Các đồng chí: Chu Văn Đạt, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra đê, kè Tây ang Giao Phong (Giao Thủy) mới được khắc phục sạt lở sau bão số 1.
Ảnh: Xuân Thu
|
Ngày 21-8-2010, Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra một số tuyến đê sông, đê biển của tỉnh. Đoàn công tác do đồng chí Chu Văn Đạt, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh làm trưởng đoàn và các đồng chí: Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: NN-PTNT, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Giao thông - Vận tải... đã đi kiểm tra toàn tuyến đê biển và tuyến đê hữu sông Hồng của huyện Xuân Trường. Đoàn công tác do đồng chí Phạm Hồng Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ làm trưởng đoàn và các đồng chí: Bùi Đức Long, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Lương Bằng, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Thiếu tướng Trần Quang Tiến, Uỷ viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; lãnh đạo các Sở: NN-PTNT, Giao thông - Vận tải, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư và Xây dựng đã đi kiểm tra tuyến đê sông của thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực và Trực Ninh.
Từ năm 2006 đến nay, thực hiện Quyết định số 58/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã nâng cấp được 18,4 km đê biển với tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng. Hiện nay đã hoàn thành 3 dự án chuẩn bị nghiệm thu và đưa vào sử dụng: nâng cấp đê, kè Công Đoàn - Đồng Hiệu và 8 mỏ kè đông cống Thanh Niên thuộc tuyến đê biển Giao Thuỷ, kinh phí 70,9 tỷ đồng; nâng cấp đê, kè Kiên Chính và hệ thống mỏ kè giữ bãi thuộc tuyến đê biển Hải Hậu, kinh phí 72,5 tỷ đồng; nâng cấp một số đoạn đê xung yếu thuộc tuyến đê biển giai đoạn một, chiều dài 7383m, kinh phí 69,6 tỷ đồng. 2 tiểu dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005, giai đoạn 1 đã hoàn thành 10,2 km, đang triển khai giai đoạn 2 tiểu dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đê biển Giao Thuỷ và tiểu dự án sửa chữa và nâng cấp tuyến I đê biển Hải Hậu. Như vậy, đến nay tỉnh ta đã tu bổ, nâng cấp được 29,2km đê biển với tổng kinh phí 800 tỷ đồng; trong đó Hải Hậu 17,2km, Giao Thuỷ 9,7km, Nghĩa Hưng 2,3km. Hiện đang triển khai các dự án: kiên cố mặt đê biển từ phà Thịnh Long đến cống Quần Vinh I, chiều dài 6,7km, tổng mức đầu tư 50,5 tỷ đồng; 4 hạng mục công trình dự án nâng cấp khẩn cấp một số đoạn đê biển xung yếu còn lại, kinh phí 65 tỷ đồng; đang lập dự án trồng rừng chắn sóng bảo vệ đê biển, kinh phí 5 tỷ đồng và các dự án nâng cấp đê sông.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp kiểm tra các điểm: Cống Liêu Đông (Xuân Trường), kè cống Chúa, cống Cồn Nhì, cống số 9, cống Ba Nõn (Giao Thuỷ); đoạn đê, kè và 9 mỏ kè Kiên Chính cắt sóng giữ bãi (Hải Hậu); đê, kè Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng).
Tại các điểm kiểm tra, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các huyện và đơn vị thi công; ghi nhận những kiến nghị của địa phương về kiên cố hoá mặt đê, xây dựng âu thuyền tránh trú bão, tiếp tục xây dựng các kè khu vực xung yếu... và yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, thường xuyên kiểm tra các công trình đê điều PCLB, phát hiện và xử lý kịp thời những hư hỏng của công trình ngay từ giờ đầu, bảo đảm an toàn công trình, an toàn tuyến đê biển, đê sông. Tập trung giải quyết những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, không để phát sinh vi phạm mới và tái vi phạm. Tu sửa ổ gà, rãnh nước, phát quang mái đê; xẻ rãnh, không để nước ứ, đọng trên mặt đê ảnh hưởng đến an toàn đê và giao thông trên đê. Tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân nhận thức sâu sắc hơn về mối hiểm hoạ khôn lường của thiên tai; nâng cao kỹ năng phòng chống thiên tai; xác định phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu là trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng và của mọi người dân.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ và các đồng chí trong Đoàn công tác của tỉnh đã kiểm tra tuyến đê sông Hồng thuộc địa bàn thành phố Nam Định, và các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh; tuyến đê sông Đào thuộc địa bàn các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực; tuyến đê sông Đáy thuộc địa bàn huyện Ý Yên và một số công trình trọng điểm đang được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cống qua đê như: Trạm bơm Quán Chuột, kè Tam Phổ (TP Nam Định); kè Trại Nội, Lợi Đầm (Vụ Bản), kè Đống Cao, Quán Khởi, cống Đông Duy, Quỹ Độ (Ý Yên); kè, bối Nam Thắng và kè Đại An (Nam Trực); kè Trực Bình, cống số 2 km 183+867 thuộc đê hữu sông Hồng (Trực Ninh)… Hiện nay, trên tuyến đê tả, hữu sông Đào, đê tả sông Đáy, đê hữu sông Hồng chiều rộng mặt đê ở một số đoạn còn hẹp. Nhiều đoạn, mặt đê xuống cấp nghiêm trọng, cây dại mọc tràn lan, gây cản trở cho các phương tiện xe cơ giới lưu thông khi có yêu cầu. Ở một số vị trí phía nội đồng vẫn còn thùng đào, ao cá là nguyên nhân thẩm lậu, rò rỉ khi nước lũ ở sông dâng cao. Nhiều đoạn mặt đê rải đá cấp phối đã lâu nên xuống cấp và hư hỏng nặng, gây khó khăn cho việc đi lại, ứng cứu khi đê xảy ra sự cố. Nhiều đoạn đê sông đã được làm kè bảo vệ, tuy nhiên, một số tuyến như kè: Trại Nội, Lợi Đầm, Trực Bình, Lộ Xuyên, Quần Khu, Đông Duy, Quỹ Độ… đã xuống cấp, rất nguy hiểm khi có bão, lũ xảy ra. Một số công trình xây mới như: cống xả trạm bơm Yên Quang, Quỹ Độ, cống Phú Giáo, kè Đông Duy (đê tả sông Đáy), cống Dương Độ (tả sông Đào), cống Đại An, cống số 2 (đê hữu sông Hồng)… đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm đúng tiến độ đề ra theo kế hoạch. Dự án xây dựng trạm bơm Quán Chuột đã hoàn thành trên 90% khối lượng công việc. Hiện nay, các đơn vị thi công đang tích cực triển khai lắp đặt thiết bị máy bơm hút nước để có thể vận hành trong thời gian tới, bảo đảm chống úng ngập cho thành phố. Dự án chống sạt lở phía bờ hữu sông Đào (Vụ Bản) hiện đang thi công 2 đoạn có tổng chiều dài 592 m đã thi công xong phần bê tông dầm khung, mái kè, thả rồng đá bằng túi thép và hiện đang thi công hoàn thiện phần mặt kè theo hướng bê tông hóa rộng 2 m. Dự án củng cố, xử lý trọng điểm đê tả sông Đáy thuộc huyện Ý Yên đã thi công cơ bản xong 29,9 km mặt đê theo hình thức bê tông hóa và cứng hóa bằng rải đá cấp phối; kè Đông Duy đã thi công xong phần rồng và đá rối phủ đầu rồng. Dự án cứng hóa mặt đê bằng hình thức bê tông hóa của huyện Trực Ninh đến thời điểm này đã hoàn thành cơ bản bảo đảm theo kế hoạch, phần đất đắp đạt khoảng 60% khối lượng công việc theo kế hoạch…
Qua kiểm tra, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã biểu dương sự nỗ lực, chủ động chuẩn bị đối phó với thiên tai trong mùa mưa bão của các địa phương, đồng thời yêu cầu các huyện, thành phố cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm đúng theo phương án đã được duyệt. Triển khai công tác thường trực chống lụt bão theo quy định. Đối với các trọng điểm phải có phương án bảo vệ cụ thể. Các địa phương và các ngành hữu quan tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện sớm việc thi công các công trình xây dựng mới bảo đảm an toàn, chất lượng; triển khai hoành triệt các công trình cống dưới đê, bảo đảm an toàn khi có bão, lũ xảy ra…, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của cho nhân dân trong mùa mưa bão năm nay./.
Tất Thắc và Văn Phương