Cung ứng điện đã qua giai đoạn căng thẳng, sản xuất ổn định trở lại, nguồn cung các mặt hàng trọng yếu được bảo đảm và chương trình bình ổn giá đang được triển khai ở một số tỉnh, thành phố. Dự báo giá nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước có xu hướng ổn định. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng thị trường hàng hóa chịu tác động của những yếu tố bất lợi từ thị trường thế giới cùng với diễn biến bất thường của thời tiết có thể gây xáo trộn cung cầu hàng hóa ở phạm vi cục bộ.
Bảo đảm cung - cầu các mặt hàng trọng yếu
Theo Bộ Công Thương, thị trường tháng 8 có nhiều yếu tố tác động làm giảm áp lực tăng giá. Đó là cân đối cung - cầu các mặt hàng trọng yếu vẫn được bảo đảm. Nguồn cung lương thực tăng mạnh, giá lương thực giảm do vụ đông xuân bội thu trong khi xuất khẩu chịu sức ép về giá. Các hàng hoá thiết yếu khác như xăng dầu, gas, đường cũng có chiều hướng giảm do ảnh hưởng của xu thế giảm giá trên thị trường thế giới; dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững và những chuyển biến tích cực; lãi suất cho vay của các ngân hàng hạ, sản xuất sẽ tiếp tục tăng tốc trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, trước những dự báo về những diễn biến thời tiết như bão mạnh, lũ lớn có thể dồn dập đổ về sẽ gây xáo trộn lớn đến sản xuất cung cầu và cung cầu hàng hóa ở phạm vi cục bộ. Bên cạnh đó, dịch bệnh tai xanh trên lợn chưa được khống chế hoàn toàn, sẽ tác động đến tâm lý tiêu dùng, đẩy giá thực phẩm thay thế tăng lên.
Mặt hàng thép xây dựng trong tháng 7 có 5 lần tăng giá bán với mức tăng từ 500.000 đồng đến 1,4 triệu đồng/tấn do tác động từ thị trường phôi thép và thép phế thế giới. |
Cùng với đó, do ảnh hưởng của một số loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng trong khi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhiều loại nguyên vật liệu nhập khẩu và nhu cầu tăng khi đổi mùa sẽ làm giá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng trở lại. Ngoài ra, việc tăng giá đồng Nhân dân tệ vừa qua cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá nhiều loại hàng hóa, vật liệu Việt Nam đang phải nhập khẩu từ thị trường này. Thực tế cho thấy tác động từ thị trường thế giới và những biến động của tỷ giá USD đã buộc nhiều doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu tăng giá bán sản phẩm. Thời gian gần đây, nhiều siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội nhận được thông báo từ các nhà cung cấp đề nghị tăng giá thêm 5% đối với nhiều nhóm hàng hóa tiêu dùng với lý do hàng hóa và nguyên liệu nhập khẩu đã tăng giá đáng kể và tỷ giá đô la cũng đang nhích lên. Sau 4 lần giảm giá thép xây dựng trong các tháng 5 và 6 thì chỉ trong tháng 7, mặt hàng thép xây dựng có 5 lần tăng giá bán với mức tăng từ 500.000 đồng đến 1,4 triệu đồng/tấn do tác động từ thị trường phôi thép và thép phế thế giới. Một số mặt hàng nhập khẩu khác cũng tăng giá như sữa bột nhập khẩu. Sau một thời gian giá sữa bột ổn định thì nay tăng trở lại với mức tăng từ 5% đến 10% tùy theo thương hiệu; mặt hàng giấy in, giấy viết mặc dù tăng giá trong tháng 7 nhưng với dự báo nhu cầu các sản phẩm giấy phục vụ cho năm học mới tiếp tục tăng trong khi giá giấy và bột giấy trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng nhích lên do đó việc tăng giá bán sản phẩm trong nước là điều khó tránh khỏi.
Tích cực bình ổn thị trường
Trước tình hình đó, để bình ổn thị trường, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo... đồng thời xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá bán, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, tích cực có những biện pháp khác để bình ổn thị trường.
Theo Bộ Công Thương, nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao, nhiều tỉnh, thành phố đã bố trí nguồn vốn từ ngân sách của địa phương thực hiện các chương trình bình ổn giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn. Đến nay đã có 45/63 tỉnh, thành phố báo cáo kế hoạch bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Tân Mão - 2011.
Trong đó có thể kể đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội dành 400 tỷ đồng cho một số doanh nghiệp lớn đủ điều kiện và có năng lực vay không lãi suất trong 10 tháng, tập trung vào 9 nhóm mặt hàng là gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm, thủy hải sản đông lạnh và rau, củ, quả. Dự kiến sẽ có 500 điểm bán hàng bình ổn giá tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích và các điểm bán lẻ với giá thấp hơn giá bán sản phẩm cùng loại trên thị trường khoảng 10%. Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho vay không lãi với tổng số tiền gần 381 tỷ đồng, tập trung vào 8 nhóm hàng là gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau, củ, quả với mạng lưới phân phối gần 1.900 điểm bình ổn giá. Thành phố công bố và chốt giá bán, ổn định giá bán đến hết năm 2010.
Cùng với công tác trên, các Sở Công Thương cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các điểm bán lẻ, chợ, siêu thị, chợ đầu mối, trung tâm thương mại; xử lý nghiêm biểu hiện tăng giá bất hợp lý hoặc mua gom, đầu cơ thu lợi bất chính; phối hợp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất, cung ứng hàng hóa trong nước phát triển.
Theo Bộ Công Thương, việc triển khai chương trình bình ổn giá sẽ bảo đảm chủ động đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho tiêu dùng các thành phố, góp phần cân đối cung, cầu hàng hóa, hạn chế tình trạng khan hàng sốt giá, góp phần kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn cũng như của cả nước.
Văn Xuyên