Hai chị em gái, chẳng biết duyên số thế nào lấy chồng cách nhau có vài tháng. Bạn bè đến chúc mừng hai bác: "Thở phào nhẹ nhõm đi nào, tống tiễn được hai quả bom nổ chậm, mừng cái là đều chồng gần, thời nay là của hiếm đấy!".
Bác gái rưng rưng mừng vui, đó là điều bác tâm đắc nhất. Hai đứa đều theo sự "chỉ điểm" của bác mà chọn nơi gần mẹ.
Cô chị lấy chồng đầu phố này với giữa phố kia. Theo như cô tếu táo thì nhà này chửi có khi nhà kia nghe thấy. Hai bà cùng cánh đi buôn lạc với nhau ngày trẻ, dấm giúi, dành phần suốt bao năm, cuối cùng cũng thoả tâm nguyện.
Cô chị hài lòng tâm sự: "Lấy chồng xa chim kêu vượn hót biết nhà má đâu?. Gần gựa đây thi thoảng cháu còn đáo qua thăm, có gì buồn tha hồ kể lể, khóc lóc cho nhẹ lòng".
Cô em gái hỉ hả: "Có gần nên cháu mới chấm đấy ạ". Hai nhà nhà cách nhau đâu có năm phút chạy bộ. Hai đứa ngày học cùng cấp ba cũng đến rủ nhau đi học suốt, ấy thế là thành đôi. Kể cũng vui, giờ có gì cần chỉ "ới" chúng một câu là tề tựu đông đủ.
Mọi việc yên ổn cho đến ngày cô chị sinh hạ cậu nhóc kháu khỉnh. Ba tháng sau cô em cho ra đời một con cún dễ thương. Bà ngoại bắt đầu quay như chong chóng! Mỗi ngày nhận hàng chục cú điện thoại của các con.
Hôm bác trai bị ngã đau chân mất cả tuần, các cô nháo nhào: "Mẹ đến với con nhé!". Bác gái ậm ừ, cô chị liền gọi cho bố: "Bố ơi, bố đã đỡ đau chưa ạ?". Bác trai hồ hởi cảm động vì con gái quan tâm: "Ừ, rồi, đỡ hơn nhiều rồi". Con gái thỏ thẻ tiếp: "Bố cho mẹ sang với con vài hôm nhé! Thằng cu quấy quá!". Bác trai im luôn, đành gật đầu để bác gái đi.
Em gái vừa sinh xong gọi điện mếu máo: "Mẹ đến ngủ với con, anh ấy đi công tác suốt. Mẹ chồng thì bận bán hàng chẳng ngỏ nghê gì. Tối đến ngủ khò khò con cứ phải trở mình dậy đi lại thay tã cho cún, vết khâu đau không chịu nổi".
Thế là bác gái lại thương con thắt ruột, vượt gió rét đến chăm gái đẻ. Bác cũng biết thừa, hai bà thông gia ỷ có bà ngoại ở gần nên bơ thuỗn cho ba bà cháu, mẹ con nó chăm nhau.
Cô chị sụt sịt: "Mẹ thương cháu thì năng qua đây, mẹ chồng có tốt mấy cũng chẳng chu đáo bằng mẹ ruột được, có muốn nhờ gì cũng ngại". Bác gái lại tặc lưỡi: "Máu mủ ruột rà nhà mình cả, từ ngàn đời xưa chả có câu "cháu bà nội, tội bà ngoại" là gì". Bác tự an ủi mình, gần đây vẫn còn phúc hơn chán vạn người. Phải đứa lấy chồng xa, có khi còn bị gọi đi "biệt phái" luôn cũng nên.
Hàng xóm bông đùa: "Bác gái cứ như là ngôi sao đang lên, nhiều người hâm mộ nên chạy "sô" liên tục". Bác thấy mệt phờ, sống lại những ngày nuôi con mọn, và đôi lúc giật mình, ngày xưa mình nào có được chăm chút thế đâu!
Thi thoảng bác được lời khen lấy lệ của bà thông gia: "Bà ngoại chăm cháu khéo quá, đứa nào đứa nấy mũm mĩm ra". Bác gái lại ý tứ húng hắng ho. "Được tiếng khen ho hen chẳng còn".
Năm tháng trôi đi, hai đứa bé lớn dần, bắt đầu đến tuổi "tai quái", cấu chí nhau suốt ngày. Các con vẫn đều đặn gửi cháu cho bà ngoại còn mình đi làm. Hôm con em đanh đá cào xước mặt thằng anh, tên kia không vừa cũng "ác ôn du côn" xông vào nhéo con bé tím tái tay chân. Bác gái hốt hoảng, vừa thương cháu, chẳng biết bênh đứa nào, vừa lo mẹ nó không để bác yên. Quả nhiên chiều đón con hai chị xót xa, quay ra trách móc nhau rồi hờn dỗi: "Bà ngoại đi đâu để các cháu đánh nhau đau nhường này".
Bao tức khí dồn nén bấy lâu, bác gái cho ra hết: "Bước! Bước ngay! Vừa mất lực vừa bực mình. Đấy, chúng mày cứ thử hỏi xem vì sao người ta thích đẻ con trai".
Mấy mẹ con mặt tái xanh run rẩy, bìu ríu nhau ra về.
Bác gái vẫn chưa nguôi giận, Tối đã thấy cô em hớt hải gọi điện: "Mẹ ơi, cún sốt đùng đùng, mẹ đến giúp con với!". Bác gái cắn cảu: "Mặc xác mẹ con mày". Con gái nấc lên nghẹn ngào, tiếng đứa cháu phều phào qua điện thoại: "Bà ngoại ơi qua với cháu, cháu mệt lắm, nhớ bà lắm!". Lòng bác lại chùng xuống: "Ừ, Bà sang đây!".
Theo Giađình