Tôi hiểu đó không chỉ đơn thuần là những sản phẩm mang chức năng mua – bán mà còn là những đứa con kết tinh của nhiệt huyết, của đam mê. Và chính bởi sống bằng nhiệt huyết cháy bỏng đó, thành công như một món quà đền đáp xứng đáng cho anh. Anh là doanh nhân, Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam.
Cứ đi mãi rồi sẽ đến thành công
Không màu mè, khoa trương, anh thẳng thắn chia sẻ mình đến với thời trang từ lúc 13 tuổi và lý do là bởi muốn thoát khỏi cái đói chứ chưa phải yêu thời trang. Rồi tình yêu nghề cứ thấm dần vào máu và anh nhận ra “nghề làm đẹp” là con đường duy nhất mình muốn đi và phải đi bằng mọi giá.
Những phút bốc đồng của tuổi trẻ đã khiến anh phải trả giá khi hai lần liên tiếp kinh doanh thua lỗ với những khoản nợ “ngập đầu”. Anh nói khi con người ta bị dồn vào bước đường cùng thì bản năng sống còn lại trỗi dậy mạnh mẽ.
Sau tất cả những cuộc khủng hoảng tinh thần, anh bắt đầu suy nghĩ lại về nghề, về ước mơ của mình và rồi quyết định thi vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp ở độ tuổi khá lớn. Thương hiệu thời trang NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam được đông đảo người biết đến như hiện nay là một minh chứng cho sự bền bỉ, kiên trì theo đuổi ước mơ của cậu bé 13 tuổi năm xưa.
Nhìn lại sự nghiệp hơn 30 năm trong nghề, anh tự hào đã thiết kế cho hơn 500 người nổi tiếng, hơn 200 chính khách trong đó bà Nguyễn Thị Kim Ngân là một trong những khách ruột luôn tin tưởng lựa chọn áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam vào những dịp quan trọng.
Anh chia sẻ: “Có lần, tôi thiết kế cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân lúc bà còn là Bộ trưởng một bộ vest được thêu đính thủ công khi dự một sự kiện quan trọng ở nước ngoài. Bà kể với tôi rằng, nhiều người dù không quen biết đã đến hỏi bà đó là mẫu thiết kế của ai, ở nước nào? Bà đã rất tự hào nói đó là sản phẩm của một nhà thiết kế đến từ Việt Nam.
Điều đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc, tự hào vì thời trang có thể xóa nhòa mọi khoảng cách về ngoại giao. Và điều tôi tự hào nhất là bộ áo dài mà Chủ tịch Quốc hội diện trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức cũng là một trong những thiết kế tâm huyết của tôi.”
Những tà áo “có tâm hồn”
Từ xa xưa đến nay, chiếc áo dài duyên dáng, thướt tha vẫn luôn song hành cùng hình ảnh người phụ nữ Việt. Đó không đơn thuần là một kiểu trang phục mà còn là hiện thân của vẻ đẹp mỹ miều, đằm thắm, chứa đựng cái hồn của văn hóa Việt.
Với Đỗ Trịnh Hoài Nam, áo dài cũng luôn là niềm đam mê lớn nhất, là ưu tiên số một trong sự nghiệp. Anh quan niệm bản thân tà áo dài đã rất đẹp, nhưng thiết kế áo dài không đơn thuần là vẽ hoa văn, họa tiết lên trên mà còn phải hiểu được sứ mệnh, giá trị cốt lõi của tà áo dài, thể hiện được nét đẹp thiêng liêng vốn có của nó mà vẫn không xa rời xu hướng thời trang.
Hơn 30 năm trong nghề, tôi tự hào đã thiết kế cho hơn 500 người nổi tiếng, hơn 200 chính khách trong đó bà Nguyễn Thị Kim Ngân là một trong những khách ruột. Chiếc áo dài mà Chủ tịch Quốc hội diện trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức cũng do một tay tôi thiết kế và may đo.
Bởi áo dài không chỉ tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ mà còn là di sản văn hóa phi vật thể, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới.
Với nghệ thuật dát vàng, gắn kim hoàn đá quý, Đỗ Trịnh Hoài Nam đã nâng tà áo dài lên một tầm cao mới, quý phái hơn, sang trọng hơn, xứng đáng là niềm tự hào của dân tộc với bạn bè năm châu. Những tác phẩm của anh quý không chỉ bởi vàng mà còn bởi giá trị mang trong nó - những bộ cánh “có tâm hồn”.
Là người tiên phong ứng dụng thành công sự kết hợp tuyệt vời giữa máy móc công nghệ cao và nghệ thuật thêu tay thủ công tỉ mỉ, anh không chỉ thỏa mãn mong muốn khách hàng mà còn nâng tầm thời trang Việt lên một nấc thang mới.
Khi sĩ thương song hành
Gắn bó với nghề làm đẹp cho đời, làm dâu trăm họ vốn đã chịu nhiều vất vả, khi “khoác” thêm lên mình chiếc áo doanh nhân thì khó khăn càng tăng thêm gấp bội bởi vừa phải “phiêu” trong vai trò NTK lại vừa phải “tỉnh” để chèo lái con thuyền kinh doanh. Để có thể quản lý, điều hành công ty, anh đã phải tự trau dồi kiến thức từ những khóa học quản trị và từ chính những trải nghiệm của bản thân.
Trong mọi quyết định quan trọng của mình, anh luôn quyết đoán, biết nắm bắt thời cơ với lối suy nghĩ “có kết quả là thành công, không có kết quả là bài học”. Với anh, quản lý doanh nghiệp giỏi khó hơn nhiều lần thiết kế một bộ đầm thời thượng. Anh cho rằng bí quyết phát triển bền vững công ty chính là nằm ở yếu tố con người, muốn nhân viên cống hiến hết khả năng, tâm sức thì bạn phải cho họ cảm giác công ty chính là nhà.
Anh chia sẻ, khi thành lập thương hiệu cho riêng mình, anh cũng chỉ quan tâm đặt tên sao cho đẹp, cho hay, dễ nhớ chứ không hề biết đến những vấn đề pháp lý. Cho tới những năm 2003, khi anh liên tiếp đạt những giải thưởng trong nước và quốc tế thì thương hiệu bắt đầu nổi tiếng khắp trong ngoài nước.
Không ít người đã thêm thắt tên thương hiệu Hoàng Nam của anh rồi lấy làm của riêng mình gây hiểu nhầm cũng như thiệt hại rất lớn. Khi đó Đỗ Trịnh Hoài Nam mới thực sự giật mình nhận ra mình chỉ biết yêu nghề mà đã bỏ qua pháp luật, hàng rào bảo vệ tốt nhất cho mỗi doanh nghiệp.
“Đó chỉ là bài học nhỏ nhưng đã cảnh tỉnh tôi rất nhiều, sau đó, tôi đã phải cấp tốc nghiên cứu và bổ sung những kiến thức pháp luật cơ bản. Theo tôi thấy đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay cũng đều trong tình trạng như tôi. Tức là mình chỉ biết mải mê kinh doanh mà không quan tâm đến luật pháp, cứ đến khi động phải vấn đề gì mới cuống cuồng tìm giải pháp chữa cháy chứ không hề có sự chuẩn bị nào. Ngược lại, muốn luật pháp bảo vệ mình, trước tiên bản thân phải bạn phải là người tuân thủ pháp luật.”
Con ong chăm chỉ thụ phấn cho đời
Ở đỉnh cao của sự nghiệp, đã trải qua đủ mọi cung bậc của hỷ, nộ, ái, ố, giờ đây Đỗ Trịnh Hoài Nam lại quyết định kiêm thêm vai trò nhà đào tạo như một đóng góp nhỏ cho xã hội, cho ngành thời trang nước nhà. Đi lên từ một thợ may, hơn ai hết anh hiểu được đam mê và ước mơ làm chủ của người trẻ. Những kinh nghiệm xương máu, những bài học quý giá, những tư duy thiết kế đỉnh cao chắt chiu trong hơn 30 làm nghề anh chưa từng nghĩ sẽ giữ riêng cho mình bởi với anh “cho đi là nhận lại”.
Đến với lớp học của anh, học viên không chỉ được học về kỹ năng nghề mà còn là kỹ năng sống với nghề, tránh hư danh và suy nghĩ ảo tưởng. Bởi đằng sau những hào nhoáng bên ngoài dưới ánh đèn sân khấu là những giọt mồ hôi đòi hỏi tính kiên trì như cắt, may, thêu, đính, vẽ và các bạn trẻ thường chỉ nhìn thấy kết quả cuối cùng, chỉ đam mê cái vỏ bọc đẹp đẽ của nghề thiết kế.
Với sự nghiệp đào tạo của mình, anh ví chỉ như một con ong chăm chỉ đi kiếm mật nhưng vô tình lại thụ phấn cho hoa. Khi càng nhiều hoa đua nở thì sẽ thêm nhiều con ong khác cũng tới kiếm mật và lại thụ phấn cho hoa. Cứ như thế rừng hoa sẽ được nhân rộng hơn, rực rỡ màu sắc hơn. Làng thời trang Việt cũng như một vườn hoa, nếu mỗi nhà thiết kế làm tốt vai trò của mình thì chẳng mấy chốc thời trang Việt Nam sẽ sánh ngang thời trang quốc tế.
Đáp lại câu hỏi anh có sợ thua thiệt khi cứ cho đi như vậy không, anh chỉ mỉm cười: “Khi tất cả cùng tốt lên thì vô hình chung cả ngành thời trang sẽ đi lên. Tôi trao cho các NTK trẻ những tâm huyết nghề nghiệp cũng tức là san sẻ sứ mệnh của mình cho họ. Khi đó tôi sẽ có khoảng lùi để làm những thứ mình yêu thích, một năm ra hai bộ sưu tập và thỏa sức tìm tòi cái mới.”
Kiêm nhiều vai trò cùng lúc nhưng con người anh luôn tràn trề năng lượng sống với nụ cười không tắt trên môi, bởi với anh “Sống bằng đam mê không bao giờ là mỏi mệt”.