Được xem như một sự đa dạng của hôn nhân, nhưng tình trạng nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn luôn đặt các chuyên gia tư pháp và hành pháp vào cái thế của “người ngồi trên lửa”. Bởi nó được coi là một "nguồn nguy hiểm cao độ", là "bước trung gian" dẫn đến những biến thể hết sức phức tạp như sống thử đi cùng hệ lụy xấu hay các trường hợp chung sống như vợ chồng vi phạm điều kiện kết hôn...
Thế nên, dù đã được nhắc tới trong luật hiện hành, nhưng các nhà làm luật vẫn đang trên con đường gian nan tìm kiếm một định nghĩa chính xác cho tình trạng này, từ đó có cách giải quyết hợp lý hợp tình.
Luật “đuổi theo” cuộc sống
Thống kê không chính thức cho thấy, Việt Nam có 300.000 cặp đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, theo đánh giá, thì con số này mới là bề nổi, phản ánh những người tự nguyện khai báo, còn lại vẫn còn rất nhiều người cho rằng đó là việc riêng của họ, pháp luật và chính quyền "chẳng việc gì phải quan tâm".
Hiện tượng chung sống như vợ chồng mà không ĐKKH đang khá phổ biến ở Việt Nam. Ảnh minh họa. |
Về mặt xã hội, tình trạng nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn là một hiện tượng khách quan và luôn bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán. Việt Nam tuy là quốc gia khá cổ hủ về cách nhìn nhận cuộc sống vợ chồng nhưng hiện tượng này đã và đang tiếp tục tồn tại, thậm chí ngày càng nhiều hơn.
Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2000 hiện hành khi đề cập tới tình trạng nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn thì chỉ dừng lại ở mặt nguyên tắc, nhưng theo TS Nguyễn Văn Cừ, ĐH Luật Hà Nội trên thực tế đã phải công nhận và giải quyết rất nhiều.
Đưa vào luật là cần thiết Trao đổi với PV PLVN bên lề hội thảo “Bình luận về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HN-GĐ năm 2000” ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng tại nhiều quốc gia có một đạo luật gọi là Luật cùng chung sống trong đó đề cập tới vấn đề chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn, nhưng ở Việt Nam không có. Mặt khác, luật không quy định thì thực tế chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn vẫn diễn ra và quyền lợi của những người trong cuộc bị nhiều thiệt thòi do pháp luật dân sự chưa đáp ứng được. Thế nên, việc đưa quy định “chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn” vào pháp luật HN-GĐ là cần thiết. |
Bằng chứng là rất nhiều văn bản hướng dẫn thực thi luật đã đề cập tới. Cuộc sống cũng như con đường luôn có lề phải, lề trái và chọn đi bên nào là quyền của mỗi người – đó là lập luận của ông Nguyễn Hồng Hải (Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp) khi giải thích tại sao trong lần sửa đổi, bổ sung này, Luật HN-GĐ nhất thiết phải làm rõ khái niệm “chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn” và giải quyết rốt ráo những hệ quả của nó.
Trong dự thảo mới nhất để trình Quốc hội, Luật HN-GĐ sửa đổi, bổ sung đã định nghĩa: “Chung sống như vợ chồng là việc hai người khác giới tính hoặc cùng giới tính thỏa thuận tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng, có tổ chức lễ cưới hoặc được gia đình một hoặc hai bên chấp thuận”.
Đi kèm với khái niệm và một loạt các điều luật nhằm giải quyết các hệ quả của việc chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như quan hệ tài sản, quyền và nghĩa vụ giữa các bên…
Tại sao lại đưa vào luật?
Đó là câu hỏi mà bà Claudia Gutschalk - chuyên gia pháp luật của Bộ Tư pháp Đức đã hỏi các đồng nghiệp Việt Nam tại cuộc hội thảo “Bình luận về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HN-GĐ năm 2000” do Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức (Quỹ IRZ) tổ chức trong khuôn khổ chương trình đối thoại nhà nước pháp quyền Việt Nam – CHLB Đức, trong 2 ngày 11-12/9 mới đây.
Sở dĩ bà Claudia Gutschalk đặt ra câu hỏi này vì sau khi nghiên cứu kỹ Luật HN-GĐ hiện hành và dự thảo sửa đổi bổ sung, bà thấy rằng rõ ràng ở Việt Nam, quan điểm luật pháp chỉ bảo hộ cho những cuộc hôn nhân có ĐKKH. Phải chăng khi đưa vào luật như thế, sẽ có hai loại chung sống được thừa nhận là có ĐKKH và không ĐKKH?.
Khi dự thảo Luật HN-GĐ được đưa ra lấy ý kiến ở Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 10/9, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nhất thiết phải “đi tìm” cho chính xác định nghĩa rồi mới tính đến những điều luật sâu hơn.
Và cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia pháp lý đa số đều nhất trí việc phải xác định đầy đủ tiêu chí của việc “chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn”, để tránh việc hiểu nhầm luật ủng hộ hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, sau đó thì mới tính đến các điều luật chi tiết khác.
TS Nguyễn Văn Cừ - ĐH Luật Hà Nội: Thiết kế lại điều luật theo hướng khác Khái niệm “chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn” có thể làm nảy sinh hai tình huống phạm luật (vi phạm quy định về hôn nhân một vợ một chồng; chung sống với trẻ em, vị thành niên…) và không phạm luật (cả hai đều là người chưa kết hôn). Nhất thiết phải là rõ hai khái niệm này, để luật không “sa” vào chuyện ủng hộ điều sai trái. Về mặt hệ lụy của cuộc sống chung không ĐKKH, theo tôi vì họ không phải là vợ chồng theo luật nên có thể áp dụng pháp luật dân sự để giải quyết. Còn nếu đã nhất quyết đưa vào Luật HN-GĐ thì phải thiết kế lại thuật ngữ này theo hướng khác. |
Hồng Minh