Đã có một thời hai cụm từ “nguyên quán” và “quê quán” khiến cho bao người dở khóc dở cười vì không thể phân biệt. Sau đó, nhờ quá trình cải cách và đơn giản hóa thủ tục, hai cụm từ này đã được quy về một mỗi, thậm chí được giản lược, bỏ qua ở một số loại giấy tờ. Thế nhưng, sự rắc rối của những ông bố bà mẹ khi đi khai sinh, khai khẩu cho con nào đã hết…
minh họa |
Đã thống nhất vẫn… rối mù!
Cách đây gần chục năm, khi chị Đinh Thị Quyên (khu tập thể Bách Khoa, HN) đi đăng ký khai sinh cho con đã gặp rắc rối vì hai từ “quê quán”. Chồng chị Quyên vốn là người Hải Dương, nhưng cha mẹ anh khi còn trẻ đã lên Hà Nội công tác và sinh sống rồi cưới nhau, sinh ra chồng chị và định cư. Khi khai đăng ký khai sinh cho con, chị Quyên ghi quê quán của con là Hải Dương theo quê gốc của ông nội cháu.
Nhưng, lạ một nỗi là cán bộ hộ tịch không chịu và yêu cầu chị phải khai lại với phần quê quán là Hà Nội – cũng chính là nơi sinh của chồng chị, cha đứa bé. Chị Quyên ngẩn mặt thắc mắc: “Nhưng quê chồng tôi có phải là Hà Nội đâu, đó chỉ là nơi sinh thôi mà ”, thì được giải thích: “Đề nghị chị xem lại phần hướng dẫn khai. Quê quán là nơi sinh trưởng của cha đẻ. Còn nguyên quán mới là quê gốc của chồng chị.”
Đó là câu chuyện của ngày xưa, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi mục "nguyên quán" thành "quê quán" (trước đây Bộ Tư pháp và Bộ Công an có sự khác nhau về sử dụng thuật ngữ nguyên quán, quê quán.
Thuật ngữ "nguyên quán" là do Bộ Công an đưa ra để yêu cầu người dân khai trong các giấy tờ do bộ này có thẩm quyền cấp như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu... Còn Bộ Tư pháp sử dụng thuật ngữ "quê quán" để yêu cầu người dân khai khi đi làm giấy khai sinh, lý lịch...). Nhưng một thời gian sau khi có văn bản thống nhất “nguyên quán” và “quê quán”, sự hướng dẫn cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có.
Thế nên mới có chuyện khi đi làm giấy tờ hộ tịch nhất là đăng ký khai sinh cho con, có nơi hướng dẫn người dân khai "quê quán là quê gốc của cha", có nơi lại hướng dẫn khai "quê quán là nơi sinh trưởng của cha"… gây ra những tranh cãi không đáng có ngay trong chính các cơ quan công quyền, lẫn công dân và cán bộ.
Để chấm dứt tình trạng tranh cãi này, ngày 2/6/2008, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 01/2008/TT-BTP hướng dẫn thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch. Theo đó, Điểm e, Khoản 1, Mục II, Thông tư 01 quy định “quê quán của con được xác định theo quê quán của người cha hoặc quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ”.
Thế nhưng, theo nhiều cán bộ tư pháp thì việc hướng dẫn khai quê quán như vậy vẫn chưa ổn, đạt tới sự thống nhất bởi quê quán theo thỏa thuận của cha mẹ thì sẽ được sự lựa chọn một trong hai nơi (cha hoặc mẹ), trong khi tập quán thì mỗi vùng, mỗi miền mỗi khác, tránh sao được sự xung đột trong chính bản thân gia đình người đi làm giấy tờ.
Tắc vì... đơn giản hóa?
Anh Phạm Hồng Hà (ở khu tập thể Nam Đồng, HN) lấy vợ và sinh đứa con đầu lòng tháng 8/2010. Anh Hà có vợ là người dân tộc Thái nên khi đi đăng ký hộ khẩu anh đã khai quê quán của con anh theo vợ để sau này con được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thế nhưng, việc làm của anh không được gia đình bên nội nhất trí, bắt theo quê cha nên anh phải đi cải chính lại giấy tờ.
Tuy nhiên, lúc này cái khó lại nảy sinh khi cán bộ cho biết rằng vì trong mẫu giấy khai sinh mới không có phần ghi về quê quán, nên nếu giải quyết nội dung cải chính quê quán để chỉnh sửa hộ khẩu thì… không thể thực hiện được vì không có gì làm căn cứ.
Sở dĩ có sự trúc trắc như vậy bởi ngày 1/7/2010, theo Thông tư số 08.a/ 2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp, các cơ quan đăng ký hộ tịch trên cả nước đã đồng loạt đưa vào sử dụng biểu mẫu hộ tịch mới theo quy định của Bộ Tư pháp.
Các biểu mẫu hộ tịch mới có nhiều thay đổi so với biểu mẫu cũ. Đặc biệt trong biểu mẫu khai sinh, bỏ mục “quê quán” trong phần khai về nhân thân của người được khai sinh... Thế nhưng lúc này một vấn đề mới lại nảy sinh, chính là câu chuyện của anh Hà nói tới ở trên đây.
Dương Nhi