%.
Ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông như dệt- may, giày da, chế biến hải sản... do sản xuất không ổn định, thu nhập của người lao động thấp, đã xảy ra tình trạng công nhân “nhảy việc”. Sau Tết, nhiều doanh nghiệp thiếu nhân công trầm trọng. Không ít công ty sau khi tìm kiếm được đơn hàng, tìm được nguồn vốn vay, nhưng do thiếu lao động nên việc triển khai kế hoạch sản xuất gặp nhiều khó khăn. Dù rao tuyển công nhân nhiều lần với nhiều ưu đãi nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển đủ số công nhân cần tuyển. Hiện tượng công nhân “nhảy việc” đang đặt ra cho người sử dụng lao động phải có kế hoạch sát thực hơn trong việc tạo và giữ nguồn nhân lực ổn định để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cái khó ló cái khôn. Để khắc phục những khó khăn, các doanh nghiệp sẽ tìm được lối ra cho mình. Tuy vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thử thách, cần triển khai kịp thời chủ trương cho vay thỏa thuận đối với các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả; các chính sách hỗ trợ xuất khẩu và những chính sách về an sinh xã hội. Cần có biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn lạm phát, ổn định giá cả, đặc biệt giá các mặt hàng trực tiếp tác động đến sản xuất kinh doanh như xăng dầu, điện, nguyên vật liệu... Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước...
QUÝ LÂM
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD
(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.