Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cán bộ công chức và tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp, ngày 14/9/2010, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên làm việc tại Sở Nội vụ. Tham gia Đoàn giám sát có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành liên quan. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chủ trì buổi hội nghị.
Đồng chí Trần Dương Thịnh - Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo về công tác của ngành nội vụ |
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, chính sách pháp luật về cán bộ công chức và tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp được thực hiện dựa trên các văn bản của Trung ương và địa phương. Cụ thể, Sở Nội vụ đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan giải quyết được công việc lâu dài cho 1850 người theo quyết định số 44/2008/QĐ-UBND và quyết định số 03/QĐ/UBND; tuyển dụng được 1475 viên chức theo quyết định số 14/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Trong thời gian vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt việc xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tiến hành đổi mới công tác tổ chức và cán bộ. Đối với công chức hành chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cơ bản các ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên và cán sự đáp ứng theo yêu cầu tiêu chuẩn của ngạch về chuyên môn đào tạo, lý luận chính trị, quản lý hành chính Nhà nước theo quy định. Các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với CBCC hàng năm đều giải quyết kịp thời, đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách pháp luật về cán bộ công chức và tuyển dụng viên chức trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; việc đánh giá công chức hàng năm tại một số đơn vị còn mang tính hình thức, cảm tính; đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã cơ bản được bố trí đủ về số lượng nhưng trình độ về mọi mặt còn nhiều bất cập; thực hiện quản lý, sử dụng cán bộ, công chức một số nơi còn chưa quy định rõ cơ cấu, vị trí, chức danh công chức… Các đại biểu trong đoàn giám sát đã trao đổi, thảo luận, yêu cầu đơn vị làm rõ thêm một số vấn đề như đánh giá sâu thêm về công tác cải cách hành chính, bao gồm cả lĩnh vực riêng của ngành và lĩnh vực chung; làm rõ cơ sở pháp lý, tình hình thực tế của việc dự trữ biên chế; việc giải quyết 1 số tồn tại trong thực tế quản lý và thực hiện chính sách pháp luật về cán bộ công chức và tuyển dụng viên chức; báo cáo cụ thể về tỷ lệ cán bộ công chức hoàn thành và chưa hoàn thành nhiệm vụ, tỷ lệ cán bộ công chức có trình độ đạt và chưa đạt yêu cầu; cần giao quyền tự chủ cho các đơn vị tuyển dụng, đồng thời có chính sách thu hút cán bộ để có được đội ngũ cán bộ có trình độ cao. Giải trình những vấn đề trên, đại diện Sở Nội vụ cho biết quy trình lập, duyệt, thực hiện biên chế vẫn theo quy định hiện hành, các đơn vị cơ sở dựa trên chức năng, nhiệm vụ để xây dựng biên chế; từ năm 2007, việc bồi dưỡng công chức bắt đầu được thực hiện theo phương pháp hướng dẫn những công việc cụ thể cần làm tương ứng với từng vị trí công việc. Để làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, nâng cao năng lực cán bộ cần tăng cường hơn nữa việc công khai minh bạch hoạt động công vụ, tăng cường sự tham gia của tất cả các tổ chức khác. Sở Nội vụ cũng đã đưa ra một số yêu cầu, kiến nghị về chính sách pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo hợp đồng như: Đề nghị Trung ương sớm hoàn chỉnh chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp cho phù hợp với luật cán bộ công chức và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cán bộ công chức để thuận lợi cho việc thực hiện; nhanh chóng ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện luật cán bộ công chức; nên thực hiện cải cách và thống nhất công tác thi tuyển, ban hành chính sách thi cạnh tranh vào từng chức danh trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tiến tới thi tuyển cán bộ trước khi bổ nhiệm. Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng ghi nhận những thành tích mà ngành nội vụ đã đạt được: Các ban ngành địa phương đều rất quan tâm đến vấn đề con người như tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ công chức, đội ngũ cán bộ công chức ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu công việc, công tác cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực ở nhiều lĩnh vực, thủ tục hành chính được thực hiện theo hướng giảm bớt những khâu không cần thiết, công tác tham mưu của ngành nội vụ ngày càng có chất lượng, từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục như: khung chính sách pháp luật về cán bộ công chức chưa đầy đủ, còn nhiều bất hợp lý; một bộ phận cán bộ công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thậm chí có biểu hiện nhũng nhiễu tiêu cực, gây phiền hà cho người dân; một số nội dung trong thực hiện chính sách pháp luật về cán bộ công chức và tuyển dụng viên chức chưa được tốt: công tác quy hoạch, công tác quản lý đánh giá, hiệu quả, hiệu suất công tác, sự phối hợp giữa các ngành… Đồng chí cơ bản tiếp thu những kiến nghị của ngành và đề nghị ngành tiếp tục nghiên cứu để có những kiến nghị cụ thể hơn. Đồng chí cũng đề nghị ngành nội vụ sớm có biện pháp khắc phục mặt hạn chế, tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về lĩnh vực cán bộ công chức, viên chức, quan tâm làm tốt hơn nữa công tác thanh tra kiểm tra, xử lý những vướng mắc, những trường hợp còn tồn đọng.
Hoài Anh