Hơn 6 thập kỷ sau khi Mỹ phát triển được và ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Nhật Bản, những thông tin quanh dự án tuyệt mật Manhattan vẫn tiếp tục được công bố.
Điệp viên anh hùng của Nga
Trong đó, đáng chú ý là việc ngày 2/11/2007, Thủ tướng Nga lúc bấy giờ là ông Vladimir Putin đã tổ chức lễ truy tặng Huy chương Anh hùng – phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Nga cho công dân nước này – cho ông George A. Koval vì “sự dũng cảm và anh hùng của ông khi thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt”.
Trong thông cáo báo chí được Điện Kremlin phát đi tại lễ trao huy chương, ông Putin nhấn mạnh ông Koval – từng hoạt động với mật danh Delmar - “đã cung cấp những thông tin quan trọng giúp đẩy nhanh đáng kể thời gian phát triển bom nguyên tử của Liên Xô, từ đó giúp đảm bảo duy trì sự cân bằng chiến lược về mặt quân sự của Liên Xô với Mỹ”.
Vẫn theo thông cáo này, Koval là “sỹ quan tình báo duy nhất của Liên Xô đã xâm nhập được vào các cơ sở hạt nhân bí mật chuyên sản xuất plutonium, làm giàu uranium và polonium được dùng để tạo bom nguyên tử của Mỹ”.
Những thông tin về việc tiếp cận Dự án Manhattan của Koval sau khi được công bố đã khiến cộng đồng tình báo Mỹ chấn động. Giới chức Mỹ sau đó cũng đã tiến hành một đánh giá toàn diện về hoạt động gián điệp của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2 dù trước đó các quan chức chính phủ Mỹ và các học giả nước này trong nhiều năm cũng đã nhận dạng được hơn 20 người từng hoạt động gián điệp cho Liên Xô ở dự án chế tạo bom của Mỹ.
Các nhà khoa học Mỹ sau đó cũng xác nhận Koval không chỉ có thể thoải mái ra vào các cơ sở hạt nhân của Mỹ, bao gồm cả nơi sản xuất bom là nhà máy ở Los Alamos và những nhà máy tuyệt mật được dùng để sản xuất các bộ phận và nhiên liệu của bom như Oak Ridge ở Tennessee và Dayton, Ohio mà còn có quyền đánh giá hoạt động ở những nơi này trong vai trò một sỹ quan của quân đội Mỹ.
“Ông ta đã được tiếp cận mọi thứ. Ở thời đó, ông ta đã được hưởng chế độ có xe Jeep riêng – chế độ mà rất ít người trong chúng tôi được hưởng”, Tiến sỹ người Mỹ Kramish từng làm việc chung với ông Koval ở cơ sở Oak Ridge xác nhận.
Sinh ra để làm gián điệp
Có nhiều người đến với hoạt động gián điệp một cách tình cờ, và động cơ thường là vì tiền hoặc vì tình nhưng cũng có nhiều người đến với công việc đầy nguy hiểm này vì lý do đơn giản hơn nhiều: bởi họ thực sự muốn vậy và Koval là một trong những người như thế.
George Koval sinh năm 1913 ở thành phố Sioux, bang Iowa, Mỹ là con của ông Abraham và bà Ethel Koval – một cặp vợ chồng gốc Nga. Năm 1932, khi cuộc Đại suy thoái nổ ra, tương tự nhiều gia đình di cư khác, gia đình ông bà Koval quyết định chuyển tới thành phố Birobidzhan, thuộc Siberia để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn sau hơn 30 năm sống ở Mỹ.
Ngay từ nhỏ, Koval đã được nhận xét là một người vô cùng thông minh, học giỏi. Vì thế nên khi đến tuổi trưởng thành, ông nộp đơn và dễ dàng được nhận vào Viện công nghệ hóa học Mendeleev ở Moscow.
Tại đây, ông tiếp tục thể hiện mình là một sinh viên xuất sắc, không cần học nhiều, không cần làm bài tập về nhà nhưng vẫn đạt kết quả học tập cao. Đặc biệt, ông thể hiện đam mê và thường dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về khí hiếm.
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng danh dự, ông được miễn thi đầu vào chương trình thạc sỹ và hoàn thành bậc học này vào năm 1939. Cùng năm, ông được công nhận là công dân Liên Xô. Chính những thành tích vượt trội trong học tập của Koval đã thu hút sự chú ý của cơ quan tình báo quân đội Liên Xô (GRU) ở thời điểm cơ quan này đang cần một điệp viên có thể xâm nhập sâu vào các dự án mật thời chiến của Mỹ.
George Koval khi đó được xem là ứng viên hoàn hảo cho vị trí này bởi ông không chỉ là một công dân Mỹ, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, hòa hợp hoàn hảo nền văn hóa Mỹ và lại còn thành thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Nga.
Không chỉ vậy, ông còn có những kỹ năng khoa học và kỹ thuật cần thiết để tiến hành những nhiệm vụ tình báo trong các cơ sở vũ khí. Quan trọng nhất, ông rất yêu quý Liên Xô và sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp cộng sản. Khi được GRU ngỏ lời tham gia hoạt động gián điệp, ông đã vui vẻ đồng ý.
Sau khóa đào tạo phản gián, tháng 10/1940, GRU điều Koval tới Mỹ với mật danh “Delmar”. Có mặt tại Mỹ với tên giả, ban đầu, Koval chịu trách nhiệm thu thập thông tin về những chất độc mới mà Mỹ có thể sử dụng trong các loại vũ khí hóa học. Nhưng về sau, giới lãnh đạo GRU quyết định “đánh một canh bạc” lớn với việc để ông hoạt động dưới chính tên thật của mình và để ông nhập ngũ, tạo cơ hội để ông tiến sâu hơn vào việc do thám những dự án mật của Mỹ.
Quả thực, năm 1943, quân đội Mỹ với việc đánh giá cao kiến thức chuyên môn và sự thông minh của Koval đã cử ông tham gia một đào tạo đặc biệt ở trường Đại học Manhattan – ngôi trường vốn được xem là trường Harvard, nổi tiếng với nhiều sinh viên xuất sắc. Tại trường, ông luôn nói với bạn bè rằng mình mồ côi từ nhỏ, đồng thời không bao giờ tham gia vào các cuộc tranh luận về đề tài cộng sản hay Nga để che giấu thân phận.
Trong lúc này, Dự án Manhattan đang thiếu nhân lực trầm trọng nên giới chức Mỹ đã đề nghị quân đội tuyển mộ những kỹ thuật viên giỏi. Năm 1944, Koval và một số bạn học được tuyển và được điều động tới căn cứ Oak Ridge, với công việc chính là chế tạo nhiên liệu bom – được xem là phần khó nhất trong nỗ lực chế tạo bom hạt nhân.
Ngoài ra, với nhiệm vụ giám sát bức xạ, Koval còn được tiếp cận toàn bộ khu nghiên cứu, có thể tự do lái xe từ tòa nhà này sang tòa nhà khác để kiểm tra tình hình sức khỏe của các công nhân làm việc trong cơ sở này nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.
Tháng 6/1945, Koval tiếp tục được điều tới những nhà máy thuộc dạng tuyệt mật trong Dự án Manhattan ở gần Dayton chuyên tinh chế polonium 210 – một vật liệu phóng xạ cao được sử dụng để giúp khởi động chuỗi phản ứng của bom hạt nhân.
Tháng 7/1945, Mỹ thử thiết bị nguyên tử đầu tiên của nước này và một tháng sau đó đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Trong suốt thời gian này, nhiều thông tin quan trọng về chế tạo bom đã được Koval chuyển về cho Liên Xô.
Về nước
Năm 1946, Koval xuất ngũ. Ít lâu sau đó, ông về New York và theo học ngành kỹ thuật điện tử. Sau khi nhận bằng vào năm 1948, ông đi tàu tới châu Âu và không bao giờ về lại nước Mỹ. Năm 1949, Moscow thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong sự ngỡ ngàng của Washington khi thế độc quyền nguyên tử của họ bị phá nhanh chóng như vậy.
Mãi đến năm 2007, khi ông Putin truy tặng danh hiệu cho ông Koval, những hoạt động của ông mới được biết đến nhiều ở Mỹ. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, thực ra, ngay từ những năm 1950, tình báo Mỹ đã phát hiện được hoạt động gián điệp của ông.
Ông Kramish – người từng nhiều năm làm việc với ông Koval – kể lại rằng, FBI khi đó đã thẩm vấn ông và những người biết Koval nhưng sau đó lại yêu cầu họ giữ kín việc này. Nguyên nhân của việc “ỉm” thông tin đi như vậy, theo nhà nghiên cứu Robert S. Norris, là do chính phủ Mỹ không muốn mất mặt khi những thông tin tuyệt mật về bom hạt nhân của họ lại có thể dễ dàng bị đánh cắp như vậy.
Về phía Koval, sau khi trở lại Nga, ông theo học tiến sỹ tại Viện Mendeleev và sau đó tham gia giảng dạy tại đây trong nhiều năm. Ông qua đời năm 2006 ở tuổi 93.