Điệp viên nước ngoài 'chui sâu leo cao' vào Trung Quốc

Thẩm Đồ
Thẩm Đồ
(PLO) -Trong lịch sử Trung Quốc kể từ sau năm 1949, đã có tới gần chục điệp viên nước ngoài hoặc được cài cắm, hoặc được mua chuộc rồi bán mình trở thành nhân viên tình báo của nước ngoài gây nên những thiệt hại lớn về cả chính trị và kinh tế…

Thẩm Đồ (1918 – 1993), tên thật là Thân Đồ Quân, quê tỉnh Chiết Giang. Theo hồ sơ lý lịch, khi trẻ Đồ học trường Sư phạm Tương Đồ ở quê nhà, sau đó chạy vào Diên An học Đại học Quân chính kháng Nhật, ra trường vào quân đội giữ các chức Trưởng phòng Tuyên truyền Dã chiến quân Tấn Sát Ký và Tung đội 2 Quân khu Tấn Sát Ký.

Năm 1949 là Trưởng phòng tuyên truyền Binh đoàn 20. Sau đó chuyển ngành làm Phó rồi Tổng giám đốc Công ty hàng không Trung Xô. Năm 1963 là Cục phó, đến 1977 là Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc. 

Ủy viên trung ương gục ngã vì tiền

Tháng 4/1984, Thẩm Đồ bị cách chức Cục trưởng Hàng không. Ngày 14/7/1987, căn cứ báo cáo điều tra của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) về sai lầm mà Thẩm Đồ phạm phải, Bộ Chính trị Trung Quốc đã quyết định cách chức Ủy viên trung ương của Đồ. Hội nghị TW7 khóa 12 họp tháng 10 cùng năm đã xác nhận quyết định nói trên. Thẩm Đồ được nghỉ hưu năm 1987 rồi chết vì bệnh già ngày 17/1/1993 tại Bắc Kinh.

Sau khi Thẩm Đồ chết, tạp chí Fobes của Mỹ đã tiết lộ: Năm 1979, khi loại máy bay chở khách Y-10 sắp ra mắt thành công thì Hãng chế tạo máy bay nổi tiếng McDonnell Douglas của Mỹ đã thông qua Trương Chấn Trung, con trai một tướng lĩnh cao cấp của Quốc Dân Đảng, (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty quản lý đầu tư GC3, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vệ Thị Hong Kong, đồng thời là Phó TGĐ hãng McDonnell Douglas) tiến hành tiếp xúc những người lãnh đạo cấp cao có quyền quyết sách của Trung Quốc và du thuyết Bộ Công nghiệp Cơ khí số 3 phụ trách ngành công nghiệp HKDD và Cục KHDD mong Trung Quốc hợp tác với họ để sản xuất loại máy bay MD-82.

Thẩm Đồ khi đó là UVTW, Cục trưởng HKDD chính là đối tượng trọng điểm để Trương Chấn Trung đột phá. Bằng chính sách “Ngoại giao kim tiền”, Trung đã hạ gục đối tượng, Đồ đã nhận hối lộ một khoản lớn dưới dạng “hoa hồng” để gác lại chương trình sản xuất máy bay Y-10, quay sang chấp nhận hợp tác sản xuất MD-82 khiến ngành công nghiệp sản xuất máy bay chở khách của Trung Quốc bị đình trệ.

Lưu Liên Côn
 Lưu Liên Côn

Thẩm Đồ giữ chức Cục trưởng HKDD Trung Quốc từ 12/1977 đến 3/1983, là một trong những người đặt nền móng cho ngành HKDD Trung Quốc, nhưng đã phạm sai lầm rất lớn mang tính lịch sử, ngụy tạo báo cáo giả để lừa dối trung ương, khiến ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc mất đi cơ hội vàng đuổi kịp trình độ tiên tiến của thế giới.. Báo cáo giải mật của Mỹ và Đài Loan sau đó cho thấy Thẩm Đồ bị CIA móc nối trở thành kẻ phản bội, nhận tiền của công ty Mỹ.

Tại báo cáo của UBKTKLTW trình Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 13, sự kiện Thẩm Đồ chỉ được thông báo trong toàn quốc như là điển hình của việc tham nhũng hủ bại. Nhưng khi đó chương trình sản xuất Y-10 đã hoàn toàn bị xếp xó.Chính Trương Chấn Trung năm 1985 tiết lộ: “Vì Thượng Hải định chế tạo Y-10 tôi mới hợp tác với Thượng Hải. Nếu không đánh đổ chương trình Y-10 thì máy bay Mỹ không thể “đánh” vào Trung Quốc được”. Trung còn ra sức khoe khoang đã được người lãnh đạo Trung Quốc X tiếp kiến thế nào, đối phương tán thành quan điểm của mình ra sao.

Tin tức lan truyền khiến 219 cán bộ kỹ thuật của Viện nghiên cứu thiết kế máy bay Thượng Hải, những người tạo nên “kỳ tích Y-10” cảm thấy bị giáng một đòn chí mạng bởi Chương trình chế tạo Y-10 được khởi xướng tháng 8/1970 (nên có mật danh Công trình 708), chỉ chậm 2 năm so với chương trình sản xuất Airbus của châu Âu; ngày 26/9/1980, chiếc Y-10 đầu tiên có trọng lượng cất cánh 110 tấn, tốc độ cao nhất 934km/h, tầm bay 8,300km, 178 ghế, tương đương loại Boeing 707 của Mỹ, được coi là hiện đại nhất khi đó, đã bay thử thành công.

Thế nhưng, cấp trên bất ngờ có ý kiến chỉ đạo “Bỏ đống tiền ra tự chế tạo, chẳng thà mua máy bay của người khác”, rồi chương trình Y-10 lập tức bị gác lại. Nhà máy chế tạo máy bay Thượng Hải quay sang hợp tác với hãng McDonnell Douglas. Nói là hợp tác, nhưng thực chất chỉ là gia công lắp ráp máy bay MD-82, đến 1992 thì lắp ráp MD-90…

Lưu Liên Côn – vụ án gián điệp “khủng”

Năm 1996, “Tổng thống” Đài Loan Lý Đăng Huy đưa ra thuyết “Hai nước Trung Quốc” gây nên cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan. Lý Đăng Huy bất ngờ tiết lộ việc Trung Quốc đại lục chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo và nói tên lửa chỉ có đầu đạn rỗng mang một số thiết bị thám trắc.

Về sau, trong quá trình tranh cử, Lý Đăng Huy lỡ miệng nói ra: “Mọi hành động của Trung Cộng tôi đều nắm chắc trong tay. Phi đạn của Đại Lục toàn là đầu rỗng cả”. Phát ngôn của Lý khiến Bắc Kinh đoan chắc trong nội bộ mình có gián điệp.

Diệp Bỉnh Nam, người đã khai ra Lưu Liên Côn
Diệp Bỉnh Nam, người đã khai ra Lưu Liên Côn

Tháng 4/1999, Diệp Bỉnh Nam, gián điệp Đài Loan bị Trung Quốc bắt đã khai ra hai con “cá lớn”: một là Lưu Liên Côn, người còn lại là Thiệu Chính Trung - Đại tá, Cục trưởng Cục Quân giới thuộc Tổng bộ Hậu cần quân đội. Lưu Liên Côn là viên gián điệp đầu tiên của hai bên bờ eo biển mang hàm Thiếu tướng.

Trước đó Côn là Cục trưởng Quân giới; năm 1992 khi bị Đài Loan móc nối làm gián điệp Côn đã về hưu, sau đó được Đài Loan phong hàm Thiếu tướng quân đội Quốc Dân Đảng. Trong suốt 7 năm làm gián điệp cho Đài Loan, Côn đã cung cấp cho đối phương rất nhiều tin tình báo quan trọng. Năm 1999, vụ việc bị phát giác, Lưu Liên Côn đã bị kết án tử hình.

Lưu Liên Côn sinh năm 1933 tại Hắc Long Giang, nhập ngũ năm 1947, tốt nghiệp Học viện Hậu cần quân đội. Tháng 8/1984 được bổ nhiệm Cục trưởng Quân giới/Tổng bộ Hậu cần phụ trách việc sản xuất và mua sắm vũ khí trang bị cho quân đội, được phong Thiếu tướng tháng 9/1988.

Sau khi xảy ra “Sự kiện Thiên An Môn” (4/6/1989), Lưu Liên Côn đã có những phát biểu bày tỏ bất bình, phản đối hành động đàn áp của chính phủ, nên bị cấp trên cảnh cáo. Thiếu tướng Từ Cần Tiên Tư lệnh Quân đoàn 38 chống lệnh đàn áp sinh viên bị bắt giam đã nhờ người mang thư cho Côn, nhờ Côn lên tiếng ủng hộ. Nhưng Côn không dám lên tiếng bởi chịu nhiều sức ép, Tháng 9/1992, trước khi nghỉ hưu, Côn bố trí thân tín là Đại tá Thiệu Chính Trung thay thế vị trí của mình.

Cuối tháng 10 cùng năm, tình báo Đài Loan báo cáo tình hình của Côn và Trung lên Lưu Hòa Khiêm, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Đài Loan. Một chuyên án mang tên “Thiếu Khang” được lập ra. Tháng 11/1992, Cục Tình báo quân sự Đài loan cử Đại tá Bành Đại Vi, Phó trưởng phòng 6 sang Quảng Châu gặp gỡ Lưu Liên Côn.

Để thể hiện sự tôn trọng Côn, phía Đài Loan đã thăng hàm Thiếu tướng trước niên hạn cho Vi. Vi trao đổi công việc với Côn, chủ yếu là nhiệm vụ tình báo cảnh báo. Nếu quân đội Trung Quốc có bất cứ hành động gì quân sự gì thì báo trước cho phía Đài Loan biết trước để phòng bị. Cuộc gặp đó, tình báo Đài Loan đã lôi kéo thành công Lưu Liên Côn làm gián điệp, biên chế cho hưởng đãi ngộ quân hàm Thiếu tướng của họ.

Vì vậy, Côn trở thành người đầu tiên mang hàm Thiếu tướng của quân đội cả hai bên eo biển và cũng là nội tuyến cấp cao nhất trong lịch sử quân đội hai bên. Côn được đổi tên thành Cao Chí Minh, mật danh “Thiếu Khang 2” (Thiếu Khang 1 là Thiệu Chính Trung), chuyên án này do đích thân Đoàn Tông Văn, Cục trưởng Cục tình báo quân sự trực thuộc Bộ quốc phòng Đài Loan trực tiếp phụ trách.

Sau khi trở thành gián điệp Đài Loan, Lưu Liên Côn đã cung cấp rất nhiều tình báo cơ mật, bao gồm: tình hình mua sắm vũ khí trang bị, như việc mua 40 chiến đấu cơ SU-27 và 5 hệ thống tên lửa S-300 PMU của Nga, sau đó là việc mua 14 SU-30 với giá 700 triệu USD, “6 cách đánh Đài Loan”, Kế hoạch tiếp quản Hong Kong năm 1997…

Sau đó, Côn lại cung cấp thông tin về sự điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc hướng về ven biển Trung Nam, biên giới Trung Ấn và Nam Hải (Biển Đông). Phía Đài Loan đánh giá những tình báo này mang ý nghĩa chiến lược, chúng được TTMT Lưu Hòa Khiêm báo cáo lên Lý Đăng Huy. Thực tế cho thấy những báo cáo của Côn đều đúng với sự điều chỉnh chiến lược trong thực tế của Trung Quốc, đến nay vẫn còn giá trị…

Thiệu Chính Trung
Thiệu Chính Trung

Ngày 29/3/1999, Lưu Liên Côn bị bắt tại Bắc Kinh. Thiệu Chính Trung vội bỏ trốn, nhưng cũng bị bắt lại. Cả hai đã bị Tòa án quân sự Trung Quốc đưa ra xét xử về tội gián điệp, bị kết án tử hình và đều bị hành quyết ngày 15/8/1999. Sau vụ án này, đã có gần 200 sĩ quan quân đội bị điều tra, hơn 30 người bị tống giam, trong đó con trai Lý Liên Côn lĩnh án 15 năm tù giam...

 (Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 67, ngày 22/8/2016)

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.