Nguy cơ mai một
Một cảnh trong vở “Mỵ Châu-Trọng Thủy” do các diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. Ảnh: CAO ĐÌNH LIÊN |
Ông Cao Đình Liên, đạo diễn chính của nhà hát cũng chia sẻ: Về đội ngũ diễn viên của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh hiện nay, có thể nói là tạm ổn về số lượng (trên 30 diễn viên, cả hợp đồng lẫn biên chế) nhưng về mặt chất lượng thì ông chưa thật toại nguyện, đặc biệt là lớp diễn viên trẻ. Với lớp diễn viên này, trình độ nghề nghiệp còn yếu, chưa thật nhuần nhuyễn về các vai diễn, cần có sự gia công, tăng cường tập luyện mới có thể sáng sủa hơn. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc đào tạo đội ngũ kế cận và đương nhiên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, nếu không, nguy cơ mai một đội ngũ diễn viên sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Ông cũng cho biết thêm, động lực quan trọng đối với người diễn viên là khán giả, nhưng như một tất yếu, ngày nay, vì có quá nhiều loại hình giải trí hấp dẫn, đặc biệt là với giới trẻ, người ta không dành sự đam mê cho tuồng như ngày xưa. Điều này có tác động không nhỏ đến nhiệt huyết của người diễn viên, bởi vì diễn mà không có người xem thì diễn để làm gì.
Cháy mãi ngọn lửa đam mê!
Diễn viên Nguyễn Thị Thanh Tiền (32 tuổi), đang công tác tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, lần đầu tiên theo mẹ đi xem tuồng đã thích vì thấy diễn viên lên sân khấu được trang điểm đẹp quá. 16 tuổi, chị đến với nghề từ niềm yêu thích ngây thơ ban đầu ấy. Qua mười mấy năm trong nghiệp biểu diễn, đến nay, khi đã trở thành một diễn viên khá chững chạc, sắp tới chị được chọn diễn vai chính trong hội thi Liên hoan Sân khấu Tuồng truyền thống toàn quốc tại Quy Nhơn, chị Tiền mới hiểu rằng nghệ thuật sân khấu Tuồng là một quá trình rèn luyện đầy gian truân và một tình yêu nghệ thuật mãnh liệt.
Có một số người, cũng vì kế sinh nhai đã dứt áo ra đi… nhưng rồi, tình yêu nghề, ngọn lửa đam mê đã chiến thắng tất cả, để rồi, sân khấu Tuồng vẫn là nơi trở về của họ. Anh Phan Văn Quang, diễn viên có trên 10 năm tuổi nghề, chuyên đóng Kép ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, anh từng bỏ dở khóa trung cấp đào tạo diễn viên Tuồng để vào Nam lập nghiệp với đủ nghề kiếm sống, nhưng rồi đi đến đâu, sống ở cơ quan đoàn thể nào, anh Quang cũng không thể nguôi ngoai niềm đam mê văn nghệ, đam mê sân khấu của mình. 8 năm ròng rã lăn lộn trên đất Sài Gòn (từ năm 1990 đến 1997), lúc nào anh cũng thấy đời mình thiếu thiếu cái gì đó. Năm 1997, anh Quang trở lại khóa học đang bỏ dở của mình, từ đó đến nay, anh gắn với sân khấu Tuồng và luôn tâm niệm, dù bất kể chuyện gì mình sẽ không bỏ nghề một lần nữa.
Cả chị Tiền và anh Quang đều khẳng định rằng, Tuồng rất khó, vì nó đòi hỏi cả tâm lẫn lực, đến với Tuồng chính là đến với cuộc đào thải khắc nghiệt, do đó không phải ai cũng có thể đứng vững được. Cùng với năng khiếu, cần có sự đam mê, tính nhẫn nại. Bên cạnh khó khăn trong nghề, chống chọi với cuộc mưu sinh cũng là một mối lo không nhỏ. Có điều, dù gian khổ đến đâu, những nghệ sĩ của chúng ta chưa bao giờ tỏ ra bi quan với tương lai của sân khấu Tuồng. NSƯT, đạo diễn Cao Đình Liên cho rằng, đúng là sân khấu Tuồng có những giai đoạn bị chững lại, nhưng 5 năm trở lại đây, tình hình khả quan hơn nhiều, khán giả có xu hướng quay lại với những vở tuồng truyền thống, quay lại với cái gốc của Tuồng. Trong các buổi diễn ngoài trời, người trẻ tuổi đi xem rất nhiều.
Việc diễn viên Tuồng có trụ được trước sân khấu hiện đại, trước hết phụ thuộc vào chính họ, nếu có những vai diễn độc đáo, những vở diễn sâu sắc thì ắt khán giả sẽ tìm đến Tuồng. Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước cũng rất quan trọng, muốn lớp trẻ yêu mến Tuồng thì trước hết phải làm cho họ hiểu Tuồng, vấn đề đời sống của diễn viên Tuồng cũng cần được quan tâm hơn nữa... Tuy đây không phải là chuyện ngày một, ngày hai nhưng hy vọng rằng, các ngành chức năng và chính quyền sẽ có những chính sách và việc làm cụ thể để diễn viên Tuồng và sân khấu Tuồng sẽ mãi là những người bạn tri âm, tri kỷ của các tầng lớp nhân dân.
TRẦN THANH TÂN