Tuần hoàn máu kém
Triệu chứng: Chị em bị mắc bệnh này thường có cảm giác trướng bụng, bụng dưới to hơn vào trước kỳ kinh, khi chu kỳ đến thì lại mắc chứng táo bón. Máu kinh thường có màu tối, sẫm, hơi sền sệt, đôi khi bị ra từng cục có màu như màu gan lợn. Lượng máu kinh ra nhiều, đặc biệt là vào ngày thứ 2 và ngày thứ 3; chu kỳ thường kéo dài tới 7 ngày hoặc hơn.
Phương pháp cải thiện: Những người tuần hoàn máu kém nên tích cực vận động cơ thể, cẩn thận để không bị nhiễm lạnh, không nên ăn đồ lạnh. Tốt nhất không nên dùng băng vệ sinh. Nên ăn các loại thực phẩm có màu đen, đỏ hoặc tím. Rau xanh nên được sơ chế gia nhiệt trước khi ăn. Hạn chế ngồi lâu, nên vận động nhiều để tăng cường tuần hoàn máu ở xương chậu. Có thể uống trà gừng hoặc một số loại trà thuốc bắc có chứa hồng hoa, sơn trà.
Sợ lạnh
Triệu chứng: Mỗi khi đến kỳ kinh đều có cảm giác lạnh bụng, đau bụng dữ dội, càng lạnh càng đau, chỉ cảm thấy dễ chịu hơn đôi chút khi được giữ ấm. Chu kỳ kinh thường bị chậm và kéo dài từ 7 ngày trở lên, máu kinh có màu đỏ sẫm và kèm theo máu cục có màu gan lợn. Rất sợ lạnh, nguy cơ suy nhược cơ thể cao.
Phương pháp cải thiện: Cố gắng giữ ấm cơ thể, mặc quần áo dày, không nên mặc váy trong những ngày lạnh vì nếu thân dưới bị lạnh thì bụng càng đau. Nên ăn đồ ăn có tính ôn, có thể tắm bồn hoặc ngâm chân nước nóng. Nên uống thêm trà gừng hoặc trà có vị quế để làm ấm bụng.
Áp lực lớn
Triệu chứng: Tinh thần thường không ổn định, tâm trạng bồn chồn, lo lắng và dễ nổi cáu trước khi đến kỳ kinh. Liên tục có hiện tượng thèm ăn hoặc chán ăn, thường xì hơi hoặc ợ, nấc, nếu không táo bón thì lại bị tiêu chảy. Triệu chứng đau bụng kinh ở mỗi kỳ kinh không giống nhau mà thay đổi theo tình trạng sức khoẻ của cơ thể. Thường trước kỳ kinh chị em hay có cảm giác trướng bụng hoặc đau bụng nhưng những triệu chứng này sẽ mất dần khi vào kỳ kinh. Máu kinh có màu bình thường và chu kỳ kinh cũng kéo dài khoảng 4-5 ngày như bình thường tuy nhiên kỳ kinh có đôi khi đến sớm hoặc bị chậm.
Phương pháp cải thiện: Nên học cách kiềm chế cảm xúc, sinh hoạt điều độ. Có thể nghe nhạc hoặc uống trà thảo dược trong kỳ kinh để ổn định tâm trạng. Nên ăn nhiều quýt, trồng cây xanh trong phòng, vận động nhẹ như vươn thở sau khi ngủ dậy, có thời gian thì nên đi dạo. Nếu uống trà nên uống trà hoa nhài và bạc hà, nếu uống thuốc bắc nên chọn thuốc có vị bạc hà và vỏ quýt.
Thiếu máu
Triệu chứng: Hay đau đầu, hễ đứng dậy là hoa mắt chóng mặt, da khô và thô ráp, kém tập trung, hay quên. Thường bị đau lưng, đau bụng hoặc có một số triệu chứng khó chịu khác mỗi khi đến chu kỳ. Máu kinh có màu hồng phấn hoặc hồng nhạt, lượng máu kinh ít, thời gian hành kinh ngắn. Chu kỳ hay bị chậm, thường là trên 40 ngày mới thấy một lần. Cơ thể luôn có cảm giác mệt mỏi ngay cả sau khi sạch kinh.
Phương pháp cải thiện: Không nên để não và mắt làm việc quá độ, đảm bảo ngủ đủ giấc, nên chú ý ăn các thực phẩm bổ máu như gan động vật. Không nên ngủ sau 12h đêm, nếu khó ngủ có thể uống một cốc sữa nóng trước khi đi ngủ. Nên uống các loại trà có vị táo đỏ, cẩu khởi, đương quy và long nhãn.
Cơ thể suy nhược
Triệu chứng: Phù chân, mệt mỏi, đau mỏi lưng, chán ăn, dễ cảm cúm hoặc tiêu chảy trước khi đến kỳ kinh. Hầu như không có hiện tượng đau bụng kinh, máu kinh có màu nhạt, lượng kinh lúc ít lúc nhiều khác hẳn nhau. Thời gian hành kinh ngắn, nếu biến chứng thành thiếu máu thì chu kỳ thường bị chậm. Khả năng thay thế tế bào cũ mới rất kém, phù thũng nghiêm trọng đặc biệt là ở phần thân dưới.
Phương pháp cải thiện: Ăn đủ 3 bữa và nên ăn các thực phẩm dễ tiêu hoá, cân bằng dinh dưỡng. Không được bỏ bữa sáng, do dạ dày và ruột kém vì thế nên nhai kỹ khi ăn. Không nên vận động mạnh, nếu muốn vận động thì nên đi bộ sau bữa tối. Nên uống trà đỗ trọng và trà sâm Cao Ly. Thuốc Bắc nên dùng thuốc có vị hạt sen và hoàng kỳ.
[links()]
Theo Bảo Hân BB
Afamily