Diễn văn kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam của đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Ngày 6/1/2011, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam và Tổng kết nhiệm kỳ 2007-2011, Website Đại biểu dân cử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu toàn văn diễn văn khai mạc của đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.

Kính thưa: Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Kính thưa: Đồng chí  Nguyễn Khánh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ;
Kính thưa: Đồng chí Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam;
Kính thưa: Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên;
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội các khoá;;
Kính thưa các vị khách quý;
Thưa  toàn thể các đồng chí!
 

Hôm nay, trong không khí tưng bừng của những ngày đầu năm mới 2011, cả nước ta đang tiến hành các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hôm nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khoá XII tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tổng kết công tác của Đoàn nhiệm kỳ 2007-2011. Thay mặt các đồng chí đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên khoá XII, tôi xin trân trọng gửi tới Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, các vị đại biểu các cơ quan trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Thái, tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ, cùng toàn thể nhân dân các dân tộc tỉnh nhà lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các vị đại biểu dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc. Chúc lễ kỷ niệm 65 năm Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thành công tốt đẹp.

Thưa toàn thể các đồng chí!
Cách đây 65 năm, ngày 06-01-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã thành công rực rỡ, bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam mới. Sự kiện này đánh dấu việc khai sinh Quốc hội của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Quốc hội của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sự kiện lịch sử này đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc, đưa dân tộc ta bước vào thời kỳ mới: Thời kỳ đất nước có Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, có Hiến pháp và Quốc hội do nhân dân trực tiếp bầu ra. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử này đã khẳng định niềm tin của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần yêu nước của nhân dân ta đồng thời khẳng định niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Có thể khẳng định, lịch sử phát triển của Quốc hội gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Qua 12 khóa hoạt động, Quốc hội ngày càng khẳng định vai trò quan trọng là cơ quan đại diện dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội khoá I (1946-1960), đây là khoá Quốc hội dài nhất 14 năm, đã thông qua danh sách Chính phủ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua hai bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó có bản Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên mở ra tiến trình xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Quốc hội khoá II (1960-1964), Quốc hội khoá III (1964-1971), Quốc hội khoá IV (1971-1975) với nhiệm vụ chính trị xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam, Quốc hội đã có những quyết sách phù hợp về dân chủ, dân sinh, góp phần đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của chính quyền Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hậu phương lớn ra sức thi đua sản xuất, cung cấp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Quốc hội khoá V (từ 4/1975-5/1976) là Quốc hội đầu tiên của thời kỳ độc lập dân tộc trên phạm vi cả nước với mục tiêu xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quốc hội nhất trí phê chuẩn kết quả của Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, thể hiện ý chí mạnh mẽ và sự nhất trí cao của toàn dân tộc về vấn đề thống nhất Tổ quốc trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Quốc hội khóa VI (1976-1981), Quốc hội khoá VII (1981-1987) đã quyết định những vấn đề quan trọng hàng đầu trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc; quyết định về đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam thống nhất; quyết định xây dựng Hiến pháp, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất bảo vệ chính quyền trong điều kiện hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Phát huy vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nhân dân trong việc củng cố và hoàn thiện chế độ làm chủ tập thể; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hoá Hiến pháp, từng bước xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh.

Quốc hội khoá VIII (1987-1992), Quốc hội khoá IX (1992-1997), giai đoạn này Quốc hội có trách nhiệm to lớn góp phần thực hiện công cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện. Hoạt động lập hiến của Quốc hội khoá VIII có nhiều thành tựu với 2 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1980. Tại kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới.

Quốc hội khoá X (1997-2002), Quốc hội khóa XI (2002-2007) đây là thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tổ chức của Quốc hội và đổi mới hoạt động lập pháp.

Quốc hội khóa XII (2007-2011) là khoá Quốc hội rút ngắn 1 năm cho phù hợp với mốc thời gian Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, là Quốc hội của thời kỳ nỗ lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX và Đại hội X của Đảng, chủ động hội nhập kinh tế sâu rộng hơn. Quốc hội đã và đang phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đẩy mạnh và từng bước hoàn thiện việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tăng cường pháp chế và hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước.

Qua 65 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, trong đó:

Hoạt động lập pháp luôn được đặc biệt quan tâm, đổi mới và có nhiều tiến bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng. Các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội được ban hành sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội được đẩy mạnh, có nhiều cải tiến về quy trình, thủ tục, cách thức giám sát; chất lượng, hiệu quả, hiệu lực giám sát được nâng lên. Nhiều kiến nghị qua giám sát được tiếp thu, khắc phục, đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động chất vấn của Quốc hội tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Cách thức tiến hành, điều hành phiên chất vấn đã được cải tiến góp phần làm cho hoạt động của Quốc hội trở nên sôi động hơn, thiết thực hơn, được nhân dân đồng tình và ủng hộ. Có thể nói, phiên chất vấn là phiên họp được cử tri quan tâm nhiều nhất.

Quốc hội cũng đã thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước, các công trình quan trọng quốc gia, các chính sách dân tộc, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…đã góp phần vào việc duy trì sự ổn định, tạo cơ sở cho việc quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Hơn thế, vị thế và uy tín của Quốc hội ngày càng được nâng cao không chỉ trong hệ thống chính trị mà còn trên trường quốc tế. Năm 2009-2010, Quốc hội nước ta là Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (viết tắt là AIPA) và chúng ta đã  thực hiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch AIPA, tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA – 31. Với những gì đã thể hiện, chúng ta đã và đang nỗ lực đóng góp tích cực cho tiến trình liên kết khu vực và hợp tác cùng phát triển của ASEAN, cùng ASEAN xây dựng AIPA trở thành một tổ chức hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần vào hòa bình, an ninh và sự thịnh vượng của khu vực.

 Thưa các vị đại biểu!
Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được thể hiện bằng hiệu quả của các kỳ họp của Quốc hội, hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Trong hoạt động chung của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐĐBQH) có vai trò quan trọng vì theo pháp luật quy định: "Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội". Đoàn ĐBQH gồm các đại biểu Quốc hội được bầu trong một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức giúp các đại biểu liên hệ với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, với cử tri, là đầu mối giúp đại biểu Quốc hội phối hợp, triển khai các hoạt động nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tạo điều kiện để ĐBQH tham gia xây dựng pháp luật, tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân, giám sát việc thi hành pháp luật, đấu tranh chống tham nhũng; phối hợp thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Cùng với các Đoàn ĐBQH của cả nước, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên trải qua 12 nhiệm kỳ hoạt động đã nỗ lực phấn đấu làm trọn trách nhiệm của người đại biểu của nhân dân. Những ngày đầu của Quốc hội, tỉnh Thái Nguyên chỉ có 03 đại biểu đại diện cho cử tri của tỉnh đó là các đồng chí Lê Trung Đỉnh, Đặng Đức Thái, Nguyễn Trung Thành. Từ Quốc hội khoá II đến nay, tỉnh Thái Nguyên luôn có cơ cấu từ 06 đến 14 đại biểu. Trong đó có các đồng chí là lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo khu tự trị Việt Bắc trước đây, lãnh đạo tỉnh Bắc Thái, Thái Nguyên qua các thời kỳ.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên có phẩm chất chính trị vững vàng, am hiểu các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và tham gia tích cực, có hiệu quả vào công tác lập pháp, giám sát và góp phần quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong nhiệm kỳ khóa XII, các vị ĐBQH đã tích cực tham gia các nội dung hoạt động tại kỳ họp. Đặc biệt là xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; sử dụng vốn kích cầu; phát triển nông nghiệp, nông thôn; giáo dục và đào tạo; điều chỉnh mục tiêu tổng quát và một số mục tiêu chủ yếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, bội chi ngân sách và chỉ tiêu về tốc độ tăng giá v.v. Bên cạnh đó, các vấn đề quan trọng  của quốc gia như Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh; sửa đổi Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia; Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Tất cả những nội dung trên đã được các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên quan tâm thảo luận. Các ý kiến tham gia của các vị ĐBQH Đoàn Thái Nguyên được Quốc hội và dư luận đánh giá cao.

Về công tác lập pháp, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức tốt các hội nghị thảo luận, lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà n¬ước, các đơn vị sản xuất kinh doanh, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và cử tri trên địa bàn về 59 dự án luật với gần 1.000 lượt đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia. Tại các buổi thảo luận ở tổ cũng như ở hội trường, ĐBQH Đoàn Thái Nguyên đã có 199 lượt phát biểu ý kiến thảo luận có chất lượng.

Cùng với hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới nhằm đưa hoạt động giám sát nói riêng, hoạt động của Đoàn ĐBQH nói chung ngày càng thiết thực hơn, hiệu quả hơn. Những vấn đề bức xúc ở địa phương mà cử tri quan tâm, Đoàn ĐBQH đã xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát. Nhiều cuộc giám sát đạt kết quả tốt như việc giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri bị ảnh hưởng do đường dây cao thế 220KV ở Đại Từ; việc giải quyết quyền lợi cho 07 công dân cư trú tại xã Hà Châu, huyện Phú Bình đi lao động tại Liên bang Nga v.v.

Công tác tiếp xúc cử tri luôn được đổi mới với nhiều cuộc tiếp xúc cử tri tại thôn, xóm, tổ nhân dân, cử tri là các nhà khoa học, Đại học Thái Nguyên, cử tri là chiến sỹ, bác sỹ, sinh viên, các doanh nghiệp...Các kiến nghị của cử tri được tổng hợp đầy đủ để phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội cũng như chuyển đến đến các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương xem xét, giải quyết.

Thưa các vị đại biểu!
 Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ ĐBQH, hầu hết các đại biểu đều giữ nhiệm vụ quản lý quan trọng ở nhiều cơ quan, đơn vị nhưng với lòng nhiệt tình, tâm huyết và tận tuỵ các đại biểu đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các vị đại biểu Quốc hội giữ cương vị là uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, thành viên các Uỷ ban của Quốc hội...tham gia đầy đủ các hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao. Các đại biểu trong Đoàn luôn nỗ lực phấn đấu, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư"; gương mẫu chấp hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không ngừng học tập để nâng cao trình độ, năng lực công tác; thường xuyên liên hệ, chịu sự giám sát của cử tri; phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và các cơ quan hữu quan của Nhà nước, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Kính thưa các đồng chí!
Trong 4 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt Đoàn ĐBQH của tỉnh, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của đồng bào, đồng chí đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu của nhân dân.
Kính thưa các vị đại biểu!
Kỷ niệm 65 năm ngày Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội Việt Nam là dịp để chúng ta ôn lại những năm tháng hào hùng, tổng kết thành tựu, rút ra bài học kinh nghiệm trong 65 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; tuyên truyền giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Quốc hội; là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người tổ chức và lãnh đạo Quốc hội; động viên nhân dân phát huy truyền thống và những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới, dấy lên phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, hướng về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chuẩn bị bầu cử ĐBQH Khoá XIII, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với  vị thế và vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng cao, đất nước ta tiếp tục vững bước tiến lên trong sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trước thềm xuân mới 2011, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khoá XII, tôi xin kính chúc đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đồng chí Nguyễn Khánh, Đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Đ/c Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; các vị đại biểu, các Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng; các vị đại biểu Quốc hội các khoá, các vị khách quý và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà dồi dào sức khoẻ, đón xuân mới Tân Mão an khang, thịnh vượng.
Xin trân trọng cảm ơn!

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.