Từ 2006-2009, Đỗ Hồng Cư rời bỏ truyền hình theo chồng sang Mỹ sống. Ba năm ấy, Đỗ Hồng Cư nghĩ sẽ là một khoảng lặng. Chính chị cũng không ngờ, 3 năm khoảng lặng lại mang đến cho chị những trải nghiệm, những tác phẩm quý giá. Gặp Đỗ Hồng Cư khi chị trở về…Chị là một trong những gương mặt đầu tiên của kênh VTV3. Những năm 1996, chị lên hình cùng Lại Văn Sâm trong những chương trình showgame đầu tiên như Trò chơi liên tỉnh, SV 96… Bẵng đi một thời gian, chị "biến mất". Nhiều khán giả vẫn nhớ một Đỗ Hồng Cư thông minh, hoạt bát. Lý do chị lui vào hậu trường là gì? Tôi nhận thấy lúc bấy giờ ở tuổi 25, tôi có những thay đổi về nhận thức. Tôi không còn thích những thứ mà cách đó khoảng 2,3 năm về trước, tôi thích mê mệt. Hình như, lúc ấy tôi chỉ thích lấy chồng (cười). Kể từ năm 2000, tôi lập gia đình rồi sinh con, tôi lui vào những công việc hậu trường phía sau màn hình, không ‘’quần quật” như 4 năm trước nữa.
Nhà báo Đỗ Hồng Cư |
Được đứng trước máy ghi hình là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ. Ngoại hình là yếu tố được đề cao. Đôi khi, chỉ cần có ngoại hình là trở thành MC. Xin hỏi, lý do chị lui vào hậu trường, có khi nào là vì… nhan sắc? Tôi nghĩ, với nghề MC, ngoại hình là một tiêu chí. Cảm nhận trực quan của khán giả khi xem một MC dẫn chương trình bao giờ cũng bắt đầu từ ngoại hình, sau đó đến giọng nói, từ đó, đến nội dung của câu chuyện. Nếu MC có ngoại hình tốt, nhưng dẫn dắt không hay, khán giả sẽ nhanh chán. Nếu MC biết cách dẫn dắt câu chuyện, làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, sức hấp dẫn của câu chuyện sẽ làm lu mờ những cảm nhận ban đầu về ngoại hình. Nên theo tôi, phông kiến thức, cách dẫn dắt của người MC là quan trọng, nếu biết cách dẫn hay, có duyên- dù không có ngoại hình, MC vẫn thuyết phục được khán giả. Về phía cá nhân mình, tôi để dành mọi lời nhận xét cho khán giả (cười).Chị đã có 3 năm sống cùng chồng tại Washington DC, điều gì khiến chị không tìm những cơ hội lớn cho mình? Mỗi người sẽ có một định nghĩa riêng về cơ hội. Thực ra, 3 năm ấy, tôi nghĩ là mình có một cơ hội lớn để có được khoảng lặng của mình. Chồng tôi công tác trong Bộ ngoại giao. Anh được cử sang Mỹ công tác 3 năm. Tôi bỏ công việc tại Đài sang Mỹ chăm sóc chồng con. Khi ấy, tôi đã sinh hai con, và đã sinh thêm em bé thứ 3 trên đất khách quê người, chắc do buồn quá (cười). Tôi đã gác lại tất cả mọi công việc để dành thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng máu nghề nghiệp đã ăn sâu vào con người mình, không bỏ được. Đi đâu, gặp gỡ ai, tôi cũng thấy đó là một đề tài có thể làm phóng sự được. Chính trong 3 năm khoảng lặng ấy, tôi đã có những trải nghiệm, những kỷ niệm, những tác phẩm khó quên, và quý giá.
Đỗ Hồng Cư đứng trước vườn đào tại Mỹ, chồng chị là người cầm máy quay camera. |
Chị có thể kể…? Tôi nhớ những ngày giáp Tết, đi chợ người Việt, nhìn người Việt sắm Tết, tôi vừa nhớ Hà Nội, nhớ nhà, lại vừa nghĩ ngay đến việc làm phóng sự về người Việt ăn Tết ở Mỹ. Rồi nhìn thấy những cành đào ở Mỹ, tôi cũng không thể cầm lòng. Hoa đào trên đất Mỹ rất khác hoa đào ở Việt Nam mình, tôi quyết tâm thực hiện một phóng sự về người trồng đào trên đất Mỹ. Từ nhà tôi đến chỗ người trồng đào khá xa, khoảng 200km. Hai vợ chồng tôi lái xe đi. Đến nơi, tôi phỏng vấn người trồng đào, ông xã cầm camera quay. Khi về đến nhà, không hiểu lý do vì sao, chồng tôi lỡ tay xóa sạch. Tôi đã hứa với người bạn ở ban thời sự, sẽ gửi phóng sự về hoa đào trên đất Mỹ trước chương trình thời sự 7h tối. Vậy là 2h sáng ở Mỹ, tôi phải gọi điện cho người trồng đào xin đến quay lại. 2h sáng, hai vợ chồng đặt các con ra ghế sau ôtô, mấy anh em ngủ lăn, bố mẹ lại lao đến nhà người trồng đào và quay lại từ đầu. Chị được làm công việc mình thích, và lại luôn được chồng ủng hộ, “tác chiến” cùng như thế… Đó là do chị may mắn, hay do chị biết cách giữ gia đình? Chồng tôi là người yêu thích truyền hình nên rất ủng hộ vợ. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng, tôi chẳng làm gì sai để không được ủng hộ cả. Hiện giờ, tôi đang sống cùng chồng và 3 đứa con. Tôi yêu quý và trân trọng những gì mình có và những gì mình đã đi qua, ngay cả với những nỗi buồn. Đó là lẽ sống của tôi. Nhưng trong sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn có những ước mơ…Ước mơ về một khoảng trời khác…? Tôi kể bạn nghe thêm một kỷ niệm khó quên ở Mỹ. Thỉnh thoảng, tôi hay đi chợ người Việt, cách xa nhà chừng 45 phút lái xe. Tôi thèm ăn rau muống. Tôi phát hiện ra một gia đình chuyên trồng đủ các loại rau Việt Nam, tôi tìm đến. Bà ấy tên là bà Bọc. Khi tôi đến, bà Bọc- đầu đội nón mê, chân tay cáu bẩn, đang ngồi ăn cơm nguội chan canh rau dền ở góc vườn. Chồng bà là người Mỹ, cao to đẹp trai, làm kế toán, nhưng cứ rảnh rỗi lại ra vườn giúp vợ chăm sóc các loại rau. Nhìn bà Bọc ăn cơm nguội chan canh rau dền, chồng bà bắc dàn cho rau bí leo, tôi cảm giác, đó như một tác phẩm văn học. Vậy là tôi lại quay về nhà, lấy camera đến quay. Nhà bà Bọc có đủ các loại rau quen thuộc của Việt Nam, từ cây rau húng, cây ớt, rau muống, rau bí… Bà Bọc nhìn đúng là một bà nông dân thuần chất. Bà quê gốc tận Hưng Yên, sang Mỹ từ năm 1975. Tôi hỏi bà, tại sao sống ở Mỹ ngần ấy năm, bà không hề thay đổi? Bà Bọc trả lời, chả có lý do gì phải thay đổi. Bố mẹ bà là nông dân, và bà cứ việc sống như một nông dân thứ thiệt trên đất Mỹ. Tôi đã ngồi cạnh bà Bọc ở vườn rau muống, được bà mời một bát cơm nguội chan canh rau dền, cảm giác vừa thương nhớ, vừa gần gũi. Sau khi hoàn thành phóng sự, tôi có hứa sẽ gửi tặng đĩa CD phóng sự này, nhưng bà bảo, bà chẳng cần đĩa, chỉ cần khi nào có người về Việt Nam, mua giúp bà mấy cái nón mê là được.(Tôi đã thực hiện được lời hứa này khi gửi tặng bà mấy cái nón mê... đó là những kỷ niệm không bao giờ quên của đời tôi). Tôi thích làm báo. Tôi thích làm những phóng sự có tính báo chí như thế, đó là ước mơ của tôi. Có thể tôi sẽ về hưu sớm (cười). Tôi sẽ mở một quán cà phê, hoặc một cửa hàng bán bánh trái gì đó, ngày ngày vừa làm vừa chơi, vừa được chăm sóc gia đình vừa được giao tiếp với xã hội. Thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp và lại được làm những phóng sự như thế, giữa đời thường.
Theo Hiền Hương
Dân trí
Dân trí