1/3 số doanh nghiệp không vay vốn
Một báo cáo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát công bố ngày 25/12 lại cho thấy, nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn vì lãi suất còn cao và khẳng định sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi suất hiện nay trong dài hạn.
Cụ thể, có tới 34,8% doanh nghiệp không vay vốn trong năm 2013, trong đó 40,5% doanh nghiệp trả lời vì lãi suất cao, kinh doanh không đủ hiệu quả để trả lãi; 21,1% cho rằng thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; 18,6% đã tìm được kênh huy động vốn khác, chỉ có 2,7% là do đang có nợ xấu nên không vay được vốn. Không ít doanh nghiệp cho hay họ vẫn phải vay ở mức lãi suất trên 12%, và đa số bày tỏ sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi suất này trong dài hạn.
Thế nhưng, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2013 cơ quan này đã giảm 2% các mức lãi suất điều hành; giảm 3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên; giảm 1% lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND. Từ cuối tháng 6, NHNN đã cho phép các tổ chức tín dụng tự ấn định lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Các giải pháp trên kết hợp với điều hành linh hoạt cung ứng tiền, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 2-5%/năm so với năm 2012 và trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006.
Tại thời điểm cuối năm, lãi suất cho vay phổ biến đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chỉ còn 7 - 9%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 - 10,5%/năm ở khối ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và 9,5-11,5%/năm ở khối NHTM cổ phần. Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các NHTM cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm.
Phải phân loại đối tượng để vốn đến đúng địa chỉ
Tại hội thảo “Ngân hàng đẩy tăng trưởng tín dụng và cơ hội của doanh nghiệp năm 2014” diễn ra cuối tháng 12/2013, TS Cao Sĩ Kiêm – chuyên gia kinh tế - cho biết, 90% số doanh nghiệp vừa và nhỏ phải dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay còn không ít doanh nghiệp đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn này. Vướng mắc lớn nhất để tiếp cận vốn tín dụng hiện nay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chính là điều kiện vay vốn.
“Để giải quyết vấn đề này, về phía ngân hàng cần phân loại đối tượng vay, làm rõ yếu tố khách quan, chủ quan vướng mắc trong quan hệ vay vốn để dòng vốn đến đúng địa chỉ – ông Cao Sĩ Kiêm nói – Về phía doanh nghiệp, cần tự kiểm điểm, đánh giá lại quá trình sản xuất kinh doanh, những mặt mạnh, mặt yếu, những tồn tại, yếu kém để rút ra bài học, từ đó xây dựng điều chỉnh chiến lược kinh doanh mới, khai thác một cách có hiệu quả những chính sách và biện pháp của Chính phủ. Qua đó đáp ứng tiêu chí và tiêu chuẩn những quy định về chuẩn vay theo nguyên tắc thị trường để tiếp cận vốn ngân hàng”.
“Tiếp cận được các nguồn vốn vay, doanh nghiệp cần rõ ràng, minh bạch các báo cáo tài chính, liên tục đánh giá lại hoạt động của doanh nghiệp mình để từ đó có thể điều chỉnh phù hợp với cơ chế thị trường” – TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định.
Được biết, trong năm 2013, NHNN đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như giảm lãi suất, gia hạn thời gian giãn nợ, hoãn nợ; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, kiềm chế lạm phát. NHNN dự tính, năm 2014 tín dụng tăng khoảng 12-14% và được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý.
Báo cáo khảo sát về động thái doanh nghiệp Việt Nam năm 2013 vừa được VCCI công bố cho thấy, nhu cầu vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp có xu hướng tăng so với năm 2012. Tuy nhiên vẫn có tới 34,8% doanh nghiệp không vay vốn, trong đó 40,5% doanh nghiệp trả lời vì lãi suất cao, kinh doanh không đủ hiệu quả để trả lãi; 21,1% cho rằng thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; 18,6% đã tìm được kênh huy động vốn khác, chỉ có 2,7% là do đang có nợ xấu nên không vay được vốn.