Các sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em dịp Trung thu hiện tràn ngập thị trường, nhưng phần lớn không có xuất xứ rõ ràng. Sau các sự vụ đồ chơi có sơn bị nhiễm chì, nhựa gây ung thư hoặc hóa chất dùng trong sản phẩm gây độc hại…, chất lượng loại hàng hóa này được quan tâm hơn, khi quy định của Nhà nước về việc dán tem đạt chuẩn chất lượng (CR) chính thức có hiệu lực từ ngày 15-4-2010.
Muôn màu
Vào thời điểm Tết Trung thu gần kề, các mặt hàng đồ chơi phục vụ trẻ em nhân dịp Trung thu được bày bán khắp các tuyến phố tập trung nhiều nhất ở Cầu Đất, Quang Trung- Nhà hát thành phố, Lý Thường Kiệt. Dạo quanh mới thấy sắc đỏ vàng, 2 màu chủ đạo của đồ chơi Trung thu chiếm diện tích hầu hết mặt tiền vỉa hè khu phố Cầu Đất. Nào đầu lân, sư tử to nhỏ đủ kích cỡ, đèn lồng, mặt nạ, các loại đao kiếm nhựa phát sáng kèm những âm thanh hấp dẫn trẻ nhỏ. Với bé gái, có thể dễ dàng nhận thấy những đôi cánh bướm, cánh thiên thần cầu kỳ nhiều màu sắc, vương miện phát sáng lấp lánh, phương trượng nữ hoàng bằng nhựa với những kiểu dáng bắt mắt vô cùng, tóc giả, thú nhồi bông... Còn cho bé trai thì đủ loại xe đua, siêu nhân, súng ánh sáng, mặt nạ, đồ chơi điện tử điều khiển từ xa... Hầu hết chủng loại mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc.
Cũng có những cửa hàng chủ yếu bán đồ chơi Việt
Năm nay đầu sư tử được các cơ sở sản xuất chú trọng hơn về mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu và được làm rất cầu kỳ. Cùng với đó thì giá thành của mỗi chiếc đầu lân cũng vọt lên cao ngất ngưởng. Tại các sạp hàng đầu phố Cầu Đất, đầu lân bé cho trẻ em chơi cũng ở mức 200.000- 500.000 nghìn đồng, những chiếc đầu lân to và cầu kỳ hơn thậm chí lên tới cả tiền triệu. Mức giá như vậy chỉ phù hợp với những gia đình khá giả hoặc của các đơn vị - đoàn thể, trường học hoặc các phường mua về phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của một tập thể thiếu nhi.
Mặt nạ là một thứ không thể thiếu trong các cửa hàng đồ chơi Tết Trung Thu. Ngoài những mặt nạ truyền thống như: chú Tễu, các nhân vật trong phim Tây Du Ký, con thỏ... những mặt nạ có hình thù kinh dị xuất hiện khá nhiều và được bán rất chạy. Đặc biệt, những chiếc mặt nạ như trong lễ hội hóa trang rất phổ biến. Những sản phẩm này phục vụ cho thanh niên là chủ yếu.
Anh Lương Đức Hoàn ở số 1/132 đường Tây Sơn ( quận Kiến An) dẫn con trai đi mua đồ chơi, nhận xét: "Đồ chơi nhựa Trung Quốc màu sắc đẹp, lại phong phú, có hình những con vật nên trẻ con rất thích, chứ những đồ chơi giấy như đèn ông sao, đèn lồng giấy này chúng không thích lắm".
Chị Yến, chủ một sạp hàng đồ chơi Trung thu tại phố Cầu Đất cho biết rất ít các ông bố, bà mẹ mua đèn ông sao mà thường mua những loại đèn, đồ chơi của Trung Quốc, vừa có đèn vừa có nhạc. Những chiếc trống bỏi dù rất rẻ nhưng cũng ít người mua.
Liệu có đạt chuẩn chất lượng?
Theo quy định Bộ Khoa học-Công nghệ, từ 15-4 đồ chơi trẻ em lưu hành trên thị trường phải tiến hành dán tem kiểm định chất lượng (CR). Sau ngày 15-9, bất cứ đồ chơi trẻ em nào lưu hành trên thị trường không dán tem CR sẽ bị tịch thu và xử phạt. Tuy nhiên, chỉ vài ngày nữa là đến thời điểm này, không riêng người bán mà ngay cả người mua cũng thờ ơ với quy định trên.
Tại khu vực quanh Nhà hát thành phố, vào buổi tối ngoài các sạp hàng ở phía đường Quang Trung còn có rất nhiều xe, gánh hàng rong bán đồ chơi trẻ em, đặc biệt là những đồ chơi dùng trong dịp Tết Trung thu. Hầu hết sản phẩm đồ chơi trẻ em không có tem CR, phụ huynh khi mua đồ chơi cho con cũng không quan tâm đến việc này, mà chọn mua sản phẩm nào đó chỉ đơn giản xuất phát từ sở thích của trẻ nhỏ. Khi được hỏi về tem CR, chị Nguyễn Thị Lan ở 41 phố Nguyễn Hữu Điều trả lời " Tôi thấy cháu thích và giá thành cũng phải chăng nên mua thôi, chứ tôi có biết gì về tem với mác đâu. Mà bây giờ cái gì họ cũng làm giả được đầy ra kia thì tem giả có khó gì. Trách nhiệm quản lý thuộc về Nhà nước, chứ chúng tôi là người tiêu dùng kiểm định làm sao được chất lượng.”
Một cặp vợ chồng chở theo cậu con trai vẻ hiếu động vừa đỗ xe ngay cạnh đó hỏi mua mấy chiếc mặt nạ hình ma quỷ, nghe thấy hỏi về việc dán tem CR theo quy định, liền nhún vai nói: "Đồ lậu mà em, làm gì có tem". Như để giải thích thêm, cô bán hàng khẳng định tem thực chất chỉ để "loè" thiên hạ. "Trong mấy cửa hàng to thì người ta có dán tem nhưng chẳng để làm gì đâu. Tem đó chị mua về dán cũng được, em cứ yên tâm về chất lượng. Tất cả đều là hàng bảo đảm từ Trung Quốc", cô chủ ra sức chào hàng.
Có thể thấy chính những ông bố bà mẹ dẫn con đi mua đồ chơi cũng chưa nắm rõ chất lượng, tác hại của những sản phẩm đồ chơi nhập lậu không rõ nguồn gốc. Họ vô tư mua về mà không lường tới sự độc hại của món đồ khi mà rất nhiều hậu quả và những khả năng nhiễm bệnh đã được báo, đài hằng ngày cảnh báo.
Trong các siêu thị như Big C, Intimex Minh Khai và một số hiệu sách cũng bày bán nhiều sản phẩm đồ chơi và đồ chơi Trung thu cho thiếu nhi. Đa số vẫn là hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, có chăng chỉ thêm tem nhập khẩu và ghi chú xuất xứ nguồn hàng, còn về chất lượng có bảo đảm không, đạt chuẩn không cũng không ai dám nói rõ ràng.
Anh Phạm Trung Phương, ở 206 phố Vũ Chính Thắng (quận Lê Chân ) cho biết, khi đi mua đồ chơi cho con, anh thường chú ý tới chất lượng sản phẩm bảo đảm an toàn cho trẻ. Nếu món đồ giá tiền cao hơn nhưng nguồn gốc xuất xứ rõ ràng anh vẫn chấp nhận mua chứ không dám mua những đồ chơi không nguồn gốc. Anh cũng chia sẻ vài năm gần đây, thông tin về đồ chơi Trung Quốc chứa nhiều chất độc hại gây ảnh hưởng đến trẻ nhỏ khiến gia đình anh và người thân phải dè chừng khi mua cho con, cháu. Hơn nữa, những thứ thuộc về văn hóa dân tộc truyền thống đang dần mai một khiến nhiều người làm cha mẹ cũng nuối tiếc, muốn con mình hiểu về các đồ chơi truyền thống xưa kia. Vì vậy, năm nay anh lựa chọn và hướng cho con mình mua những sản phẩm đồ chơi truyền thống và cũng hướng tới các địa chỉ mua hàng tương đối an toàn như trong các siêu thị, hiệu sách..
Hiện đồ chơi Trung thu được bày bán la liệt trên phố, tại các chợ, cửa hàng… hầu hết không có tem nhập khẩu hoặc tem đạt chuẩn CR. Ai sẽ bảo vệ quyền được an toàn cho trẻ em, nhất là các bé sống trong gia đình bình dân hoặc các bé ở tỉnh xa không có điều kiện để mua hàng trong siêu thị?
Quỳnh Mai