Mỗi năm Lâm Đồng có khoảng 16 nghìn học sinh dự thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT, 40,6 % trong số này vào đại học hoặc cao đẳng, số còn lại sẽ vào giáo dục nghề nghiệp và phải đi một con đường vòng nếu muốn tiếp tục lên đại học.
Giờ thực hành tại trường Cao Đẳng Y tế Lâm Đồng. |
Đại học cũng đào tạo trung cấp!
Để đón lượng học sinh không vào được cao đẳng hoặc đại học là hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và các trường nghề. Theo Sở Giáo dục -Đào tạo Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện nay có đến 9 đơn vị có đào tạo hệ TCCN và đáng ngạc nhiên là trong số này lại có cả tên của 2 trường đại học: Đại học Đà Lạt và Đại học Yersin - Đà Lạt. 7 cơ sở còn lại gồm 4 trường cao đẳng: Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng tại Đà Lạt, Cao đẳng Công nghệ Kinh tế Bảo Lộc (trực thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn), Cao đẳng Y tế Lâm Đồng và Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt; trong 3 trường trung cấp có 2 trường ở Đà Lạt là Trung cấp Du lịch và Trung cấp Văn thư Lưu trữ, 1 trường tại Đức Trọng là Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Quốc Việt. Mỗi năm hệ thống đào tạo trung cấp trong tỉnh tuyển mới, trên 2.054 người, cộng với khoảng 3.000 học sinh trong tỉnh đi học TCCN ở tỉnh ngoài.
Bên cạnh đó, hệ thống trường nghề trong tỉnh cũng đang phát triển mạnh, thu hút khá đông học sinh theo học. Lâm Đồng hiện có 1 trường cao đẳng nghề tại Đà Lạt, 2 trường trung cấp nghề, 18 trung tâm dạy nghề, 23 đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có đăng ký dạy nghề, không ít những đơn vị này ngoài công lập. Học sinh học ở đây có thể vừa học nghề vừa học văn hóa và có không ít trường nghề cùng các trường TCCN, cao đẳng có liên kết với các đại học để liên thông cho học sinh sinh viên của mình.
Việc có nhiều trường đào tạo hệ trung cấp, kể cả đại học cũng dạy trung cấp khiến không ít trường, đặc biệt là những trường nhỏ, chưa có thương hiệu, gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Trong thực tế không ít trường mỗi năm chỉ tuyển được gần nửa so với chỉ tiêu được giao. Ông Nguyễn Đức Thiết, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế Bảo Lộc - một trường trung cấp mới được lên cao đẳng gần đây và cũng đang rất khó khăn trong việc tuyển sinh hằng năm, đã ví rằng các trường đại học như một chiếc vợt vét hết học sinh từ bậc đại học, cao đẳng cho đến trung cấp, chỉ còn lại một ít học sinh cho những trường nhỏ. Từ thực tế đó, một mặt đề nghị tỉnh nên cho phép các trường cao đẳng, TCCN trong tỉnh đi chào hàng tại các trường học để cải thiện tình trạng tuyển sinh. Mặt khác, cũng đặt ra câu hỏi liệu có nên để đại học đào tạo cả bậc trung cấp như thế không?
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hữu Luận, Sở GD-ĐT Lâm Đồng, việc có nhiều trường tham gia vào đào tạo TCCN và nghề như thế sẽ tạo một môi trường cạnh tranh có lợi cho người học. Người học sẽ chọn trường có “thương hiệu”, bằng cấp đảm bảo công ăn việc làm cho họ khi ra trường. Tự bản thân từng đơn vị cần tạo thương hiệu cho mình thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, liên kết với doanh nghiệp tìm việc làm cho sinh viên ra trường…, chỉ như thế nhà trường tự thân mới tạo được sức hút.
Cần định hướng nghề cho học sinh
Nghị quyết 17 NQ/TU ngày 20/10/2008 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đào tạo nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến 2020 đã chỉ rõ: Tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 45-50%, mỗi năm có 25-30 nghìn lao động được các doanh nghiệp bổ túc, đào tạo nghề phù hợp với công nghệ sản xuất, với yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm. Có sự thay đổi căn bản và toàn diện về chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và nền kinh tế tri thức.
Để đạt được mục tiêu nguồn nhân lực này, theo Sở GD ĐT Lâm Đồng, cần phát triển TCCN và dạy nghề trên địa bàn tỉnh trong cả 3 mặt: qui mô, chất lượng và hiệu quả đào tạo, đặc biệt là việc phân luồng học sinh. Mỗi năm, Lâm Đồng có khoảng 22 nghìn học sinh tốt nghiệp THCSû, gần 16 nghìn dự thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT. Trên cơ sở này, Sở dự kiến phân luồng học sinh như sau: Sau tốt nghiệp THCS sẽ có 80% trong số trên (17.600 học sinh/năm) tiếp tục vào học các trường phổ thông, 20% còn lại (4.400 học sinh/năm) vào giáo dục nghề. Sau tốt nghiệp THPT có 40,6% (6.500 học sinh) vào học cao đẳng, đại học, số còn lại 59,4% (9.500 học sinh/năm) vào giáo dục nghề trong đó có 6.000 học sinh vào TCCN và 3.500 vào đào tạo nghề.
Tuy nhiên, như ông Luận nhận xét, công tác phân luồng như thế hiện nay vẫn chưa có giải pháp rõ ràng. Việc hướng nghiệp cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức từ các cấp quản lý, các thầy cô giáo, đến các học sinh trong trường học. Nội dung chương trình học hướng nghiệp để phân luồng học sinh THCS là chương trình phụ, môn học phụ; việc phân bổ 27 tiết /năm chưa đủ để học sinh hiểu về nghề cho học sinh định hướng sau này. Ngay cả đội ngũ giáo viên dạy hướng nghiệp cho học sinh trong trường phổ thông hiện nay cũng chưa được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ về kiến thức lẫn kỹ năng chuyên môn để tác động thuyết phục các em định hướng nghề nghiệp. Cộng vào đó, tâm lý xã hội còn nặng bằng cấp, nên con đường chọn nghề chưa được quan tâm đúng mức.
Và cuối cùng, một điểm cần lưu ý là sự mất cân đối trong cơ cấu chọn nghề hiện nay. “Học sinh chỉ lao vào học kế toán, mua bán, ít chọn nghề nông nghiệp” - Là cán bộ giảng dạy - quản lý của một trường nông nghiệp lâu đời ở Tây Nguyên, ông Thiết phải than thở. Thống kê Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết, cơ cấu đào tạo giữa các nhóm ngành nghề trong các trường TCCN và dạy nghề đang bị lệch: dịch vụ chiếm đến 63%, trong khi nông nghiệp chưa đến 10%. Sự mất cân bằng này hoàn toàn không phù hợp với một tỉnh miền núi Tây Nguyên như Lâm Đồng vốn sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.
VIẾT TRỌNG