Đầu tư của Nhà nước cho điện ảnh không phải thấp mà đang lãng phí. Tại hội thảo ngày 20-10 ở Hà Nội, Cục phó Cục Điện ảnh, ông Lê Ngọc Minh, cho rằng để có một bộ phim đến với công chúng, cần phải nhiều kinh phí hơn hẳn các ngành nghệ thuật khác. Điện ảnh cần phải như một nền công nghiệp, chuyên nghiệp hóa từ nghệ thuật, kỹ thuật và kinh tế.Đầu tư cho điện ảnh: Nhiều hay ít? Muốn vậy, theo ông Minh, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho điện ảnh để xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất. Ông Kim Ji Seok, đồng giám đốc Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Pusan, Hàn Quốc, chia sẻ mới phát triển từ những năm 90 thế kỷ trước, điện ảnh Hàn Quốc đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, các nhà làm phim đã tạo được nhiều tác phẩm có tiếng vang lớn.
Diễn viên Hồng Kông Trương Gia Huy (thứ 2 từ trái qua) cùng các nghệ sĩ VN. (Ảnh: Mạnh Duy) |
Chính phủ Hàn Quốc có sự hỗ trợ rất lớn đối với những người làm phim, thậm chí có riêng một ủy ban xúc tiến điện ảnh do chính phủ chỉ đạo. Một cơ chế mở cũng được đưa ra cho các công ty sản xuất phim, nhiều quỹ, công ty tài chính đã đầu tư sản xuất phim với nhiều hình thức mới. Trong khi nhiều đạo diễn kêu gọi Nhà nước phải đầu tư nhiều hơn nữa cho điện ảnh thì đạo diễn Lê Hoàng khẳng định đầu tư của nhà nước cho điện ảnh không phải thấp mà là đang lãng phí vô cùng. Ví dụ, có những máy quay phim hàng trăm ngàn USD đang bị nằm đắp chiếu, có máy kỹ xảo giá tới 1 triệu USD nhưng thời gian dài chưa được sử dụng. Ông Lê Hoàng cho biết Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh có rất nhiều máy móc, nhưng nhiều phim của các hãng Nhà nước lại không in tráng trong nước mà thích mang nhau đi nước ngoài, rất tốn kém. Phải có người làm nghề Theo đạo diễn – NSND Đoàn Dũng, xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh, trước hết phải xây dựng một đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp, bao gồm cả đạo diễn, diễn viên, quay phim, âm thanh, ánh sáng. Công tác đào tạo nhân lực cho ngành điện ảnh Việt Nam hiện rất đáng báo động, chúng ta không hề cử người đi học làm thầy mà chỉ cử người đi học làm nghề. Không có thầy giỏi thì lấy đâu ra trò giỏi mà có phim hay? Cũng rất tâm đắc với công tác đào tạo, NSND Thế Anh cho biết khi sang Pháp, thấy dân Pháp rồng rắn xem phim của Trương Nghệ Mưu, thậm chí là phim Thái Lan mà ước ao, có một ngày phim Việt Nam được xếp hàng như thế. Theo đề xuất của NSND Thế Anh, mỗi năm Nhà nước nên cử 10 người đi học tại Nga, Mỹ hoặc Trung Quốc. Cứ thế, mỗi năm sẽ có 2-3 đạo diễn giỏi, dù không phải là xuất sắc tầm cỡ, nhưng được như vậy cũng đã đáng mừng.
Chuyện bên lề Nhật Kim Anh thờ ơ với giải thưởng. Tối nay, 21-10, LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất sẽ bế mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Trong buổi chiếu giới thiệu với báo giới và đồng nghiệp hồi cuối tháng 9, không ít đạo diễn đã đánh giá cao bộ phim Long thành cầm giả ca của đạo diễn Đào Bá Sơn, thậm chí có người còn tuyên bố chắc nịch: chắc chắn sẽ có giải. Tuy nhiên, khi được hỏi về cơ hội của mình, Nhật Kim Anh (vai Cầm) trong phim lại tỏ ra khá khiêm tốn. Cô cho biết, sau khi đã xem qua một số phim của các nước bạn, cơ hội giành giải không đến với mình vì diễn viên bạn quá xuất sắc. Cánh đồng bất tận lên cơn sốt với không chỉ khán giả mà còn với báo giới, các nhà làm phim ngay trong buổi tối ra mắt tại Việt Nam tối qua, 20-10. Với những dư âm đẹp từ LHP Pusan, ngay từ ngày khai mạc LHP Quốc tế Việt Nam, BTC đã thông báo “ không còn vé tặng, không có vé bán”. Ngôi sao Ngô Ngạn Tổ cũng tâm sự, anh rất háo hức muốn được xem Cánh đồng bất tận của bạn mình, diễn viên Dustin Nguyễn. Còn diễn viên chính trong phim, khi tâm sự với phóng viên, cho biết anh rất vui vì điều này. Khi được hỏi liệu Cánh đồng bất tận sẽ còn thu hút được khán giả dài dài, ngôi sao này hóm hỉnh “tôi không phải thầy bói để biết điều này”. Tuy nhiên, anh cho biết đây là một phim nghệ thuật dễ xem, rất gần gũi với khán giả và hy vọng nhiều người sẽ đến thưởng thức. Hoàng Thị
|
Theo Yến Anh
NLĐ