Đối với người bình thường, cột điện cao thế là nơi Tử thần trú ngụ. Nhưng đối với chàng trai Lý Tùng Nhân (17 tuổi, ngụ thôn Bằng Tiên 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) thì cột điện cao thế lại là “sân khấu” ưa thích để cậu ta thể hiện giọng hát véo von. Sở thích kỳ quái này không chỉ khiến gia đình Tùng Nhân khổ sở mà còn khiến làng xóm “khóc dở mếu dở” vì thường xuyên phải chịu cảnh mất điện “bất đắc dĩ”.
Lý Nhân Tùng đang điều trị ở bệnh viện sau lần điện giật thứ 4 |
Khóc hết nước mắt vì con
Lý Tùng Nhân là con trai đầu lòng của bà Nguyễn Thị Hương (SN 1960) và ông Lý Kỳ (SN 1957). Theo lời người mẹ thì bà quê mãi ngoài huyện Thạch Thất, Hà Nội. Năm 1994, bà Hương một thân một mình lặn lội vào Lâm Đồng kiếm kế sinh nhai. Mãi đến năm 36 tuổi, bà mới lập gia đình với người chồng quê Quãng Ngãi là dân nhập cư như mình. Từ đó, hai vợ chồng nghèo đêm ở trong căn nhà nhỏ nơi xó rừng, ban ngày thì quanh năm suốt tháng đi làm thuê, làm mướn cho thiên hạ.
Những tưởng đứa con trai đầu lòng sẽ là niềm động viên giúp họ có thêm niềm vui cho đời bớt cơ cực nhưng Lý Tùng Nhân lại không bình thường như bao đứa trẻ khác. Chào đời được 2 ngày thì cháu bé lên cơn sốt cao, phải nhập viện. Nhìn đứa trẻ tím tái, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đều lắc đầu quầy quậy bảo “hết phương cứu chữa”.
Nhưng nhìn người mẹ khóc lên khóc xuống nhất định đòi cãi “mệnh trời”, ông trưởng khoa đã cố hết khả năng để cứu chữa rồi chuyển cháu bé vào nuôi trong lồng kính. Đứa trẻ may mắn không phải nộp mạng cho Diêm vương nhưng lại bị sụn não nên lại tiếp tục được chuyển viện. 5 năm ròng “ăm dầm ở dề” ở Bệnh viện Nhi đồng TP.Hồ Chí Minh điều trị không có kết quả, Nhân lại được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi hội chuẩn, bệnh viện cho biết phải mổ não cho cháu mới có cơ may bệnh tình thuyên giảm, ca mổ có giá 50 triệu đồng.
Thương con nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn trăm bề, suốt những ngày con nằm viện, người mẹ thậm chí phải xin đi quét cầu thang, rửa bồn cầu buổi tối cho bệnh viện mới có tiền mua cơm cho con, vậy thì lấy đâu ra 50 triệu đồng? “Lúc đó, vợ chồng tôi đã thử đi vay nợ nhưng mình không có tài sản gì để người ta tin tưởng nên không vay được. Thế là chúng tôi đành nuốt nước mắt bế con về. Sau đó chúng tôi tiếp tục đưa Tùng Nhân đi thăm khám ở nhiều cơ sở y tế khác. Đến khi Bệnh viện nhiệt đới chẩn đoán cháu đã bị kinh phong (còn gọi là động kinh - PV), là di chứng của bại não, chúng tôi đành đưa con về nhà chăm sóc”, bà Hương thuật lại.
Chị Hương chăm sóc con tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng |
“Dị nhân”... không giống ai
Lên 6 tuổi, Tùng Nhân vẫn là đứa trẻ không biết nói - chẳng biết đi - “đặt đâu nằm đó”, mặc dù các bạn cùng trang lứa đã sửa soạn vào lớp 1. Nhưng lúc 7 tuổi, một ngày nọ tự dưng Tùng Nhân lại... biết đi. 8 tuổi, cậu bé tự nhiên nói được thành thạo mà chẳng cần bi bô tập nói ngày nào trong sự ngỡ ngàng của cha mẹ.
Thế nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì những người thân trong gia đình lại liên tiếp gánh chịu tai họa bởi lớn lên một chút nữa, mỗi lần phát bệnh, Tùng Nhân thường dùng dao, gậy đuổi chém, đánh đập người thân. Trong đó, có lần người cha bị chém rách đầu, thủng lưng phải nhập viện điều trị, người mẹ cũng bị Nhân đánh đập thâm tím khắp người. “Thương nhất là em gái nó, có lần con bé bị thằng Nhân vác gậy đánh cho tím đen từ đầu đến chân. May mà vợ chồng tôi về kịp chứ nếu không thì...”, bà Hương nước mắt ngắn dài kể lại.
Ngoài tính “côn đồ”, Tùng Nhân còn đặc biệt khoái đi lang thang, mặc dù cứ đi ra khỏi bán kính 500m tính từ nhà mình thì cậu ta “chịu chết” không biết đường về. Sau vô số lần bỏ hết công việc để khổ sở đi tìm con, cha mẹ Tùng Nhân gửi cậu vào Trường nuôi dạy trẻ thiểu năng Hoa Phong lan Đà Lạt. Nhưng tại đây, cậu bé vẫn thường xuyên leo tường bỏ trốn đi lang thang. Sau vài lần phải đăng thông báo lên mục “Tìm trẻ lạc” trên đài truyền hình, nhà trường bất đắc dĩ phải trả Tùng Nhân về cho gia đình.
Trở về nhà, Tùng Nhân lại “bổn cũ soạn lại” khi đóng vai “người trong giang hồ” khi hết đánh mẹ lại dồn cha chạy quanh xóm. Trước tình thế này, gia đình buộc phải đưa cậu vào trại tâm thần, nhưng vào đến đây thì Nhân lại tỏ ra... hiền lành, bình thường như chưa hề mắc bệnh!
Nhắc lại chuyện cũ, bà Hương bảo rằng lần gửi Tùng Nhân vào Trại tâm thần Biên Hòa (Đồng Nai), các bác sĩ sau một thời gian theo dõi đã ngạc nhiên hỏi gia đình: “Cháu bình thường thế này, đưa vào đây làm gì?”. Tình trạng lặp lại ở Trại Trọng Đức (Lâm Đồng) khi cán bộ ở đây quả quyết Tùng Nhân là người “hiền lành, không có dấu hiệu tâm thần”.
Dạo chơi trên lưới điện cao áp
Sự phá phách của Tùng Lâm không chỉ ảnh hưởng đến người thân mà còn khiến hàng xóm của cậu nhiều lần mệt mỏi. Tính đến nay Tùng Lâm đã 4 lần châm lửa đốt nhà mình khi cả nhà đi vắng. Đương nhiên, hàng xóm xung quanh phát hiện hỏa hoạn đều phải chạy hộ tốc đến dập lửa giúp gia đình này. Thế nhưng việc chữa cháy nhà xem ra vẫn không khó chịu bằng việc người dân địa phương nhiều lần phải... mất điện sinh hoạt vì Tùng Nhân.
Chuyện là cứ ít ngày Tùng Nhân lại “nổi hứng” mà trèo thẳng lên đỉnh cột điện cao thế, ngồi hát véo von trên “không trung” đến chán chê rồi mới lò dò đu xuống. Thấy Tùng Nhân không cần bất cứ công cụ hỗ trợ nào mà vẫn có thể leo cột điện phăm phăm, ngay cả những thợ điện lâu năm cũng “mắt tròn mắt dẹt” vì kinh ngạc.
Một điều đương nhiên ai cũng biết là leo trèo lên cột điện lại còn vắt vẻo trên dây điện là vô cùng nguy hiểm chính, vì vậy mỗi lần thấy Tùng Nhân “ngự” ở trên đó là người dân lại phải tìm mọi cách “dụ dỗ” cậu leo xuống. Nếu không “dụ” được, mọi người đành gọi điện thoại khẩn cấp cho Điện lực Lâm Hà, yêu cầu cắt điện toàn bộ khu vực để tránh xảy ra chuyện thương tâm. Tuy vậy, đã vài lần mọi người không kịp phát hiện hoặc không kịp báo cắt điện, thế là “bộp”, Nhân bị điện giật, rơi phịch xuống đất từ độ cao gần chục mét.
“Đến nay Tùng Nhân đã bị điện giật 4 lần. 3 lần trước, cháu đều bị phỏng toàn thân không khác gì ổ bánh mì nướng nhưng chân tay không bị thương tích gì, chỉ nằm viện 15-20 ngày là ổn”, bà Hương cho biết. Điều này khiến ngay cả các y, bác sĩ cũng ngạc nhiên bởi người bình thường không may vừa bị điện giật lại rơi từ trên cao xuống “không mất mạng cũng thương tích đầy mình”, vậy mà Tùng Nhân lần nào cũng “bình an vô sự”.
Lần gần đây nhất, Tùng Nhân tiếp tục “giỡn chơi với điện” là vào ngày 5/7/2012 và lần này cậu bị tai nạn nặng nhất: Gãy 2 xương ngón chân, hơi nứt xương bả vai nhưng không nghiêm trọng đến mức phải bó bột, chỉ riêng phần mông bị bỏng nặng độ IV nên Tùng Nhân còn đang phải tiếp tục điều trị trong bệnh viện.
Bên cạnh những điểm “xấu” nêu trên, Tùng Nhân bất ngờ bộc lộ là người có năng khiếu âm nhạc và diễn xuất rất tốt. Bà Hương cho biết, trong các cuộc thi văn nghệ khi còn học ở Trường Hoa phong lan Đà Lạt năm nào, Tùng Nhân luôn giành giải nhất nhờ nhảy bao bố giỏi, hát hay và kể chuyện vô cùng diễn cảm. Đặc biệt, cậu còn là khả năng chế đồ y chang, cứ thấy ai có cái gì khác lạ là y như rằng về Nhân đục đục đẽo đẽo chế “y như thật”. Hết cái ô tô bằng cỏ đến máy phát cỏ, máy bơm nước sè sè được “chế tạo” từ đống chai, lọ vứt đi...
Nhìn những ưu điểm và khuyết điểm của Tùng Nhân thấy cái gì cũng quá kỳ lạ, nhiều người đồn đoán cậu là “người giời”, “người bề trên” thậm chí là “thần thánh”. Nhưng cha mẹ Tùng Nhân thì ngậm ngùi: “Tôi cũng không biết tại sao con trai lại có những biểu hiện khác người như thế. Giờ điều mong mỏi nhất của hai vợ chồng là có sức khỏe để đi làm mướn kiếm tiền nuôi con, rồi tích cóp được chút tiền xây cái nhà tử tế để lỡ sau này có nằm xuống, con cái còn có chỗ chui ra, chui vô...”.
Hoàn cảnh kinh tế của gia đình “dị nhân” Lý Tùng Nhân hiện đang rất chật vật bởi họ vốn đã nghèo, bao năm nay lại phải bỏ qua nhiều công việc để trông chừng cậu con có quá nhiều khiếm khuyết. Mọi đóng góp hảo tâm giúp đỡ gia đình này xin gửi về: Ông Lý Kỳ, thôn Bằng Tiên 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng - Số điện thoại: 0976.466.893. |
Quang Toản