Nhiều trung tâm luyện thi ĐH tại TP HCM, Hà Nội, đang lao đao vì số học sinh “lớp 13” đến đăng ký tới thời điềm này vẫn đếm trên đầu ngón tay. Nhiều nơi không dám mở thêm lớp mới.
Đại diện một trung tâm luyện thi (TTLT) lớn tại TP. HCM cho biết, từ thời điểm tháng 9 năm ngoái tới nay, nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng vì số học viên quá èo uột. Do đó, các trung tâm đều hy vọng sau Tết Nguyên đán, tình hình sẽ khả quan hơn, khi các học sinh “lớp 13” (trượt ĐH từ năm trước) bắt đầu vào “đường đua”.
Vắng như "chùa bà Đanh"
Thế nhưng, mong muốn này chưa trở thành hiện thực. Theo khảo sát, các TTLT lớn tại TP. HCM, như: TTLT ĐH Sư phạm TP. HCM (280 An Dương Vương, quận 5), Trung tâm Bồi dưỡng văn hoá và luyện thi ĐH Khai Nguyên (Nguyễn Tri Phương, quận 5), TTLT Tô Hiến Thành (quận 10)… đều rơi vào cảnh đìu hiu.
Tại TTLT ĐH Khai Nguyên thời điểm này chỉ có 2 lớp khai giảng từ tháng 9/2009, mỗi lớp chưa tới 20 học viên. Chị Thảo, nhân viên phòng ghi danh, cho biết: Trung tâm bắt đầu mở cửa ngay từ 21/2, nhưng cả tuần nay chỉ có ba học viên đăng ký. “Mà đây cũng 3 học viên của lớp cũ, tới đóng tiền đăng ký học tiếp, chứ chưa có học sinh mới nào. Với tình hình này, chúng tôi không dám mở khoá mới. Trung tâm hoạt động hơn chục năm nay rồi, nhưng chưa khi nào thê thảm như năm nay”, chị Thảo than thở.
Hầu hết trung tâm luyện thi đều rơi vào cảnh đìu hiu. (Ảnh chụp tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH Khai Nguyên, TP.HCM). Ảnh: Thoại Văn |
Còn tại Trung tâm Bồi dưỡng văn hoá ngoài giờ Chu Văn An (quận 5), tình hình cũng không khả quan. Các lớp luyện thi cũ khai giảng từ tháng 9/2009 nhưng chỉ có gần 50 người. Sau Tết Nguyên đán, trung tâm chiêu sinh khóa mới, khai giảng vào 1/3 với các môn Toán, Lý, Hoá, Anh, nhưng hiện chỉ có 20 người ghi danh. “Với lượng đăng ký này, chưa biết chúng tôi sẽ khai giảng thế nào. Cùng thời điểm này, mọi năm lượng người đăng ký luyện thi đã rất đông”, chị Nguyệt, nhân viên phòng ghi danh của trung tâm này, nói.
Trung tâm chất lượng cũng… “khóc”
Các trung tâm luyện thi có “thâm niên” và được xem là chất lượng như các trung tâm luyện thi: Hùng Vương (124 Hùng Vương, quận 5), trung tâm luyện thi ĐH Sư Phạm (280 An Dương Vương, 293 An Dương Vương quận 5 và 222 Lê Văn Sĩ, quận 3), Trung tâm Bồi dưỡng văn hoá và luyện thi ĐH Sài Gòn, TTLT Chất lượng cao Vĩnh Viễn… cũng cùng cảnh ngộ, lác đát vài người ghé đến phòng ghi danh mỗi ngày. TTLT Vĩnh Viễn có đến ba cơ sở, nhưng sau Tết, mỗi cơ sở chỉ mở được hai lớp.
“Chúng tôi chưa bao giờ rơi vào cảnh vắng vẻ như năm nay”, ông Phạm Hồng Danh, Giám đốc TTLT Vĩnh Viễn, cho hay. Theo ông Danh nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hầu như tỉnh nào cũng có trường ĐH, phần đông học sinh thi trược sẽ ôn thi ngay tại địa phương, nên lượng học sinh “lớp 13” đổ về TP. HCM luyện thi ngày càng giảm.
Hơn nữa, các năm trước, nhiều học sinh, sinh viên các trường trung cấp và Cao đẳng nghề có khi bỏ học để luyện thi lại do nhiều trường không liên thông được hoặc không có chương trình liên thông lên ĐH. Nhưng hiện nay, hầu hết trường trung cấp, cao đẳng nghề đều liên thông lên ĐH nên sinh viên không bỏ học để luyện thi như trước.
Tại Hà Nội,ba trung tâm luyện thi lớn “hút” nhiều thí sinh, đặc biệt là thí sinh ngoại tỉnh đến là khu ĐH Bách khoa (phố Tạ Quang Bửu - quận Hai Bà Trưng), ĐH Khoa học tự nhiên (đường Nguyễn Trãi - quận Đống Đa) và khu ĐH Sư phạm Hà Nội (đường Xuân Thủy - quận Cầu Giấy). Tuy nhiên, những ngày này, ngay cả những lò luyện “có tiếng” này cũng giảm nhiệt.
Hầu hết các trung tâm vẫn duy trì những lớp dành cho thí sinh lớp 12 và “lớp 13” mở từ trước Tết, số thí sinh đăng ký lớp mới sau Tết khá “đìu hiu”. Cô Thủy, giáo viên dạy Văn của Trung tâm luyện thi ngõ 336 Nguyễn Trãi (cạnh trường KHXH-NV Hà Nội), cho hay hiện các lớp luyện thi chỉ khoảng 20 học viên một, không còn tình trạng cả trăm người nhồi nhét trong lớp học chật chội như những năm trước đây.
Theo chị H., nhân viên ghi danh trung tâm New Way (đường Tạ Quang Bửu) cho biết: Tầm này mọi năm, trung tâm thường kín phòng với lượng thí sinh “lớp 13” ôn thi, nhưng năm nay mới chỉ khởi động với vài lớp. Lớp vắng thí sinh “lớp 13” có thể do học phí ôn thi nhích lên và có quá nhiều trường đại học dân lập mở ra hút hết những thí sinh điểm thấp. Tương tự, những năm trước, trung tâm luyện thi Đa Minh (đầu ngõ 40 phố Tạ Quang Bửu) đã sôi động với hàng trăm thí sinh mỗi lớp thì năm nay tình hình khá đìu hiu.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Văn phòng Đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM, sự đổi mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ trong những năm gần đây là lý do để các thí sinh không phải vất vả chen chân trong các trugn tâm luyện thi nữa.
Ông Cường phân tích: Đề thi ĐH, CĐ hiện nay bám sát chương trình, nên học sinh nắm vững những kiến thức đã học là có thể đạt điểm trung bình trở lên. Bênh cạnh đó, thí sinh có thể lựa chọn ôn thi ngay tại trung tâm bồi dưỡng văn hóa tại trường đang học, hoặc tự “mài dùi kinh sử” theo hướng dẫn trên một số website có uy tín nên không nhất thiết phải đổ xô đến trung tâm như nhiều năm trước.
Theo Đất Việt