Tăng năng suất lao động – Nhiều tiềm năng và dư địa
Tại Diễn đàn “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa”, Phó trưởng ban Ban Kinh tế TW, ông Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững.
“Nhưng nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn với Việt Nam. Trên thực tế Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng năng suất, trước hết là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất của từng DN, từng nội ngành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực…” - Ông Tuấn phát biểu.
Phó Trưởng ban Kinh tế TW cũng khẳng định, nhìn tổng thể cải thiện năng suất không chỉ có việc nâng cao năng suất của người lao động mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng suất vốn. Quan trọng nhất là phải nâng cao được năng suất các yếu tố tổng hợp TFP và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cải thiện năng suất chính là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi quốc gia, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Tại Diễn đàn, GS. Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản) thẳng thắn cho rằng sự tăng trưởng của Việt Nam trong quá khứ là do số lượng (nguồn vốn và lao động) chứ không phải là chất lượng (năng suất). “Tình trạng nâng cao năng suất của Việt Nam rất ảm đạm, năng suất thể hiện rõ sự thâm hụt vốn. Tăng trưởng chậm lại do năng suất lao động giảm đi” - Chuyên gia này nhận xét.
GS. Kenichi Ohno cũng lưu ý, chất lượng chính sách của Việt Nam vẫn thấp so với các nền kinh tế có năng suất cao ở Đông Á. Ông gợi ý: “Chất lượng chính sách cần phải được cải thiện cả về tư duy và khả năng nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Chính phủ Việt Nam cần thực hiện nhiều dự án nâng cao năng suất hơn nữa…”
GS.Trần Văn Thọ (Đại học Waseda - Nhật Bản - thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng) cho rằng, với một nước còn ở mức trung bình thấp như Việt Nam, công nghiệp là khu vực năng động nhất, năng suất cao nhất, dư địa cách tân công nghiệp lớn nhất. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều đặc trưng đáng lo ngại. Lao động dư thừa trong nông nghiệp và khu vực kinh tế cá thể còn rất lớn trong khi lao động trong nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ rất lớn 49,5% năm 2010 và 41,6% năm 2016.
“Công nghiệp hóa không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp. Nếu lao động chỉ dịch chuyển từ khu vực năng suất thấp sang khu vực năng suất cũng thấp thì sự dịch chuyển này không mang lại thay đổi gì”, GS.Thọ lưu ý.
Chuyên gia này cũng cho rằng, với lực lượng lao động của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, sẽ “phá hoại một cách sáng tạo” khu vực kinh tế cá thể làm cho năng suất lao động tăng nhanh. Việt Nam có thể phát triển tốc độ cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình dễ dàng nếu có chíến lược tận dụng tiềm năng đang có và lợi thế nước đi sau…
Năng lượng xanh: Nhu cầu thiết yếu
Tại Diễn đàn “Năng lượng xanh cho phát triển bền vững”, Trưởng Ban Kinh tế TW, ông Nguyễn Văn Bình đã nhấn mạnh, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo như năng lượng: gió, mặt trời, năng lượng sinh học… là một nhu cầu thiết yếu. Phát triển năng lượng xanh ngày nay đang là xu thế mới, làm thay đổi khá nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Nhiều quốc gia đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách phát năng lượng xanh với tầm nhìn dài hạn, tập trung nhiều các nguồn lực về con người, khoa học – công nghệ và tài chính – tín dụng… hướng tới việc phát triển nền kinh tế các bon thấp, bền vững và thân thiện với môi trường.
Tham luận tại Diễn đàn, Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, ông John Kerry cũng thẳng thắn khi đặt vấn đề: “Lựa chọn nào cho Việt Nam: Than đá - Năng lượng tái tạo?”. Chuyên gia này nhấn mạnh, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như: than đá, dầu mỏ… trong 20 năm tiếp theo đang đặt sinh mạng chúng ta trong rủi ro mà rõ nét nhất là biến đổi khí hậu đang diễn ra khắp nơi trên thế giới… Ngay tại Hà Nội từng có hơn 190 ngày chất lượng không khí dưới chuẩn, nguy hiểm; có đến 23.000 người mắc bệnh hô hấp, ung thư, bệnh khác do không khí kém. Trước thực tế biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính đang diễn ra, ông John Kerry, cho biết, các định chế tài chính đang ngày càng không đầu tư cho việc sản xuất điện từ than đá..
Theo vị chuyên gia này,giải pháp chống biến đổi khí hậu là sử dụng năng lượng thông minh bằng việc đưa ra các quyết định phù hợp đắn trong đầu tư cho tương lai. “Chính phủ Việt Nam đang muốn hướng tới nền tảng năng lượng khác biệt, trong khi duy trì tăng trưởng kinh tế, dịch chuyển thông minh điện lưới để cung cấp đủ năng lượng cho phát triển và đó là vị thế tuyệt vời để đưa ra lựa chọn thông minh hơn…” - ông John Kerry nói
Cụ thể hơn, Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ nhận xét, việc Việt Nam đang gia tăng đầu tư, sử dụng điện than trong vài năm khi năm 2030, 2035 bổ sung thêm điện than nhưng “chúng ta không cần làm như thế, có thể có lựa chọn thông minh, hiệu quả hơn” nếu đầu tư sử dụng điện từ năng lượng mặt trời, điện gió, khí đốt, nhiệt điện thông qua việc tạo ra thị trường này phát triển.
“Việt Nam cần có những chính sách cởi mở, tạo ra lộ trình năng lượng mặt trời trong cách tiếp cận tổng thể…Tôi có niềm niềm tin vững chắc, mạnh mẽ than đá không phải rẻ hơn năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo khác so với điện than nếu tính đủ các mức độ ảnh hưởng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Thậm chí, nếu tính đủ thì còn đắt hơn. Các nước trên thế giới đang có dịch chuyển trong sử dụng năng lượng tái tạo với tỷ lệ ngày càng gia tăng. Việt Nam cũng đang có cơ hội thay đổi một cách căn cơ, hiệu quả hơn và sẽ tiết kiệm hàng tỷ USD cho ngân sách, đồng thời người dân có cuộc sống chất lượng hơn, tạo nhiều công ăn việc việc làm trong lĩnh vực này hơn…” - Ông John Kerry đưa ra lời khuyên.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Hoàng Quốc Vượng cũng thừa nhận Việt Nam đang xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than và điều này chưa phù hợp với quan điểm củaCựu ngoại trưởng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với tư duy cởi mở, Việt Nam cũng có thể điều chỉnh cần thiết với xu thế phát triển công nghệ tái tạo, khoa học phát triển năng lượng để cùng quốc tế bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu vì Việt Nam vốn là nước nhạy cảm với biến đổi khí hậu và đang rất quan tâm đến vấn đề này.
“Tuy nhiên, điều này cũng phải gắn với nhu cầu về điện hàng năm để phát triển KT-XH (tăng trưởng nhu cầu điện 10%/năm) và sự chấp nhận của người dân…” - Ông Vượng nói.